Hai công trình trọng điểm của SEA Games 31 là sân Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước vừa thoát khỏi “cơn hú hồn” khi thiết bị điện tử môn bơi và điền kinh tuy bị chậm nhập vào Việt Nam nhưng vẫn kịp lắp đặt.
Trắc trở đủ đường
Cách đây đúng 1 ngày, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây nguyên (đơn vị được Bộ VH-TT-DL giao làm chủ đầu tư dự án nâng cấp, sửa chữa, thay thế cơ sở vật chất, thiết bị và các hạng mục công trình tại Cung thể thao dưới nước Khu liên hợp thể thao quốc gia) mừng rơi nước mắt khi nhận được công văn của đối tác, thông báo thiết bị điện tử Omega cho môn bơi và nhảy cầu sẽ có mặt ở Việt Nam vào ngày 25.4.
Chuyên gia kỹ thuật lắp đặt thiết bị điện tử phục vụ môn điền kinh tại sân Mỹ Đình |
Nội dung công văn “ly kỳ” bởi mô tả rất chi tiết về toàn bộ lộ trình thông quan trắc trở và khó khăn ở những công đoạn nào, tại sao lại trở nên phức tạp. Xin được nhắc lại, thiết bị của Hãng Omega được chuyển về Việt Nam thông qua Công ty TNHH công nghệ Hồ Nam (Trung Quốc) – đại lý độc quyền được Omega ủy thác nhập khẩu hàng hóa từ Thụy Sĩ. Lô hàng được chuyển về sân bay Bạch Vân, Trung Quốc vào ngày 26.1. Tuy nhiên có nhiều lý do hàng di chuyển về Việt Nam chậm như ảnh hưởng của dịch bệnh (các khâu liên quan đến nhập cảnh đều bị tắc), hoặc vướng vào đợt nghỉ Tết âm lịch nên hải quan sân bay Bạch Vân không làm việc. Thêm một số khó khăn khách quan khác mà suốt gần 3 tháng trời, thiết bị không thể thông quan nên phía nhà thầu cũng như chủ đầu tư đã phải nhờ các cơ quan có liên quan hỗ trợ. Ngành thể thao và Ban tổ chức SEA Games như “ngồi trên lửa” vì đại hội đã rất gần. Không có thiết bị điện tử, không thể tổ chức được môn bơi và nhảy cầu.
Chúng tôi thở phào khi nhận thông tin, thiết bị được thông quan thành công sau thời gian dài bị “đóng băng” vì chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do dịch bệnh. Song cũng có vấn đề đáng lo bởi thời gian rất gấp mà cần phải có ngay đội ngũ rất thông thạo vận hành máy móc mới…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh VN
Ngày 14.4, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) email thông báo đã có công văn gửi hải quan Trung Quốc nhờ giúp đỡ. Đến ngày 20.4, hàng hóa đã được thông quan và được đặt lịch bay từ Trung Quốc quá cảnh sang Hàn Quốc rồi về sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào ngày 25.4. Đối với những thiết bị điện tử có chứa pin, súng phát lệnh không thể chuyên chở được bằng đường hàng không, bắt buộc phải di chuyển bằng đường bộ qua cửa khẩu Hữu Nghị và ngày 26.4 sẽ được đưa thẳng về Cung thể thao dưới nước tại Hà Nội. Nếu không có trục trặc nào khác nữa, gói thầu số 13 mua sắm thiết bị các bộ môn bơi lội và nhảy cầu phục vụ thi đấu, sẽ được hoàn tất bởi tiến độ cụ thể như sau: Từ ngày 25 – 29.4, sau khi thiết bị được đưa đến công trình sẽ lắp đặt và chuyển giao công nghệ, chạy phần mềm thi đấu, chạy liên động hệ thống điện tử. Bể bơi của Cung thể thao dưới nước đã được cung cấp nước và đang được xử lý hóa chất. Đội tuyển bơi Việt Nam vừa trở về từ chuyến tập huấn tại Hungary, sẽ có buổi tập đầu tiên tại đây vào sáng 25.4.
Tại sao bị chậm tiến độ ?
Ở môn điền kinh, ngày 23.4, nhà thầu và chuyên gia kỹ thuật của Hãng điện tử AGLE bắt đầu cho lắp đặt trang thiết bị tại sân Mỹ Đình – công việc đáng lý phải thực hiện từ tháng 3 nhưng cũng do Covid-19 mà hàng hóa bị thông quan chậm. Cũng may, thiết bị kịp về trước SEA Games 31.
Nhưng vẫn còn đó những âu lo, mà theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam (VAF): “Chúng tôi thở phào khi nhận thông tin, thiết bị được thông quan thành công sau thời gian dài bị “đóng băng” vì chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do dịch bệnh. Song cũng có vấn đề đáng lo bởi thời gian rất gấp mà cần phải có ngay đội ngũ rất thông thạo vận hành máy móc mới. Thông thường phải cần vài tháng để làm quen mới có thể điều hành tốt được. Việc tập huấn, đào tạo đang được các chuyên gia của AGLE thực hiện ngay trong khi lắp đặt”.
Cũng theo ông Hùng, VAF đã huy động những trọng tài điện tử giỏi nhất từ TP.HCM ra Hà Nội và hy vọng các trọng tài Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ khi môn điền kinh khởi tranh tại SEA Games 31. Trong các ngày 25 và 26.4, các quan chức điền kinh châu Á sẽ thẩm định chất lượng trang thiết bị cũng như chấm điểm cách vận hành của lực lượng trọng tài Việt Nam thông qua giải tiền SEA Games để mọi việc sẽ xuôi chèo mát mái khi đại hội chính thức diễn ra.
Bộ trưởng sẽ làm “trọng tài”
Theo kế hoạch, mặt sân Mỹ Đình sẽ được chuyển giao tạm thời cho Ban tổ chức (BTC) lễ khai mạc SEA Games 31 là TP.Hà Nội, từ ngày 25 – 30.4 để Hà Nội tiến hành lắp đặt thiết bị và dựng sân khấu cũng như thử máy chiếu, chuẩn bị cho sự kiện diễn ra vào tối 12.5. Tuy nhiên, Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình lại lo ngại mặt sân sẽ bị hỏng cỏ nếu lắp đặt sớm, ảnh hưởng đến chất lượng thi đấu trận tranh hạng ba và chung kết môn bóng đá nam ngày 22.5. Khu liên hợp muốn phía Hà Nội lắp đặt trước lễ khai mạc khoảng 6 ngày, thay vì 12 ngày. Trong tuần này, BTC lễ khai mạc và khu liên hợp sẽ có cuộc họp với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng để lãnh đạo Bộ đưa ra quyết định cuối cùng.
Nguồn: thanhnien.vn