Việc chi hàng chục triệu đến trăm triệu, rồi hàng tỉ đồng để sở hữu biển số đẹp, cho thấy những con số phần nào ảnh hưởng đến chủ nhân muốn sở hữu.
Để hiểu rõ hơn ý nghĩa cũng như mục đích của người “săn” biển số đẹp, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, nhà nghiên cứu văn hóa – Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM.
Hai ảnh hưởng chính
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, việc người Việt Nam lựa chọn những con số có ảnh hưởng bởi nhiều xu hướng.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM |
Xu hướng thứ nhất là chịu sự ảnh hưởng, chi phối của tư duy âm – dương. Về mặt văn hóa, đây là yếu tố truyền thống, có từ lâu đời.
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, ngày trước, người ta quan niệm số lẻ (gồm 1, 3, 5, 7, 9) là số dương và số chẵn (2, 4, 6, 8, 10) là số âm.
Số dương hướng đến sự phát triển hoặc điều gì đó tốt đẹp mà người ta mong muốn; còn số âm thì mang thuộc tính ổn định hoặc không định hướng đến sự phát triển. Do vậy, người ta thường không trọng con số chẵn (trừ số 2, vốn thường dùng cho phong tục hôn nhân).
“Quay trở lại câu chuyện số lẻ, tùy trường hợp, người ta sẽ sử dụng một con số chuyển tải đi thông điệp. Ví dụ, số 3 có “bậc tam cấp”, “cổng tam quan”, dãy tam tọa (dãy kiến trúc ba tòa nhà liên tục với nhau – PV), tam sơn… Số 5 có “ngũ hành sơn”, “ngũ hành Nương Nương” (năm vị thần biểu trưng cho: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ – PV), “ngũ phúc lâm môn”. Số 7 có thất sơn (7 ngọn núi ở tỉnh An Giang)…”, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ nói.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ phân tích, với số 9 được đánh giá là tốt nhất, có nhiều chuyển tải vì nó là con số dương cao nhất như “sông Cửu Long”; sính lễ cưới trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh là “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”.
Từ đó, trên 10, người ta cũng lấy số 9 làm thước, ví dụ “18 đời Hùng Vương” (số 9 x 2), “36 phố phường” (9 x 4), “72 phép thần thông biến hóa” của Tề Thiên Đại Thánh hay 72 bậc từ mặt đường đến bức tượng (9 x 8), “108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc” (9 x 12) hoặc “đại lợi” là “999 đóa hoa hồng”.
Yếu tố thứ hai là từ sự giao thoa văn hóa với Trung Hoa vốn chuộng số 6 và số 8 và đại kỵ số 4 (do “tứ” gần với “tử”, tức chết chóc).
PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ nêu ví dụ, chính vì vậy, ở Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, các khách sạn lớn thường đánh số tầng gồm: tầng 1, tầng 2, tầng 3A, rồi tầng 5 chứ không đặt tầng 4 vì không cho thuê được.
Với số 6 và số 8 văn hóa Trung Hoa là “lục”, gần với “lộc”, “bát” gần với “phát”.
“Theo truyền thống Việt Nam, hai con số này không quý, có thể minh chứng cụ thể như có thuyết cho rằng đồng bằng Sông Cửu Long chỉ chảy có 8 cửa ra biển nhưng không thể nói “bát giang” vì mình không thích, nên có đào thêm một cửa thông ra biển Tây để gọi là Cửu Long Giang. Hay trường hợp địa danh “Ngũ Hành Sơn” của TP.Đà Nẵng có 6 ngọn nhưng vẫn gọi thành 5 ngọn”, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ cho hay.
Chuyên gia cũng phân tích, do qua quá trình giao thương với Trung Hoa, đặc biệt ở những đô thị lớn, người ta mới tiếp nhận yếu tố 6 tượng trưng cho “lộc” và 8 tượng trưng cho “phát” (kinh tế phát lộc).
“Chính vì vậy có xu hướng tranh nhau tìm những biển số 8866, 6688. Người ta vẫn quý con số 9 vì nó là con số cao nhất của dãy số dương, riêng con số 7 lại tránh mặc dù nó là con số dương vì “thất”. Sau đó là 8: bát thành, thất bát, làm ăn không may mắn. Thế nên thường thấy trong thương mại, không số 6 thì là số 8, không số 8 thì số 9 chứ không chuộng số 7”, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ nói.
Những người buôn bán thường có xu hướng tin vào điều may rủi và họ có xu hướng trọng đời sống tâm linh. Họ tin rằng họ được con số đó họ mới được may mắn…
Ngoài hai yếu tố trên, theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, cũng có trường hợp người muốn bán lại “con số đẹp”, nên tự tạo ra những giá trị, câu chuyện. Chẳng hạn, sở hữu những con số này thì công việc buôn bán làm ăn thịnh vượng. Tuy nhiên, không ai kiểm chứng được câu chuyện đó và có người nhẹ dạ, cả tin mua về.
Biến tướng
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, về cơ bản, những con số là bất di bất dịch nên nó không mang lại bất kỳ giá trị gì. Tuy nhiên, cái chính vẫn là “tâm lý của người sở hữu con số”.
Ví dụ, nếu người nào đó sở hữu “con số đẹp”, tự nhiên họ thấy hưng phấn, vui hơn, có niềm tin thắng lợi, sẵn sàng hơn cho việc buôn bán.
Nhưng ngày nay người ta sở hữu các con số thì lại biến tướng thành việc coi như một món hàng hóa và bán lại để đoạt “giá trị thặng dư”, lại là trường hợp rất khác; nếu không khéo có thể dẫn tới một thị trường như “lan đột biến”. Chính vì vậy, cần có cơ chế quản lý, tránh việc nhiều người chạy theo.
“Những người giàu có bỏ tiền ra mua một con số đẹp thì đó là chuyện của họ. Nhưng nó có thể kéo theo những người khác, vì tham lam, lợi nhuận nhanh, bản thân họ lại không có tiền nhưng đi vay mượn, sở hữu con số đó để được bán giá cao hơn. Nếu bán không được cao hơn thì họ sẽ là người mang nợ, rất nguy hiểm; không khéo sẽ trở thành hệ lụy như cờ bạc”.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ cũng lưu ý tình trạng nhiều người trong các hội nhóm có nhiều câu chuyện bị “lái đi” khi phân tích các con số. “Chúng ta ưa lái sang nhiều câu chuyện. Vấn đề ở chỗ “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, người ta dẫn dắt câu chuyện, tạo ra làn sóng người theo”.
Do đời sống thương mại hiện nay phát triển, lại chú trọng lợi nhuận lợi ích, đẩy con người đến quá tin vào tha lực, trông vào may mắn từ “trên trời rơi xuống” như những con số, những vị thần tài… Cuối cùng, con người coi nhẹ khả năng, nỗ lực, cần cù, sự sáng tạo tự thân.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ nêu vấn đề: “Việc gửi gắm những ước vọng, buôn may bán đắt, thịnh vượng là ước vọng chính đáng, nhưng đừng đặt hết niềm tin vào con số, tha lực rồi đánh cược vào nó. Nên chăng chỉ nên dừng lại ở việc sở hữu một con số trong điều kiện của mình, coi đó là điểm tựa hỗ trợ về mặt tinh thần để làm tốt hơn công việc của mình?”. (còn tiếp)
Nguồn: thanhnien.vn