Nhu cầungười tài của các sở, ngành rất nhiều nhưng chế độ đãi ngộ èo uột và quy trình rối rắm. Nếu không điều chỉnh kịp thời, một chủ trương đúng đắn sẽ chỉ nằm trên giấy.
Theo khảo sát của Thanh Niên tại một số sở, ngành quan trọng của TP.HCM, nhu cầu về chuyên gia tư vấn phát sinh thường xuyên, nhất là lĩnh vực đô thị. Như hồi tháng 7.2019, Bí thư Thành ủy TP.HCM thời điểm đó là ông Nguyễn Thiện Nhân khi làm việc với Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn đã gợi mở Sở GTVT nên mời các chuyên gia, nhà khoa học từ các TP, quốc gia có đặc thù giao thông đô thị tương đồng về hỗ trợ. Sau đó, Sở GTVT đã chủ động liên lạc với một giáo sư có nhiều kinh nghiệm ở Viện Nghiên cứu giao thông vận tải Hàn Quốc, dự kiến mời về với vai trò cố vấn đặc biệt cho TP.HCM trong lĩnh vực phát triển giao thông đô thị.
Ngành giao thông TP.HCM kỳ vọng vị chuyên gia này sẽ hỗ trợ về quy hoạch giao thông đô thị, giao thông thông minh, phát triển giao thông công cộng gắn với hạn chế phương tiện cá nhân, quy hoạch chỉnh trang đô thị các khu vực ven sông, kênh, rạch… là những lĩnh vực mà TP đang rất quan tâm.
Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM (HCMBIOTECH) tuyển 3 vị trí chuyên gia nhưng không có ai nộp hồ sơ |
Bỏ lỡ cơ hội
Để nâng cao chế độ đãi ngộ, Sở GTVT TP.HCM đề xuất bên cạnh mức thu nhập theo quy định của TP.HCM thì bố trí nơi ở, sinh hoạt cho chuyên gia quốc tế ở nhà khách Hương Sen hoặc giao Tổng công ty du lịch Sài Gòn bố trí. Đồng thời, xin chủ trương vận động một số doanh nghiệp, tập đoàn hỗ trợ chi trả một phần chi phí về tiền lương cho chuyên gia.
Đáng chú ý, Sở GTVT đề xuất quy trình rút gọn chỉ còn 4 bước. Cụ thể, đơn vị chủ động liên hệ với chuyên gia quốc tế để trao đổi về phương thức, thời gian hợp tác, các yêu cầu về tiền lương, nơi ở, nơi làm việc… Sau đó, Sở GTVT gửi văn bản đề xuất cho Sở KH-CN và Sở Nội vụ về nội dung thương thảo, 2 sở này sẽ báo cáo UBND TP.HCM ban hành quyết định chấp thuận cho phép mời chuyên gia, cuối cùng Sở GTVT ký hợp đồng làm việc với chuyên gia.
Với quy trình trên, đơn vị có nhu cầu sẽ chủ động tìm chuyên gia “đúng người đúng việc”, thay vì trải qua 7 bước như trong Quyết định số 17/2019 của UBND TP.HCM.
Không chỉ Sở GTVT mà Sở QH-KT cũng từng tìm được chuyên gia nước ngoài cho lĩnh vực đô thị thông minh, chuyển đổi số và đề xuất mời gọi theo quy trình rút gọn. Thế nhưng, đề xuất này không được chấp nhận nên cả 2 sở nêu trên không thể ký hợp đồng với chuyên gia.
Vừa qua, Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM thông báo tuyển 3 chuyên gia về lĩnh vực công nghệ sinh học, môi trường, thực phẩm với di truyền động vật, tạo giống vật nuôi nhưng không có hồ sơ nào nộp. TS Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc trung tâm này, cho biết đây là các lĩnh vực mà trung tâm đang rất cần thêm chuyên gia để giải quyết nhiệm vụ. Nếu không tìm được chuyên gia thì việc nghiên cứu sẽ chật vật hơn, mất nhiều thời gian hơn.
“Chuyên gia giàu kinh nghiệm sẽ có những định hướng mới mẻ, kết quả tốt hơn trong thời gian ngắn hơn. Còn tự làm thì cần thời gian, nguồn lực đầu tư và chấp nhận rủi ro vì đôi khi mình làm chưa được, rồi phải làm lại”, TS Quân nhìn nhận.
Học viên tìm hiểu hoạt động của robot tại Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt – Nhật, thuộc Khu công nghệ cao TP.HCM |
Tăng đãi ngộ, rút ngắn quy trình
Theo đánh giá của Sở KH-CN TP.HCM, chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt thời gian qua tuy được quan tâm nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn. Số lượng chuyên gia, nhà khoa học đang thu hút còn hạn chế và mới chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nghiên cứu. Nguyên nhân do mức đãi ngộ theo Quyết định 17/2019 chưa đủ sức cạnh tranh để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao. Mặt khác, TP.HCM cũng chưa có quy trình thu hút rút gọn đối với các sở, ngành thu hút vào các vị trí đã tìm được chuyên gia phù hợp như Sở GTVT và Sở QH-KT.
