Nhu cầu có biển số đẹp tồn tại từ rất lâu. Nhưng hiện không có cơ chế hợp pháp cho việc này nên dẫn đến câu chuyện tiêu cực xảy ra trong việc lạm dụng quy trình về vận hành cấp biển số.
Mới nhất, từ 2 sự việc, anh Trần Hữu Tuyến (ngụ H.Anh Sơn, Nghệ An), chủ nhân chiếc xe ô tô KIA (giá lăn bánh gần 700 triệu đồng) đã bấm ngẫu nhiên được biển số 37A-999.99, sau đó bán lại với giá 1,6 tỉ đồng, hay chủ nhân biển số xe máy Honda Airblade bấm được biển số 50N1-999.99, cũng đã bán xe và biển số cho một người khác, rồi người này rao bán với giá 900 triệu đồng ở TP.HCM, cho thấy nhu cầu chi tiền cho biển số đẹp là có.
Xe sang – số “xịn” |
Bên cạnh đó, khi nhà nước thực hiện phương án bấm biển số ngẫu nhiên để tạo công bằng, minh bạch nhưng vẫn chưa “thoát” được nạn tiêu cực khi cấp biển số xe, đặc biệt là cấp biển số đẹp, thì tại sao chuyện đấu giá biển số vẫn chưa thực hiện?
Đôi bên cùng có lợi
Vấn đề đấu giá biển số xe đã manh nha khoảng 10 năm nay. Năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng đề án đấu giá biển số xe.
Năm 2020, đề án đã được hoàn thiện. Tháng 4.2022, Bộ Công an bắt đầu lấy ý kiến của người dân đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá (gọi tắt là dự thảo Nghị quyết về đấu giá biển số ô tô).
Từng đấu giá biển số xe thu tiền tỉ đem hỗ trợ người nghèo
Tháng 4 – 5.2008, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức 2 phiên đấu giá biển số xe, thu về 4 tỉ đồng. Số tiền này sau đó được dành cho hoạt động đảm bảo an toàn giao thông và giúp đỡ cho người nghèo, khuyết tật. Tuy nhiên, việc đấu giá biển số xe sau đó phải tạm dừng do chưa có quy định và “vênh” với một số quy định pháp luật khác.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết về đấu giá biển số ô tô quy định về: cách tính giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; trường hợp bán cho người duy nhất tham gia đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số.
Dự thảo đề cập tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ nộp vào ngân sách T.Ư, phân bổ cho ngân sách địa phương.
“Nhất cử lưỡng tiện”
Luật sư (LS) Trương Anh Tú (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho rằng, việc đấu giá biển số xe đẹp là rất tốt, tránh cơ chế xin – cho, “quan hệ” để có có biển số đẹp.
“Người dân có nhu cầu về biển số đẹp thì nhà nước cứ đáp ứng, đấu giá một cách công khai, minh bạch và công bằng. Sau khi đấu giá thành công, tiền vào ngân sách nhà nước để lo an sinh xã hội cho nhân dân. Đấu giá là “nhất cử lưỡng tiện”, LS Tú chia sẻ.
Một ô tô mang biển số đẹp lưu thông trên đường |
Trước lập luận cho rằng, nếu đấu giá biển số đẹp thì chỉ người có tiền mới có cơ hội, dẫn đến không công bằng, theo LS Tú, không nên suy nghĩ một chiều, bởi xác định số xấu – đẹp là quan niệm mỗi người, không có chuẩn mực hay căn cứ pháp luật nào để xác định số xấu – đẹp; đồng thời, thực tế cho thấy, biển số đẹp hiện nay luôn, hoặc đa số gắn trên xe sang, người có tiền, khiến dư luận hoài nghi. “Đấu giá biển số xe, người có tiền vừa có biển số theo mong muốn, nhà nước thu được ngân sách, không đi đâu mà thiệt”, LS Tú nêu quan điểm.
“Quan trọng là khái niệm thế nào là số đẹp để từ đó tạo ra một kho biển số đẹp, sau đó xác lập giá khởi điểm để bán đấu giá. Nhà nước cần sớm triển khai thí điểm, áp dụng việc đấu giá biển số xe để đi đến mục đích cơ chế này”, LS Tú nhấn mạnh.
LS Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng, việc đấu giá biển số xe ô tô cần được khuyến khích vì sẽ tạo ra nguồn thu hợp pháp cho nhà nước.
“Chúng ta phải xác định được rằng, nhu cầu có biển số đẹp, theo sở thích đã có và tồn tại từ rất lâu. Chính vì lâu nay chúng ta không có cơ chế hợp pháp cho việc này nên mới dẫn đến câu chuyện tiêu cực xảy ra, lạm dụng quy trình về vận hành trong việc cấp biển số. Điển hình như mới đây, cựu Trưởng phòng CSGT – Công an tỉnh An Giang bị khởi tố do can thiệp phần mềm cấp biển số”, LS Phát nói.
Lần đầu tiên bán đấu giá biển số xe ô tô tại Thái Lan
Theo Bangkok Post (Thái Lan), vào ngày 7.4.2022, lần đầu tiên các chủ xe ô tô tại nước này được tham gia đấu giá mua biển số xe đặc biệt do Cục Giao thông đường bộ tổ chức.
Đây là lần đầu tiên các chủ phương tiện cá nhân được phép tham gia đấu giá các biển số đặc biệt, với mỗi biển số bao gồm các chữ cái Thái Lan, dấu thanh và số không quá 7 ký tự.
Những biển số được chọn nhiều nhất có các từ đại diện cho tiền bạc và sắc đẹp, như: “Ror Wor Yor” đọc là “ruai”, có nghĩa thể hiện sự giàu có; “Sor Wor Yor” đọc là “suai”, gần nghĩa với từ đẹp; hoặc “sethi”, có nghĩa là triệu phú. Biển số đắt nhất là “Ror Wor Yor 9999” được bán với giá 18,5 triệu baht, tương đương 550.000 USD.
Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán đấu giá biển số xe đặc biệt sẽ được dùng để hỗ trợ Quỹ An toàn giao thông đường bộ.
Nguồn: thanhnien.vn