Tại phiên họp thứ 10 sáng 25.4, cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu ra nhiều vấn đề đang gây lãng phí lớn nhưng chậm khắc phục như các dự án, quy hoạch treo hay ách tắc mua sắm công…
“Anh nào làm không tốt thì nói thẳng”
Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách do Phó chủ nhiệm ủy ban Phạm Thúy Chinh trình bày chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế từ việc lập, phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, dẫn đến lãng phí nguồn lực nhà nước. Cụ thể, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng trong công tác chuẩn bị đầu tư, có nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra ngay từ những bước đầu tiên. Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng nêu nhiều tồn tại hạn chế khác như việc giao kế hoạch vốn hằng năm chưa ưu tiên bố trí kế hoạch vốn cho một số dự án dở dang; chưa phân khai cụ thể cơ cấu nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; bố trí cho một số dự án chưa phù hợp với kế hoạch trung hạn; phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền…
Dự án Viễn Đông Meridian ở Đà Nẵng đã “án binh bất động” trong nhiều năm |
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá các dự án treo ở địa phương tương đối phức tạp, dẫn tới nhiều hệ lụy, nhất là việc thu hồi đất nhưng không sử dụng được. Bên cạnh đó có tình trạng nhiều nhà đầu tư, chủ đầu tư lập dự án được cấp đất, nhưng thực tế không thực hiện dự án mà chuyển nhượng qua nhiều lần để hưởng chênh lệch, dẫn đến dự án treo. Nguyên nhân không phải nhà đầu tư gặp khó khăn mà ngay từ đầu nhà đầu tư cũng như chính quyền giao dự án biết không thực hiện nhưng vẫn giao đất. “Có những dự án chuyển 2 – 3 nhà đầu tư nhưng vẫn chưa thực hiện được”, bà Thanh cho hay.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không đồng tình với cách viết chung chung của báo cáo thẩm tra và đề nghị tập trung vào một số vấn đề lớn với “địa chỉ” cụ thể. Dẫn ngay ví dụ trong các dự án đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ tình trạng phân tán, dài trải của các dự án đầu tư, tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia…
Dấu hiệu vi phạm về mua sắm kit xét nghiệm ở Bộ Y tế, Hà Nội, TP.HCM
Giải trình tại phiên họp, Phó tổng thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy cho biết liên quan việc mua sắm phòng, chống Covid-19, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch. Thanh tra Chính phủ đã và đang triển khai thanh tra tại Bộ Y tế, Hà Nội, TP.HCM cũng như hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
“Sơ bộ bước đầu, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện ra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm Covid-19. Kết quả chính thức sẽ báo cáo Chính phủ trong tháng 5.2022”, ông Bảy thông tin.
Lê Hiệp
“Các đồng chí nói thẳng, ở đây cứ nói là một số dự án. Một số là một số nào? Tôi đề nghị các đồng chí bỏ từ “một số”, một số địa phương, một số ngành, một số dự án, nhiều một số quá”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng: “Anh nào làm tốt nói làm tốt, anh nào làm không tốt thì nói thẳng chứ sao phải ngại”.
Bắt người ta phải khai gian !
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi quy định về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá cho phù hợp với thực tiễn vì đây là khâu đang gây lãng phí. Ông Trần Thanh Mẫn cho rằng hiện nay vấn đề đơn giá, định mức còn nhiều vướng mắc, gây lúng túng cho các cơ quan, địa phương khi thực hiện.
“Có khi nghỉ 1 đêm nhưng theo giá phòng quy định của Bộ Tài chính không đủ nên phải kê 2 đêm, hội nghị 1 ngày phải kê 2 ngày. Vấn đề này làm sao làm cho thực tế, tránh để cán bộ bên dưới khai không đúng”, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ ra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát bao nhiêu phần trăm trong hệ thống định mức này không được sửa đổi kịp thời, có làm chậm giải ngân đầu tư công, có làm ách tắc đầu tư công hoặc có làm tăng chi phí đầu tư công hay không? Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều đơn giá, định mức quy định không thực tế. “Có đồng chí bộ trưởng ngày xưa có nói vui là định mức của các ông nó chỉ có giá trị từ trong trụ sở Bộ Tài chính ra đến cây sấu ở cổng (trụ sở Bộ Tài chính), tức là cứ bắt người ta phải khai gian, bắt người ta phải nói dối”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.
Từ đó, người đứng đầu Quốc hội đề nghị nên tăng cường phân cấp cho cơ quan, đơn vị theo kiểu khoán chi hành chính sự nghiệp, đồng thời ban hành khung để quy định các định mức, đơn giá và nguyên tắc để thực hiện. “Định mức, đơn giá không rõ nên các địa phương tắc hết, năm 2020, năm 2021 cũng vậy”, Chủ tịch Quốc hội nói.
“Việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch, Quốc hội đã có nghị quyết, Chính phủ đã có nghị quyết, vì sao nhiều nơi không dám mua, ách tắc. Chúng ta hướng dẫn mà cứ có câu phía sau bảo theo quy định của pháp luật là không ai dám mua. Ngược lại có anh mua thì lại sai phạm và điển hình nhất là vụ Việt Á, kit xét nghiệm sai phạm của trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Nguồn: thanhnien.vn