Sunday, January 19, 2025

Vì sao khó thu hút người tài ?: Những trăn trở của người trong cuộc



Mức lương đã “hành chính” rồi mà việc mời gọi cũng hành chính hóa nữa thì TP.HCM sẽ rất khó mời gọi người tài về cống hiến.

Sau 6 năm về nước làm việc theo chương trình thí điểm thu hút người tài, và cũng là chuyên gia duy nhất đang làm việc theo chương trình chính thức, TS Hoàng Thế Bân, Giám đốc Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt – Nhật, thuộc Trung tâm đào tạo (Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM – SHTP) đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên về chủ trương lớn của Thành ủy TP.HCM cũng như những bất cập trong quá trình triển khai.

Cách làm chưa đi vào thực chất

Nhìn rộng ra khu vực, các nước có nền khoa học công nghệ tiến bộ đã có những chính sách thu hút chuyên gia như thế nào, thưa tiến sĩ?

Thu hút chuyên gia là cách làm phổ biến và hiệu quả của Hàn Quốc những năm 1970 – 1980 và Trung Quốc những năm 1980 – 1990, mục đích là mời gọi chuyên gia Hàn kiều và Hoa kiều đang làm việc tại Mỹ, cũng như các chuyên gia Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm và bí quyết công nghệ sang làm việc. Các chuyên gia này đã có nhiều đóng góp vào thành tựu phát triển khoa học công nghệ cũng như kinh tế xã hội của Trung Quốc và Hàn Quốc như ngày hôm nay. Chương trình thu hút chuyên gia của TP.HCM có nhiều nét tương đồng, nhưng cách làm chưa đi vào thực chất, số lượng chưa đạt yêu cầu.

Vì sao khó thu hút người tài ?: Những trăn trở của người trong cuộc

TS Hoàng Thế Bân trao đổi với sinh viên đang thực tập tại Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt – Nhật

Cơ duyên nào đã đưa ông về làm việc tại SHTP, thay vì tiếp tục công việc nghiên cứu ở Nhật Bản?

Năm 1993, khi đang là giảng viên Đại học Khoa học Huế, tôi nhận được học bổng của chính phủ Nhật Bản theo học chuyên ngành khoa học vật liệu, sau đó tham gia chương trình sau tiến sĩ, rồi ở lại làm việc tại các viện nghiên cứu, trường đại học và một công ty lớn của Nhật Bản. Năm 2012, TP.HCM có đoàn công tác sang Nhật Bản học tập mô hình xây dựng thành phố khoa học Tsukuba, ông Dương Minh Tâm, khi đó là Phó trưởng ban SHTP, ngỏ lời mời về làm việc.

Đến năm 2016, khi chuẩn bị đầy đủ điều kiện thì tôi về nước, tham gia vào chương trình thí điểm thu hút chuyên gia của TP.HCM, kéo dài đến năm 2019.

3 nguyên nhân chủ quan

Từ khi triển khai chương trình chính thức, số lượng chuyên gia về làm việc rất ít, theo ông đâu là nguyên nhân?

Khi xây dựng chương trình chính thức, lãnh đạo TP.HCM đã tham khảo ý kiến các chuyên gia đang làm việc cho SHTP về chính sách đãi ngộ và lương bổng. Sau 3 năm triển khai, kết quả không được như kỳ vọng, số lượng người đăng ký còn thấp. Ngoài lý do khách quan do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tôi cho rằng còn có 3 nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả.

Thứ nhất, TP.HCM gom 3 đối tượng gồm chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt vào chung một chính sách áp dụng theo chuẩn mực hành chính Việt Nam là không phù hợp.

Chính sách thu hút nhân tài cần đưa ra ở tầm quốc gia nhưng đến nay chưa có mức đãi ngộ cụ thể. Điểm cộng của TP.HCM là địa phương tiên phong đưa ra chính sách đãi ngộ để thu hút chuyên gia, từ đó kêu gọi được nhiều Việt kiều về nước làm việc.

TS Hoàng Thế Bân

Chuyên gia là người có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng về một lĩnh vực cụ thể; nhà khoa học thường làm việc ở trường đại học hay viện nghiên cứu, còn người có tài năng đặc biệt thiên về năng khiếu văn học nghệ thuật, thể dục thể thao… Trong đó, chuyên gia và nhà khoa học về bản chất khác xa với người có tài năng đặc biệt. Vì vậy, cần xây dựng các cơ chế đặc thù và uyển chuyển cho từng đối tượng chứ không nên gộp chung với nhau vào một quy trình, hệ thống hành chính.

