Ngày 21.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ tiếp xúc cử tri TP.Cần Thơ theo hình thức trực tuyến, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15.
Điểm đầu cầu Văn phòng Chính phủ được kết nối với các điểm cầu Huyện ủy Phong Điền cùng 77 xã, phường, thị trấn thuộc 9 quận, huyện của TP.Cần Thơ.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri TP.Cần Thơ kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai; có giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư; xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi ở địa phương…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri TP.Cần Thơ |
Cử tri cũng nêu ra nhiều vấn đề bức xúc ở các lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường quốc lộ; công tác quy hoạch. Đặc biệt là kiến nghị có giải pháp quản lý đất đai nhằm hạn chế đầu cơ, nâng giá đất, chống tiêu cực; bảo đảm tiêu thụ nông sản ổn định cho nông dân; bảo đảm an sinh xã hội…
Gia Lai thu hút đầu tư nhiều lĩnh vực
Ngày 21.5, tại TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham dự của đại biểu đến từ nhiều tỉnh thành, bộ ngành T.Ư, các nhà đầu tư trong và ngoài nước… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Tại hội nghị, tỉnh Gia Lai đã kêu gọi đầu tư 112 dự án. Đã có 17 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn 15.000 tỉ đồng, 29 dự án được ký kết ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đăng ký 115.356 tỉ đồng.
Tiếp nhận các ý kiến cử tri cũng như hồi đáp một số nội dung mà cử tri quan tâm và kiến nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, mới đây Bộ Chính trị có Nghị quyết 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó xác định rất rõ tầm quan trọng của khu vực này, trong đó Cần Thơ có vai trò là trung tâm vùng.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL, quy hoạch vùng đầu tiên được lập, phê duyệt theo luật Quy hoạch. Trước đó, Nghị quyết 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù cho TP.Cần Thơ cũng đã được ban hành. Điều đó cho thấy ĐBSCL nói chung và TP.Cần Thơ nói riêng luôn được T.Ư đặc biệt quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng.
Thủ tướng đề nghị TP.Cần Thơ cần tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Trong đó tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng để thành phố phát huy vai trò trung tâm ĐBSCL, trở thành đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Cùng với đó là sớm nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt nối TP.HCM với Cần Thơ, Cà Mau. Đầu tư một số cảng lớn, phát triển các khu công nghiệp. Phát triển các trung tâm đào tạo, viện nghiên cứu, nâng cấp các trường đại học; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; lấy khoa học công nghệ làm động lực đổi mới sáng tạo.
Theo Thủ tướng, để TP.Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, cần có sự vào cuộc, chung sức, đồng lòng và hành động quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời cần có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng về cơ chế, chính sách, nguồn lực cho TP.Cần Thơ trong thời gian tới. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đồng hành với chính quyền, nhân dân TP.Cần Thơ thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Nguồn: thanhnien.vn