Sở Y tế TP.HCM kiến nghị chi hỗ trợ cho lực lượng tình nguyện viên chống dịch Covid-19 không có chuyên môn y tế; chi bổ sung cho thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp và lực lượng chăm sóc F0 tại nhà.
Chiều 18.4, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM do ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban đã chủ trì buổi tái giám sát đối với Sở LĐ-TB-XH, Sở Tài chính, Sở Y tế TP.HCM về công tác phòng chống dịch và thực hiện các chính sách hỗ trợ Covid-19 cho người dân khó khăn. Trước đó, ngày 14.4, buổi tái giám sát này bị hủy do lãnh đạo hai Sở Tài chính và Sở Y tế TP.HCM không có mặt.
Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã báo cáo thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 12/2021 (chính sách được HĐND TP.HCM thông qua ngày 24.8.2021 với 5 nhóm thụ hưởng).
Qua nắm bắt một số vấn đề tồn tại khi chi trả theo Nghị quyết 12 từ các quận huyện, Sở Y tế TP.HCM đề nghị hỗ trợ cho lực lượng tình nguyện viên không có chuyên môn y tế (vốn chưa được quy định tại Nghị quyết 12) được hưởng mức 1,5 triệu đồng/người như của sinh viên y khoa, do thực tế lực lượng này đã đóng góp rất nhiều công sức cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Sở Y tế TP.HCM đề xuất chi bổ sung số tiền 5,5 triệu đồng/người với lực lượng chăm sóc F0 tại nhà |
Ngoài ra, Sở này cũng đề xuất chi bổ sung cho thành viên là Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, nếu chưa được hưởng chế độ này ở các vị trí công việc khác.
Ông Nguyễn Hoài Nam giải thích: Bởi theo văn bản của Sở Y tế hướng dẫn lực lượng tham gia quản lý, điều hành, điều phối trực tiếp hoạt động phòng, chống dịch chỉ gồm Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, Trung tâm cấp cứu 115, Phòng y tế các quận, huyện và TP.Thủ Đức.
“Ngoài ra, lực lượng chăm sóc F0 tại nhà hưởng mức 4,5 triệu đồng/người. Nhưng thực tế, lực lượng này thực hiện công việc rất vất vả, xứng đáng hưởng mức 10 triệu đồng/người của lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp. Nên Sở đề xuất chi bổ sung số tiền 5,5 triệu đồng/người với lực lượng này vì theo Nghị quyết 168 của Chính phủ thì quy định về cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 bao gồm cả trạm y tế lưu động”, ông Nam nói.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ đây đến cuối tháng 5 sẽ đề nghị các đơn vị tham gia phòng chống dịch rà soát tất cả những đối tượng chưa được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 12 để tổng hợp, làm việc với các sở, ngành có liên quan và báo cáo đề xuất UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM, cũng yêu cầu Sở Y tế TP.HCM cần khẩn trương thống kê số lượng lực lượng gián tiếp tham gia phòng chống dịch Covid-19 còn sót bao nhiêu để tham mưu cho lãnh đạo TP.HCM có hướng giải quyết cụ thể.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, thời gian đầu việc thực hiện chính sách hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch Covid-19 bị chậm trễ. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các lực lượng đã được nhận chế độ hỗ trợ.
Cụ thể, các đơn vị đã thực hiện hỗ trợ hơn 108.000 người với tổng số tiền là 476 tỉ đồng.
Đồng thời theo Sở Y tế TP.HCM, có 4.531 người (chiếm khoảng 4,2%) chưa nhận hỗ trợ, thuộc các trường hợp như: nhân viên y tế mới được điều động, đến luân phiên cho lực lượng y tế; đang rà soát, bổ sung quyết định điều động, số tài khoản; đang làm thủ tục giải ngân.
Nguồn: thanhnien.vn