Thứ hai, chính sách đãi ngộ có nhiều thay đổi và không nhất quán giữa 2 chương trình thu hút chuyên gia 2014 – 2019 (thử nghiệm) và 2019 – 2022 (chính thức). Có thể nhiều chuyên gia ở nước ngoài, hoặc Việt kiều về nước cống hiến không phàn nàn về chuyện đó. Nhưng thực tế, mức lương hiện dù đã cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của khu vực công lập chỉ tương đương với thu nhập của một kỹ sư làm việc trong doanh nghiệp (DN) nước ngoài thì quá thấp so với chuẩn mực của khu vực và thế giới.

Thứ ba, thủ tục và quy trình xét duyệt, tuyển chọn còn nặng về hành chính và phải qua nhiều giai đoạn tốn nhiều thời gian, trong khi các chuyên gia đa số lớn tuổi và ở nước ngoài, họ không thích gò bó trong một khuôn mẫu cứng nhắc.

Cần mềm mại, linh hoạt

Vì sao ông lại tiếp tục tham gia chương trình chính thức của TP.HCM, thay vì dừng lại như nhiều chuyên gia khác?

Bản thân tôi có chút tương đối ngoại lệ, vì mục tiêu chính khi về nước là mong muốn được đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ nước nhà dựa trên những kiến thức và kinh nghiệm có được sau 23 năm học tập và làm việc ở Nhật Bản. Tôi không chú trọng nhiều đến chính sách đãi ngộ mà quan tâm đến môi trường và mục đích công việc.

Một lý do khác là những công việc mà tôi và các đồng nghiệp triển khai thời gian vừa qua vẫn còn dang dở, nhất là các dự án hợp tác quốc tế, kết nối đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu DN. Vì cần có người hỗ trợ nên bằng mọi giá tôi phải ở lại để tiếp tục thực hiện mục tiêu.

Từ cách làm của Hàn Quốc và Trung Quốc, ông có góp ý gì để chương trình thu hút chuyên gia của TP.HCM đi vào thực chất?

Các chương trình thu hút kiểu này được Hàn Quốc và Trung Quốc làm rất uyển chuyển. Đầu tiên là xác định mình cần những gì từ các chuyên gia, đó có thể là những kinh nghiệm, bí quyết nghề nghiệp. Như vậy, những người đó không cần bằng cấp, không nhất thiết phải là giáo sư, tiến sĩ mà họ chỉ là một kỹ sư lành nghề, với 30 – 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán dẫn, bo mạch, thiết kế. Mình mời họ về để cầm tay chỉ việc cho mình.

Còn nhà khoa học thì điều kiện cần là học hàm, học vị. Dù vậy, cũng có nhiều nhà khoa học không có đủ học hàm, học vị nhưng có nhiều thành tích nghiên cứu xuất sắc được công nhận. Do đó, cách thu hút, mời gọi cần mềm mại, linh hoạt và phù hợp cho từng trường hợp cụ thể. Mức lương đã hành chính rồi mà cách mời gọi cũng hành chính hóa nữa thì rất khó đưa người tài về.

Tôi nghĩ rằng, TP.HCM có thể đưa ra yêu cầu và chấp nhận chủ trương, sau đó giao quyền lại cho các đơn vị có nhu cầu thu hút chuyên gia chịu trách nhiệm về kết quả tuyển dụng của mình, coi trọng chữ tín và đảm bảo đúng người đúng việc.

Ngoài ra, TP.HCM cũng không nên chỉ ngồi “chờ” các chuyên gia nộp đơn mà cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc “tìm kiếm” chuyên gia ở trong và ngoài nước để động viên, thuyết phục và tạo điều kiện cho họ tham gia trực tiếp vào các chương trình, dự án quan trọng. Như thế, chương trình thu hút chuyên gia mới phát huy hiệu quả.

Phát triển khoa học công nghệ là công việc dài hơi và hiệu quả của chương trình thu hút chuyên gia có thể không đến trong một sớm một chiều mà phải mất 5 – 10 năm sau mới phát huy tác dụng.

Xin cảm ơn ông!

Đào tạo nhân lực chuẩn quốc tế ngay tại SHTP

Công việc chính của TS Hoàng Thế Bân tại SHTP là tư vấn hỗ trợ xúc tiến đầu tư, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế thông qua việc kết nối các đối tác quốc tế và Việt Nam, tạo ra công việc và dự án mới tập trung giải quyết vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu DN, triển khai các dự án ODA của Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong 5 năm vừa qua, Trung tâm đào tạo SHTP đã thành lập 2 trung tâm đào tạo Việt – Nhật và Việt – Hàn để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là địa chỉ tin cậy để các DN Việt Nam đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực robot, tự động hóa, cơ điện tử, cơ khí chính xác, thiết kế máy… theo tiêu chuẩn quốc tế thay vì phải gửi sang Nhật Bản, Hàn Quốc đào tạo. Trung tâm cũng là nơi thực tập của sinh viên với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại. Khi tốt nghiệp, nếu sinh viên có nhu cầu làm việc ở các DN trong SHTP thì trung tâm sẽ kết nối, giới thiệu phỏng vấn.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img