Monday, November 25, 2024

Việc một nước tuyên bố chiến tranh có ý nghĩa như thế nào?



Việc một quốc gia tuyên bố chiến tranh có thể giúp chính phủ nước đó được sự ủng hộ nhiều hơn từ người dân trong nước, dễ dàng huy động lực lượng, nhưng cũng có thể kéo theo nhiều bất lợi.

Việc một nước tuyên bố chiến tranh có ý nghĩa như thế nào?

Tổng thống Mỹ khi đó là ông Franklin Roosevelt ký tuyên bố chiến tranh với Đức Quốc xã vào ngày 11.12.1941

Kể từ sau Thế chiến 2, việc một quốc gia tuyên bố chiến tranh với quốc gia khác là điều cực kỳ hiếm hoi, nhờ sự ra đời của tổ chức Liên Hiệp Quốc chủ yếu vì mục tiêu nhằm ngăn chặn những cuộc chiến mới.

Theo tạp chí Fortune, những cấu trúc này cung cấp bộ khung pháp lý quốc tế về tuyên bố chiến tranh, khi có lý do phòng vệ hoặc thông qua hành động kết hợp bởi Hội đồng Bảo an.

Điều này khiến những tuyên bố chiến tranh khác trở nên rủi ro về mặt pháp lý, có thể gây khó khăn trong việc thành lập liên minh sau đó, cũng như kiểm soát mối quan hệ với các nước trung lập.

Tác động của tuyên chiến

Giới phân tích cho rằng việc một nước tuyên bố chiến tranh sẽ góp phần thuyết phục nhân dân trong nước rằng xung đột là nghiêm trọng và chính phủ đang làm điều đúng đắn.

Về thực tế, theo Fortune, việc tuyên bố chiến tranh cũng sẽ giúp một quốc gia tăng cường lực lượng. Điều này cũng giúp một nước dễ dàng tổng động viên, ban bố thiết quân luật và huy động các lực lượng dự bị tham chiến.

Tuy nhiên, về mặt chính trị, nó có thể ảnh hưởng đến thể diện của một nhà lãnh đạo nếu muốn thay đổi và giảm bớt quy mô cuộc chiến.

Bên cạnh đó, theo trang Boise State News, việc một quốc gia tuyên bố chiến tranh sẽ khiến các đồng minh không thể biện hộ rằng đó không phải là “chiến tranh”, trong khi những quốc gia khác sẽ khó có thể tiếp tục đứng ở thế trung lập.

Thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc

Trong khi Liên Hiệp Quốc không tuyên bố chiến tranh, có một vài trường hợp những hành động của tổ chức này có thể được xem như “ủy quyền hợp pháp”.

Liên Hiệp Quốc từng ra các nghị quyết về việc dùng vũ lực đẩy lùi lực lượng Iraq khỏi Kuwait, duy trì những vùng cấm bay ở Bosnia và cho phép Mỹ hành động theo Điều 51 (quyền tự vệ) tại Afghanistan.

Một số người cho rằng vì Liên Hiệp Quốc hiện là cơ quan cao nhất nên chỉ có những cuộc chiến tranh được tổ chức này cho phép mới là chiến tranh chính nghĩa. Chẳng hạn như những người này cho rằng Mỹ và Anh không thể tuyên chiến tại Iraq vì chưa có nghị quyết cụ thể nào của Liên Hiệp Quốc về điều này.

Ngược lại, một số người lại cho rằng không có một thỏa thuận chung nào về thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc đối với các quốc gia có chủ quyền trong việc tuyên bố chiến tranh.

Nếu xét về quan điểm pháp lý, mọi thành viên Liên Hiệp Quốc đã từ bỏ quyền tuyên bố chiến tranh vì bị ràng buộc bởi Điều 2.4 trong Hiến chương, với nội dung về việc “mọi thành viên không được đe dọa hay sử dụng vũ lực trong những mối quan hệ quốc tế”.

Thuyết chiến tranh chính nghĩa được đưa ra bởi các nhà lãnh đạo quân sự, nhà đạo đức học và các nhà hoạch định chính sách, dù bị những người ủng hộ hòa bình phản bác.

Tuy nhiên, nguyên tắc về chiến tranh chính nghĩa khiến một số nhóm, tổ chức không thể đứng ra tuyên bố chiến tranh.

Điều này còn ngăn chặn những cuộc tấn công lén và bất ngờ trước khi tuyên bố chiến tranh, nếu bên tấn công không muốn bị chỉ trích về mặt đạo đức.

Nhiều nước tránh tuyên chiến

Theo trang Boise State News, các nước tránh tuyên bố chiến tranh vì nhiều lý do. Trong nước, người dân ít ủng hộ xung đột nếu nó tốn kém và dẫn đến việc nhiều binh sĩ, dân thường thiệt mạng. Tuy nhiên, một bộ phận người dân có thể ủng hộ nếu nhận thấy rằng cuộc chiến có giới hạn và nhanh chóng. Giới nghiên cứu nhận thấy rằng sự ủng hộ của người dân lệ thuộc vào hao tổn có thể xảy ra, dù điều này không đúng với những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người ủng hộ chiến tranh bằng mọi giá.

Tư liệu từ Hạ viện Mỹ cho thấy Quốc hội nước này từng thông qua tuyên bố chiến tranh trong 4 cuộc xung đột kể từ năm 1816, trong đó có chiến tranh với Mexico năm 1846, với Tây Ban Nha năm 1898 và trong 2 lần Thế chiến.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img