Tương tự, Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, đơn vị có nhu cầu nhưng chưa tuyển được chuyên gia, cũng cho rằng các thủ tục thẩm định, phê duyệt đề xuất nhu cầu thu hút và tuyển chọn kéo dài dẫn đến triển khai gặp khó khăn. Chính sách tiền lương, hỗ trợ sinh hoạt phí hiện hành cũng khó thu hút được các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là người nước ngoài.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 17.5, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lâm Hùng Tấn cho biết chính sách thu hút người tài là một phần của Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Hiện nay, Sở Nội vụ đang cùng các đơn vị tham mưu UBND TP.HCM đề xuất điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 54 và sẽ rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách thu hút người tài cho phù hợp, đem lại hiệu quả cao hơn.
Đồng quan điểm, Sở KH-CN TP.HCM cho rằng cần rà soát lại quy định theo hướng chính sách ưu đãi về tiền lương hoặc hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng phù hợp và cạnh tranh hơn; cùng với đó là chính sách hỗ trợ về lương, phụ cấp tương xứng cho lực lượng làm việc trực tiếp với chuyên gia. Về quy trình thu hút, tuyển chọn người tài, Sở KH-CN đề xuất cần triển khai theo hướng tinh gọn. Đồng thời, lãnh đạo TP.HCM cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại với các chuyên gia, nhà khoa học để lắng nghe nguyện vọng, tham vấn ý kiến nhằm kịp thời bổ sung, hoàn thiện chính sách đãi ngộ; cũng như thực hiện tốt công tác kêu gọi, phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, hướng về Tổ quốc, quê hương của chuyên gia là người VN ở nước ngoài.
Để đơn vị chủ động
Nhìn lại giai đoạn thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia KH-CN, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp cho biết đề án đã tạo sự chủ động cho các đơn vị kết nối với chuyên gia và thảo luận về các dự án, nội dung tư vấn cụ thể, sau đó đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận, rồi ký hợp đồng.
Về cách làm hiện hành, ông Hiệp đánh giá điểm tích cực là tạo ra cơ hội rộng rãi để mời gọi các chuyên gia, nhà khoa học tốt hơn. Dù có nét tương đồng với cách làm của nhiều nước, nhưng điểm khác biệt là ở nước ngoài, bên cạnh tiền lương hằng tháng thì chuyên gia còn nhận khoản kinh phí thực hiện dự án, còn TP thì bóc tách 2 khoản này ra thành 2 khoản riêng. “Bài toán đặt ra là làm sao ráp được chuyên gia dự kiến mời gọi với từng dự án cụ thể”, ông Hiệp nói.
TS Nguyễn Đăng Quân góp ý, TP.HCM nên để các đơn vị xác định mục tiêu, nhu cầu và chuyên gia phù hợp rồi trực tiếp liên hệ và mời về làm việc. Các đơn vị chủ động kết nối, thuyết phục các chuyên gia về điều kiện làm việc, những đóng góp cho TP thay vì cách làm hiện nay là phát thông báo, chuyên gia nộp hồ sơ giống như… xin việc.
Khu vực công lo chảy máu chất xám
Giám đốc một sở ở TP.HCM nói rằng bên cạnh tuyển người tài giỏi cũng cần có chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức đang công tác. Cụ thể, một mặt cải thiện thu nhập, TP cũng cần sát hạch công chức định kỳ thay vì đánh giá mức độ hoàn thành công việc như hiện nay. Nếu kết quả sát hạch không đạt thì công chức đó phải đào tạo lại, hoặc chuyển đổi vị trí việc làm, tránh chuyện “ngồi rung đùi” chờ về hưu. Thứ hai là phải tinh gọn bộ máy, bồi dưỡng công chức tinh nhuệ, thậm chí là giỏi hơn thành phần kinh tế bên ngoài để giữ vai trò dẫn dắt xây dựng chính sách, quản trị xã hội.
Vị giám đốc sở này cũng bày tỏ lo ngại nếu tình trạng thu nhập công chức không được cải thiện kéo dài sẽ dẫn đến chảy máu chất xám trong lĩnh vực công, hoặc không tạo được động lực phấn đấu, đầu tư nhiều hơn cho công việc.
Hiện nhiều doanh nghiệp, nhà thầu tư vấn, xây lắp đang chiêu mộ kỹ sư có kinh nghiệm để chuẩn bị cho các dự án, sẵn sàng trả lương 25 – 30 triệu đồng/tháng, thậm chí có thể lên đến 50 triệu đồng/tháng. Một trong những đối tượng tiềm năng mà doanh nghiệp nhắm tới là đội ngũ công chức, viên chức đang làm việc tại khu vực công vì họ có nhiều kinh nghiệm, năng lực và am hiểu về quy trình, quy định pháp luật khi thực hiện dự án.
Nguồn: thanhnien.vn