Thursday, January 16, 2025

Phải làm rõ có ‘chống lưng’ cho trộm cát ngay chân cầu Mỹ Thuận?



Đừng để cầu Mỹ Thuận, và cả những công trình khác trên cả nước, chịu ảnh hưởng bởi nạn khai thác cát trái phép xảy ra hệ quả rồi mới tính đến chuyện giải quyết, xử lý…

Phản hồi loạt bài điều tra “Cát tặc”đe dọa cầu Mỹ Thuận do Thanh Niên thực hiện, nhiều bạn đọc cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ vì sao người dân biết và liên tục phản ánh nhưng lực lượng chức năng vẫn để “cát tặc” hoành hành?

Loạt bài do nhóm PV Thanh Niên thực hiện phản ánh về thực trạng sông Tiền (đoạn gần cầu Mỹ Thuận, giáp ranh giữa 2 tỉnh Vĩnh Long – Tiền Giang) nhiều năm qua là điểm nóng về nạn khai thác cát trái phép. Nhiều thời điểm, hàng chục sà lan, ghe đổ về đoạn sông trên ngang nhiên khai thác cát trái phép, uy hiếp an toàn cầu Mỹ Thuận.

Phải làm rõ có

Hình ảnh hút cát trộm dưới chân cầu Mỹ Thuận ban đêm do PV Thanh Niên ghi nhận trong loạt bài điều tra

Những câu hỏi cần được trả lời

Bạn đọc (BĐ) Nguyễn Thiên Vương viết: “Trong loạt bài phóng sự – điều tra của Thanh Niên, tôi có đọc được ý kiến của ông Nguyễn Văn Tây, nguyên Chánh văn phòng Huyện ủy Cái Bè. Ông đặt ra vấn đề: Lực lượng CSGT của Bộ Công an, Công an tỉnh Tiền Giang được trang bị ca nô chuyên dụng, áo phao… để tuần tra, kiểm soát 24/24 trên sông, vì sao không phát hiện được phương tiện hút cát trộm? Các sà lan, ghe gỗ hút cát trộm rất lớn, được trang bị máy bơm, mà người dân còn biết nhưng tại sao người thực thi công vụ không biết?… Đó là những câu hỏi chính đáng, đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc và trả lời. Nếu có dấu hiệu chống lưng, bảo kê cho các nhóm hút cát trộm thì cần phải “truy tận gốc”. Cũng quan trọng không kém việc xử lý những người hút cát trộm là phải xử lý thích đáng cá nhân, doanh nghiệp tiêu thụ cát trộm. Nguồn cung về cát làm vật liệu xây dựng vốn đang khan hiếm, nên càng không thể để thất thoát bởi “đội quân” hút, kinh doanh cát trộm vi phạm pháp luật, khai thác cát trái phép, bừa bãi làm ảnh hưởng đến an toàn của các công trình cũng như ruộng, vườn, nhà dân dọc hai bên sông”.

Dẫn Chỉ thị số 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29.9.2020, trong đó có đề cập đến nội dung “lãnh đạo các tỉnh, thành sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép tại địa bàn”, BĐ Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng “địa chỉ quy trách nhiệm đã có”. “Rất cần cơ quan chức năng T.Ư, địa phương có thẩm quyền lên tiếng, vào cuộc xử lý, không để chìm xuồng vụ này”, BĐ này viết.

Hành động ngay !

Trước thực trạng “cát tặc” đe dọa cầu Mỹ Thuận nêu trên, một nhóm cán bộ hưu trí, lẫn doanh nghiệp tại H.Cái Bè (Tiền Giang) đã có đơn tập thể cầu cứu lên các cấp T.Ư và địa phương, thế nhưng nạn nạo vét cát trái phép vẫn diễn ra (vào thời điểm nhóm PV Thanh Niên thực hiện loạt bài). Trong khi đó, khi đề cập đến vai trò quản lý của lực lượng chức năng, trả lời Thanh Niên, thượng tá Trần Thanh Tùng, Trưởng công an H.Cái Bè, cho biết hiện nay có nhiều lực lượng quản lý, thanh kiểm tra, xử lý liên quan đến khai thác cát nhưng thật sự chưa hiệu quả vì công tác phối hợp chưa đồng đều. Chính vì thế, công tác xử lý “cát tặc” vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Nạn cát tặc đã hoành hành từ rất lâu, tổn hại rất nhiều, tới nay vẫn tồn tại. Đề nghị có cơ chế, giải pháp tịch thu tất cả phương tiện gây án; bắt bồi thường toàn bộ tổn thất và phục hồi nguyên trạng, bồi thường luôn thiệt hại về sụt lún nhà cửa, công trình hai bên các dòng sông; truy cứu trách nhiệm hình sự… Có như vậy mới hy vọng chấm dứt được nạn “cát tặc” như hiện nay.

Tuan Nguyen

Không kiên quyết dẹp bỏ nạn cát tặc thì hậu quả để lại vô cùng nguy hiểm.

Lâm Liêu

Tôi đề nghị Chính phủ giao thanh tra và cơ quan điều tra vào cuộc để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, bất kể đó là ai.

Hoàng Phong

Đề cập đến vai trò quan trọng trong việc phối hợp của cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn “cát tặc”, BĐ Trân Trần chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây ở khu vực kênh Thanh Đa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM nên rất thấm thía nỗi sợ sạt lở bờ sông. Vào những năm 1999 – 2004, là thời điểm nạn sạt lở hoành hành dữ dội nhất, những câu chuyện như nửa đêm một phần căn nhà rơi tõm xuống sông, kéo theo tài sản, là chuyện rất thường gặp. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do nạn khai thác cát bừa bãi làm thay đổi dòng chảy, khiến “bên lở, bên bồi”. Do vậy, nhìn thấy cảnh sạt lở bờ sông làm ảnh hưởng đến người dân, tôi lại nhớ đến hoàn cảnh từng qua của mình. Cầu Mỹ Thuận nối hai bờ sông Tiền, thuộc 2 tỉnh Tiền Giang, Long An, nên nếu không có sự phối hợp hiệu quả của cơ quan chức năng của hai tỉnh này, cũng như cơ quan chức năng mỗi địa phương và T.Ư được phân quyền quản lý thì mối nguy cho an toàn của cây cầu quan trọng này hoàn toàn có thể đặt ra”.

“Đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Đừng để cầu Mỹ Thuận, và cả những công trình khác trên cả nước, chịu ảnh hưởng bởi nạn khai thác cát trái phép xảy ra hệ quả rồi mới tính đến chuyện giải quyết, xử lý quyết liệt. Ngay bây giờ, cần phải hành động!”, BĐ Tr.Trân viết.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img