Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Chỉ có 8 tỉnh thành có số ca mắc mới trên 500, trong đó còn duy nhất 1 địa phương là Hà Nội có số ca nhiễm mới trên 1.000.
Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 12.012 ca nhiễm, 19.526 trẻ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm vắc xin. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 17.4 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.012 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 12.011 ca trong nước (giảm 2.649 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 500 ca bệnh: Hà Nội 1.109 ca, Yên Bái 715 ca, Phú Thọ 700 ca, Nghệ An 638 ca, Vĩnh Phúc 616 ca, Quảng Ninh 589 ca, Thái Nguyên 513 ca, Tuyên Quang 511 ca.
Các địa phương có dưới 100 ca bệnh: Quảng Ngãi 99 ca, Hà Nam 98 ca, Thanh Hóa 85 ca, Lai Châu 85 ca, Cà Mau 85 ca, Ninh Bình 84 ca, Tây Ninh 80 ca, Vĩnh Long 70 ca, Điện Biên 63 ca, Phú Yên 56 ca, Long An 49 ca, Thừa Thiên – Huế 49 ca, An Giang 31 ca, Bến Tre 30 ca, Khánh Hòa 28 ca, Bình Thuận 23 ca, Bình Phước 21 ca, Kon Tum 20 ca, Kiên Giang 15 ca, Bạc Liêu 13 ca, Trà Vinh 11 ca, Tiền Giang 5 ca, Hậu Giang 4 ca, Đồng Nai 3 ca, Đồng Tháp 3 ca, Cần Thơ 2 ca, Ninh Thuận 2 ca.
Hôm nay, Sở Y tế Thanh Hóa đăng ký bổ sung 31.260 ca sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang giảm 295 ca, Quảng Ninh giảm 189 ca, Hải Dương giảm 174 ca. Các tỉnh có số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Vĩnh Phúc tăng 175 ca, Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 128 ca, Quảng Trị tăng 27 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có thêm 4.218 bệnh nhân khỏi bệnh. Có 1.008 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó 124 ca thở máy xâm lấn và 3 ca điều trị ECMO.
Trong 24 giờ qua ghi nhận 13 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Đồng Nai, Quảng Nam và Trà Vinh mỗi nơi 2 ca; Bắc Giang, Bình Định, Cần Thơ, Đồng Tháp, Gia Lai, Hải Dương và Quảng Ngãi mỗi địa phương 1 ca. Bộ Y tế cho biết, gần 209,64 triệu liều vắc xin Covid-19 đã tiêm trên cả nước. Trong đó, hơn 192,37 triệu liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, 17,24 triệu liều tiêm cho trẻ từ 12 – 17 tuổi và 19.526 liều (mũi 1) tiêm cho trẻ từ 5 – 11 tuổi.
Học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) được tiêm vắc xin Covid-19 |
Lâm Đồng ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em 11 – dưới 12 tuổi từ 19.4. Sáng 18.4, ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, cho biết từ ngày 19 – 25.4, sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ đủ 11 tuổi đến dưới 12 tuổi đang học tại các trường trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch toàn quốc về tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi.
Trong đợt đầu, với lượng vắc xin được phân bổ, Lâm Đồng ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em 11 – dưới 12 tuổi. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng được Bộ Y tế phân bổ 13.700 liều vắc xin Moderna (tính theo liều 0,25 ml) trong đợt này. Sở Y tế Lâm Đồng đã phân bổ toàn bộ số vắc xin này cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thành phố để tổ chức tiêm cho trẻ em.
Cũng theo bác sĩ Thuận, liều lượng tiêm vắc xin Moderna là 0,25 ml mỗi trẻ. Để chuẩn bị tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ, Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương lập danh sách trẻ em trong độ tuổi trên, gửi công an cơ sở để thực hiện quy trình xác minh thông tin, cấp mã định danh, đảm bảo 100% trẻ tham gia tiêm chủng đều được xác thực thông tin theo quy định.
Trẻ 5 tuổi ở Đồng Nai sẽ được tiêm vắc xin Pfizer. Sáng 18.4, bác sĩ Nguyễn Hữu Tài, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết bắt đầu từ ngày mai 19.4, Đồng Nai đồng loạt tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi trên địa bàn. “Theo kế hoạch, thời gian triển khai từ 18 – 20.4, nhưng do chưa kịp phân bổ vắc xin về các huyện như dự kiến nên công tác tiêm chủng ngày mai mới chính thức bắt đầu”, bác sĩ Tài nói.
