Friday, January 10, 2025

Bùng nổ thị trường tiền điện tử tại Đông Nam Á



Tiền điện tử đang nổi lên như một kênh đầu tư tiềm năng bên cạnh các loại tài sản truyền thống như vàng, cổ phiếu hay bất động sản.

Bùng nổ thị trường tiền điện tử tại Đông Nam Á

 

Làn sóng tiền điện tử đang tràn tới Đông Nam Á, khu vực rất trẻ với một nửa dân số là dưới 30 tuổi. Các nước trong khu vực không muốn bỏ lỡ kênh đầu tư này nhưng đồng thời cũng muốn đảm bảo tiền điện tử được đặt dưới sự quản lý để tránh những mặt trái như đầu cơ, trở thành kênh rửa tiền hay trốn thuế.

Theo báo cáo của sàn giao dịch điện tử Gemini mới công bố đầu tháng này, Indonesia là quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ sở hữu tài sản điện tử. Tổng số giao dịch tài sản tiền điện tử năm ngoái tại Indonesia là gần 60 tỷ USD, tăng hơn 10 lần so với 1 năm trước đó. 41% người dân Indonesia từ 18 – 75 tuổi với mức thu nhập hơn 14.000 USD mỗi năm đang sở hữu tiền điện tử.

“Từ lâu đã có quan niệm rằng Bitcoin hoạt động như một loại ‘vàng kỹ thuật số’. Nếu giá trị của Bitcoin, hoặc bất kỳ loại tiền điện tử nào khác, tăng theo thời gian, điều này sẽ bảo vệ sức mua suy giảm của một loại tiền tệ do bị mất giá” – ông Feroze Medora, Giám đốc sàn giao dịch Gemini khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhận định.

Nhìn toàn cảnh khu vực, một nghiên cứu của Hiệp hội Công nghệ tài chính Singapore cho thấy, các nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp và công nghệ tài chính trong 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng gấp 3 lần so với cả năm 2020, đạt mức 1,1 tỷ USD. Trong đó, các công ty về tiền điện tử đã nhận được 356 triệu USD đầu tư, tăng hơn 5 lần so với mức của năm 2020.

Từ tháng 1 năm nay, Lào đã cấp phép cho 2 công ty được giao dịch bằng tiền kỹ thuật số. Trước đó, Indonesia, Thái Lan, Singapore đều hợp pháp hóa các giao dịch bằng tiền điện tử nhưng không coi đây là phương tiện thanh toán thay đồng nội tệ.

Bùng nổ thị trường tiền điện tử tại Đông Nam Á

Tiền điện tử đang nổi lên như một kênh đầu tư tiềm năng bên cạnh các loại tài sản truyền thống

Tiền điện tử bùng nổ cũng đặt ra những lo ngại về hoạt động lừa đảo, trốn thuế, tội phạm tài chính công nghệ cao. Vì thế, nhiều nước Đông Nam Á đã thắt chặt các quy định kiểm soát.

Từ tháng 5 tới, Indonesia sẽ đánh thuế giá trị gia tăng đối với tiền điện tử. Các giao dịch tài sản tiền điện tử và nguồn lãi từ các khoản đầu tư tiền điện tử sẽ bị đánh thuế ở mức 0,1%. Trong khi từ tháng 4 này, Thái Lan cũng cấm các nhà khai thác tài sản kĩ thuật số tạo điều kiện sử dụng tiền điện tử như một phương tiện thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Brunei, Malaysia đều đã công bố các quy định tương tự những năm gần đây.

Ông Terdsak Taweethiratham, chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán Asia Plus Securities, cho rằng: “Không thể bỏ qua các chính sách của Ngân hàng Trung ương vì đây là nơi có nhiệm vụ điều tiết nền kinh tế, cắt giảm rủi ro và duy trì sự ổn định tài chính của đất nước. Nhưng mặt khác, chúng ta không thể bỏ qua sự đột phá về công nghệ tài chính hay bỏ qua việc sử dụng Blockchain, sử dụng Bitcoin. Vì vậy, tôi hy vọng các quy định có thể linh hoạt hơn và đem lại sự công bằng cho tất cả những người chơi trên thị trường”.

Sự bùng nổ thị trường tiền điện tử tại Đông Nam Á phản ánh xu thế phát triển chung của thị trường tài chính toàn cầu, thể hiện sự thích ứng nhanh chóng của khu vực với cuộc cách mạng công nghệ. Tuy nhiên, đây vẫn là một lĩnh vực mới và sẽ cần cả một quá trình để đưa ra các quy phạm, các khung pháp lý phù hợp để kiểm soát, hạn chế các rủi ro từ tiền điện tử.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img