Hơn 80% số người trả lời khảo sát tin rằng, khả năng truy cập Internet tốc độ cao và đáng tin cậy đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Báo cáo Chỉ số băng thông rộng (Broadband Index) mới nhất của Cisco cho thấy, người lao động Việt Nam coi trọng việc truy cập Internet hơn bao giờ hết, trong bối cảnh mô hình làm việc kết hợp (Hybrid Work) tiếp tục trở nên phổ biến vào năm 2022.
Người lao động tin rằng, khả năng truy cập Internet toàn cầu tốc độ cao và đáng tin cậy là rất quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế và xã hội, theo khảo sát toàn cầu về truy cập, chất lượng và mức độ sử dụng băng thông rộng tại gia đình với gần 60.000 người trên 30 thị trường, bao gồm Việt Nam.
Làm việc kết hợp phụ thuộc vào Internet chất lượng cao
Sự thành công của làm việc kết hợp phụ thuộc vào chất lượng và tính khả dụng của Internet. 81% người lao động nói rằng các dịch vụ băng thông rộng cần phải cải thiện đáng kể để hỗ trợ phương thức làm việc mới này. Người lao động không chỉ yêu cầu tốc độ mà còn đòi hỏi mức độ tin cậy và chất lượng cao.
Một tỷ lệ tương tự (83%) cho biết, độ tin cậy và chất lượng của các kết nối băng thông rộng rất quan trọng đối với họ. Sự phụ thuộc vào truy cập Internet hiệu suất cao được thể hiện qua kết quả thực tế là 88% người lao động Việt Nam thường xuyên sử dụng băng thông rộng tại nhà từ 4 giờ trở lên mỗi ngày. Trong khi đó, 80% hộ gia đình Việt Nam có từ 3 người trở lên sử dụng Internet cùng một lúc.
Nhiều nhân viên làm việc từ xa cần nhiều hơn mức độ kết nối cơ bản để hỗ trợ cuộc sống của họ. Để giải quyết nhu cầu về kết nối băng thông rộng, hơn 2/3 (67%) nhân viên Việt Nam được khảo sát đang có kế hoạch nâng cấp dịch vụ Internet của họ trong 12 tháng tới.
Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, cho biết: “Làm việc kết hợp tiếp tục là phương thức làm việc chủ yếu tại Việt Nam. Việc truy cập Internet hiệu suất cao, an toàn và đáng tin cậy đóng vai trò rất quan trọng để nhân viên làm việc hiệu quả và năng suất khi họ vắng mặt tại văn phòng. Tại Cisco, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các khách hàng là nhà cung cấp dịch vụ để cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ Internet tốt nhất trên khắp Việt Nam, tạo điều kiện cho sự thành công của mô hình làm việc kết hợp bền vững, nơi nhân viên có thể cộng tác liên tục và an toàn, cho dù họ ở đâu”.
Tầm quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Với 61% lực lượng lao động của Việt Nam hiện đang dựa vào Internet gia đình để làm việc tại nhà hoặc điều hành công việc kinh doanh riêng, việc truy cập vào Internet an toàn, đáng tin cậy trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để đảm bảo các hoạt động đó diễn ra suôn sẻ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), những doanh nghiệp không có nguồn lực và cơ sở hạ tầng CNTT như các doanh nghiệp lớn hơn.
Đồng thời, một môi trường kinh doanh kỹ thuật số mới đã được hình thành, nơi các doanh nhân, công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể phát triển thịnh vượng, thúc đẩy sự đổi mới trong các ngành công nghiệp. Các DNVVN tiếp tục đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp, 50% GDP và 70% việc làm. Vì vậy, kết nối băng thông rộng sẽ đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển của loại hình kinh doanh cốt lõi này.
Bảo mật là thiết yếu
Để làm việc từ mọi nơi, nhân viên cần kết nối với mạng và ứng dụng của công ty từ bên ngoài văn phòng, truy cập dữ liệu cá nhân ở nhiều vị trí, trên nhiều thiết bị, qua mạng công cộng và mạng dùng riêng. Người lao động ngày càng nhận thức được rằng an toàn và bảo mật, cũng như tốc độ và độ tin cậy là những yếu tố cần thiết đối với sự thành công của làm việc kết hợp.
73% người lao động Việt Nam làm việc từ xa toàn thời gian hoặc theo hình thức làm việc kết hợp sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho một kết nối băng thông rộng an toàn, điều này cho thấy bảo mật là ưu tiên hàng đầu đối với nhiều người tham gia khảo sát.
Thu hẹp Khoảng cách số
Ngoài lĩnh vực kinh doanh, việc nâng cao chất lượng truy cập Internet có tác động sâu rộng hơn đến nền kinh tế và xã hội. 87% người trả lời khảo sát ở Việt Nam tin rằng việc tiếp cận với Internet nhanh và tin cậy là rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong tương lai, và 82% tin rằng điều quan trọng là phải phát triển và duy trì nền giáo dục tốt cho người dân. Tương tự, 85% người Việt Nam tham gia khảo sát cho rằng tất cả mọi người đều nên có kết nối Internet an toàn, nhanh chóng và đáng tin cậy, bất kể từ vị trí nào.
Guy Diedrich, Phó Chủ tịch cấp cao và Giám đốc Sáng tạo toàn cầu Cisco, cho biết: “Cho đến nay, hơn 40% thế giới vẫn chưa được kết nối. Việc không có khả năng kết nối khoảng 3,4 tỷ người trong 10 năm tới có nguy cơ nới rộng khoảng cách kỹ thuật số. Với tư cách là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ, chúng tôi phải đưa làn sóng mạnh mẽ của kỷ nguyên kỹ thuật số tiếp cận tất cả mọi người, thời gian là điều cốt yếu”.
Dữ liệu từ cuộc khảo sát Chỉ số băng thông rộng của Cisco nhấn mạnh, những lo ngại liên quan đến khoảng cách kỹ thuật số: 75% người Việt tham gia khảo sát cho biết việc truy cập băng thông rộng đáng tin cậy với chi phí hợp lý sẽ trở thành một vấn đề lớn đối với mọi người, bởi kết nối đóng vai trò thiết yếu trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm và giáo dục. 75% lực lượng lao động Việt Nam cho biết họ không thể tiếp cận các dịch vụ quan trọng như đặt lịch khám bệnh trực tuyến, giáo dục trực tuyến, chăm sóc xã hội và các dịch vụ tiện ích trong thời gian phong tỏa do kết nối băng thông rộng không đáng tin cậy.
Hợp tác để hòa nhập kỹ thuật số
Nhu cầu cấp bách đối với hệ thống băng thông rộng toàn cầu mở ra cơ hội lớn cho Chính phủ và các ngành công nghiệp cùng nhau hợp tác và hành động. 83% người tham gia khảo sát mong muốn Chính phủ đẩy nhanh các kế hoạch để đảm bảo Internet tốc độ cao và đáng tin cậy sẵn sàng cho tất cả mọi người.
Chính phủ có thể thiết lập các chính sách và chương trình băng thông rộng nhằm khuyến khích cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư vào Internet và mở rộng phạm vi tiếp cận. Người sử dụng lao động có thể hỗ trợ nhân viên bằng cách áp dụng công nghệ phù hợp cho mô hình làm việc kết hợp cụ thể của họ. Các nhà cung cấp dịch vụ có thể hợp tác với Chính phủ để phát triển các chương trình giải quyết nhu cầu của những người chưa được tiếp cận Internet và áp dụng các phương thức kết nối mạng mới để tạo nên ‘Internet cho tương lai’.
Nguồn: vtv.vn