Theo kế hoạch tiêm chủng đã được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận, đợt này Sở Y tế triển khai phân bổ 31.000 liều vắc xin Moderna để tiêm mũi 1 cho trẻ từ 6 – 11 tuổi (trẻ 5 tuổi sẽ được tiêm vắc xin Pfizer). Tiêu chí tiêm là từ cao xuống thấp và hạ dần độ tuổi theo số lượng vắc xin phân bổ, liều lượng tiêm là 0,25ml/trẻ. Sở Y tế cũng lưu ý, đối với trẻ đã mắc Covid-19 thì trì hoãn tiêm chủng sau khi mắc bệnh 3 tháng. Theo thống kê, Đồng Nai có khoảng 400.000 trẻ em tuổi từ 5 – 11. Sau mũi 1 vắc xin Covid-19 cho trẻ em tiêm trong tháng 4.2022, mũi 2 dự kiến tiêm trong tháng 5.2022.
Ngày thứ 2, TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Liên quan tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong ngày 16.4, ngày đầu triển khai, TP.HCM đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho hơn 10.000 em lớp 6. Hôm nay (18.4), 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em trên toàn thành phố. Dự kiến có 187 điểm tiêm trong ngày với 433 bàn tiêm và có hơn 42.000 trẻ được tiêm. Những quận, huyện có số trẻ lớp 6 ít, sẽ bắt đầu tiêm cho trẻ lớp 5.
Tính đến ngày 18.4, tổng số mũi vắc xin Covid-19 đã tiêm trên địa bàn TP.HCM là hơn 20,4 triệu liều. Trong đó có 8,1 triệu liều mũi 1, hơn 7,3 triệu liều mũi 2, 682.754 triệu liều mũi bổ sung và hơn 4,2 triệu liều mũi nhắc lại. Số lượng vắc xin Covid-19 đang còn tại TP.HCM là 644.575 liều. Trong đó, 18.624 liều AstraZeneca; 253.327 liều Vero Cell – Sinopharm; 75.780 liều vắc xin Moderna (trẻ em) và 296.844 liều Pfizer.
Người mắc Covid-19 có nguy cơ phát triển các cục máu đông. Kết quả nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng người nhiễm Covid-19 có nguy cơ cao bị thuyên tắc phổi lên đến 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, theo nhật báo Anh Express. Thuyên tắc phổi là 1 mạch máu trong phổi bị tắc nghẽn do cục máu đông, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Người mắc Covid-19 cũng có nguy cơ gia tăng huyết khối tĩnh mạch sâu – tình trạng cục máu đông ở chân – lên đến 3 tháng sau khi nhiễm Covid-19.
Nghiên cứu còn nhận thấy những người bị Covid-19 nặng, và những người nhiễm Covid-19 trong đợt đầu tiên, khi chưa có vắc xin, có nguy cơ hình thành cục máu đông cao nhất. Kết quả cũng cho thấy ngay cả những người nhiễm Covid-19 nhẹ không phải nhập viện cũng có nguy cơ thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) chỉ ra một số triệu chứng cục máu đông phổ biến gồm: Đau ở ngực hoặc lưng trên; Khó thở; Ho ra máu; Bạn cũng có thể bị đau, đỏ và sưng ở một bên chân, thường là bắp chân. NHS khuyên nên gọi cấp cứu ngay nếu gặp các triệu chứng sau: Khó thở nghiêm trọng; Tim đập rất nhanh; Ngất xỉu. Nhiều bệnh nhân “hồi phục hoàn toàn” nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, theo Express.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, TP.HCM đã chi hỗ trợ Covid-19 đợt 3 hơn 6,5 triệu người. Báo cáo tại buổi giám sát chiều 18.4 đối với Sở LĐ-TB-XH, Sở Tài chính, Sở Y tế TP.HCM về công tác phòng chống dịch và thực hiện các chính sách hỗ trợ Covid-19 cho người dân khó khăn, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng Phòng Lao động – Tiền lương – Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) cho hay, đối với Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM, TP.HCM đã hỗ trợ giải quyết cho hơn 1 triệu người lao động tự do với tổng số tiền hơn 1.840 tỉ đồng; hỗ trợ lao động hơn 129.000 lao động ngừng việc, hoãn việc; hỗ trợ hơn 21.634 điểm kinh doanh của thương nhân tại các chợ truyền thống… Với gói hỗ trợ đợt 3 theo Nghị quyết 97/2021 của HĐND TP.HCM, địa phương đã hỗ trợ cho hơn 6,5 triệu người với hơn 6.500 tỉ đồng. Tính đến ngày 13.4.2022, chỉ còn 3 quận, huyện chưa hoàn tất chi hỗ trợ gói đợt 3, gồm: H.Củ Chi (có tỷ lệ chi trả đạt 76%), Q.Bình Tân (có tỷ lệ chi trả đạt 56%), H.Bình Chánh (có tỷ lệ chi trả đạt 41%) do thiếu kinh phí. Đối với việc bổ sung kinh phí cho các quận, huyện và TP.Thủ Đức, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng đề nghị Sở Tài chính nhanh chóng tham mưu UBND TP.HCM bổ sung nguồn kinh phí để tiếp tục chi hỗ trợ Covid-19 và hoàn trả cho các quận, huyện và TP.Thủ Đức bởi các địa phương đã tạm ứng các nguồn khác để thực hiện.
Nguồn: thanhnien.vn