Mặc dù Pencak Silat không phải là môn võ truyền thống của người Việt, thế nhưng chúng ta lại thi đấu rất thành công tại các kỳ SEA Games và đây có thể xem là một trong những “mỏ vàng” của Việt Nam.
Để chuẩn bị cho SEA Games 31 trên sân nhà, đội tuyển Pencak Silat Việt Nam đã tham dự giải Đông Nam Á ở Singapore và thi đấu rất thành công với 9 HCV đoạt được. Đây được xem như bước chuẩn bị hoàn hảo cho kỳ SEA Games ở sân nhà sau gần 20 năm và khẳng định vị thế hàng đầu của một trong những quốc gia mạnh nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Pencak Silat Việt Nam được đánh giá rất cao tại SEA Games 31 |
Thế mạnh của Pencak Silat Việt Nam vẫn là ở những nội dung đối kháng với những cái tên như Nguyễn Duy Tuyến, Lê Văn Toàn, Lê Thị Vân Anh, Nguyễn Tấn Sang, Lê Thị Vân Anh, Vũ Văn Kiên, Bùi Văn Thống, Đinh Thị Kim Tuyến… vừa đăng quang tại giải Đông Nam Á.
Tại SEA Games 2019, chủ nhà Philippines đã cắt đi hàng loạt nội dung thế mạnh của Pencak Silat Việt Nam. Tuy nhiên, trở lại với sân nhà thì nhiều nội dung thế mạnh đã được đưa vào giúp Pencak Silat Việt Nam có thêm nhiều hy vọng. Tuy nhiên, những võ sĩ đến từ Indonesia, Malaysia hay Thái Lan vẫn sẽ là những đối thủ mạnh cạnh tranh trực tiếp để Việt Nam phải vượt qua.
Pencak Silat Việt Nam đặt chỉ tiêu đem về 6 đến 7 HCV |
Bộ môn Pencak Silat sẽ có tất cả 16 bộ huy chương và bắt đầu thi đấu từ ngày 10 đến 16.5 tại nhà thi đấu Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Được thi đấu trên sân nhà, đội tuyển Pencak Silat Việt Nam đã đặt mục tiêu giành từ 6 đến 7 HCV.
“Silat” là một thuật ngữ chung để chỉ các môn võ ở khu vực Đông Nam Á bao gồm bán đảo Malaysia, Singapore, Philippines và nhất là Indonesia. Ở Indonesia, “pencak silat” là thuật ngữ chính thức cho loại hình võ thuật truyền thống của quốc gia này. Pencak Silat lần đầu tiên trở thành môn thể thao có huy chương tại SEA Games 1987 ở Jakarta. Pencak Silat bước ra đấu trường châu lục lần đầu tiên tại kỳ Asiad 2018. Pencak Silat cũng là môn võ hiếm hoi của Đông Nam Á được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Nguồn: thanhnien.vn