Saturday, January 11, 2025

Nhường nhịn nhau trên đường để không phải hối hận sau song sắt



Chỉ vì va quệt trong quá trình tham gia giao thông, nhiều người sẵn sàng “hạ cẳng chân, thượng cẳng tay”, hùng hổ xông vào nhau quyết ăn thua đủ. Hậu quả là nhiều vụ người thương tích, thậm chí tử vong, kẻ vào tù.

Vụ việc mới nhất được thông tin trên Thanh Niên như sau: Chiều 30.4, trên đường Lý Thường Kiệt (P.Xuân An, TP.Long Khánh, Đồng Nai) xảy ra mâu thuẫn giữa nhóm của Trần Anh Trung với anh Đào Duy Trường (38 tuổi, ngụ H.Xuân Lộc, Đồng Nai) điều khiển xe bán tải chở theo 3 người bạn. Sau đó, Trần Trung Tín chạy xe máy đến chắn trước đầu xe bán tải của anh Trường và giữa hai bên xảy ra cãi vã. Khi anh Trường xuống xe thì phương tiện trôi về phía trước, tông vào xe máy của Tín. Thế là hỗn chiến xảy ra. Hậu quả, Trường và Bùi Dưỡng (32 tuổi, ngụ TP.Long Khánh, cùng nhóm Trường) gục tại chỗ, phải đi cấp cứu… Công an TP.Long Khánh đã tạm giữ hình sự nhóm đánh người để xác minh, làm rõ.

Nhường nhịn nhau trên đường để không phải hối hận sau song sắt

Nhóm nghi can đánh người bị tạm giữ hình sự

Hành vi đánh người dã man

Hành vi đánh người sau mâu thuẫn trong quá trình tham gia lưu thông nói trên được camera ghi lại. Nhiều bạn đọc (BĐ) xem clip này tỏ ra rất bức xúc trước thói côn đồ của nhóm đánh người. BĐ Nguyễn Văn Khôi hoan nghênh động thái kịp thời của Công an TP.Long Khánh khi tạm giữ hình sự nhóm đánh người để làm rõ vụ việc. “Phải xử lý nghiêm minh những kẻ có hành vi côn đồ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe người khác. Những hành động đánh người rất tàn bạo, dã man: toàn nhằm vào những điểm hiểm yếu trên cơ thể con người, đánh khi các nạn nhân đã nằm bất động…”.

Xem những vụ va quệt xe rồi dẫn đến đánh nhau, thấy nhiều người trẻ bây giờ manh động quá, đụng chút là họ thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Vì thế, tôi luôi dặn người thân khi ra đường nếu chẳng may có va quệt xe thì hãy nói lời xin lỗi trước, dù có khi mình là nạn nhân, sau đó nhẹ nhàng giải quyết với nhau.

Vũ Loan

Một trong những giải pháp để hạn chế tình trạng va chạm dẫn đến mâu thuẫn, hành hung nhau là tuân thủ nghiêm luật giao thông, như: lưu thông đúng làn đường, vạch đường; không vượt ẩu, “cắt đầu” phương tiện khác; khi xảy ra va chạm thì mỗi người nhường nhau một chút, không nên manh động.

Hoang Thien Van

“Nhiều người khi ra đường còn thủ sẵn dao trong cốp xe, nếu chẳng may xảy ra va chạm giao thông họ không ngần ngại lấy hung khí để tấn công người khác. Luật pháp cần nghiêm minh đối với những người này”, BĐ Le Manh Hung viết. Đồng quan điểm, BĐ Tâm Nhân cho rằng cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những người có hành vi bạo lực, côn đồ để làm gương, răn đe cho những người trẻ tuổi vốn rất “nóng máu” khi xảy ra mâu thuẫn trong lúc lái xe trên đường. “Những vụ án này, tòa án nên đem ra xét xử công khai để tăng tính răn đe, giáo dục cho nhiều đối tượng, lứa tuổi”, BĐ này kiến nghị.

Tăng cường dạy văn hóa giao thông trong trường học

BĐ Nguyễn Ngọc Châu nêu ý kiến: “Những vụ hỗn chiến xuất phát từ va quệt xe trong khi tham gia giao thông trên đường không còn là hiếm. Có nhiều vụ việc để lại hậu quả đau lòng, chết người như từng xảy ra trên đường Cống Quỳnh (Q.1, TP.HCM) cách đây nhiều năm. Ở vụ việc này, sau va quệt giao thông, 1 nam thanh niên bị nhóm 4 người truy đuổi, chặn đánh nên dùng hung khí đâm loạn xạ khiến

Nhường nhịn nhau trên đường để không phải hối hận sau song sắt

Cảnh hỗn chiến sau va chạm ở TP.Long Khánh dẫn đến 2 người gục tại chỗ

1 người chết, 3 người bị thương. Bài học cho mọi người là hãy tham gia giao thông có văn hóa và hãy biết kiềm chế cơn nóng giận của bản thân. “Giận quá mất khôn” có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Chậm một vài giây, nhường nhịn nhau chút trên đường còn hơn phải hối hận nhiều năm sau song sắt nhà tù”.

BĐ Cao Thanh cho rằng ở những khu vực thành thị, lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn nên chuyện va quệt dễ xảy ra. “Khi thi sát hạch giấy phép lái xe, ở phần lý thuyết, đề cập đến văn hóa ứng xử đều có những tình huống được đưa ra, mà lựa chọn đúng phải là nhường đường, ứng xử có văn hóa đối với người tham gia giao thông khác. Nhưng vẫn có không ít người khi tham gia giao thông thực tế đã không thể hiện đúng văn hóa ấy. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng có nhiều chương trình tuyên truyền về văn hóa giao thông được trình chiếu, song với ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân như hiện nay, cần đẩy mạnh thêm hình thức tuyên truyền này. Ngoài ra, cũng đưa văn hóa giao thông giảng dạy, hướng dẫn cho học sinh ngay từ cấp học thấp nhất để hình thành thói quen tốt cho thế hệ này”, BĐ Cao Thanh đề xuất.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img