Chính phủ cho biết Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt khoảng 5,3% trong năm 2022. Về lạm phát, Standard Chartered Bank đưa ra viễn cảnh lạm phát vượt 4% trong năm 2022 và có thể đạt mức 5,5% vào năm 2023…
Ngày 23.5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc tại Hà Nội với nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là các vấn đề kinh tế – xã hội của đất nước.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo trước Quốc hội (QH) về kết quả điều hành kinh tế – xã hội (KT-XH) bổ sung năm 2021 và các tháng đầu năm 2022. Chính phủ cho biết đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc.
Kinh tế vĩ mô thời gian qua được giữ vững ổn định |
Mục tiêu GDP 6 – 6,5% là áp lực rất lớn
Về kinh tế vĩ mô, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 657.400 tỉ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,4 tỉ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỉ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỉ USD. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế (GDP) quý 1/2022 đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu có nhiều biến động… Đặc biệt, thị trường chứng khoán, trái phiếu DN (TPDN) và bất động sản (BĐS) tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nguyên nhân của tồn tại, theo Chính phủ, bên cạnh các yếu tố khách quan do tình hình thế giới, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì công tác phân tích, đánh giá, dự báo còn hạn chế; tính chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ở một số cấp, một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa cao…
Thời gian tới, Chính phủ cho biết Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt khoảng 5,3% trong năm 2022 ở kịch bản cơ sở (và 4% trong kịch bản xấu hơn), giảm 0,2 điểm % so với hồi đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức 6,5% được đưa ra tháng 10.2021. Ngân hàng HSBC cũng đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam xuống 6,2% (so với mức dự báo trước đây là 6,5%). Về lạm phát, Standard Chartered Bank đưa ra viễn cảnh lạm phát vượt 4% trong năm 2022 và có thể đạt mức 5,5% vào năm 2023…
Trước diễn biến đó, Chính phủ đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 – 6,5% là thách thức rất lớn. Chính phủ sẽ chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, TPDN, BĐS, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.
Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại về giao thông, năng lượng, hạ tầng số… “Các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung cao độ cho triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, tạo động lực mới cho sự phát triển; phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 1; trong quý 4/2022, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2 và khởi công đường băng, nhà ga cảng hàng không quốc tế Long Thành…”, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Chương trình phục hồi KT-XT còn chậm
Sau báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế (UBKT) của QH đã thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022.
Báo cáo do Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh trình bày đánh giá cao kết quả điều hành của Chính phủ, đặc biệt là việc giữ ổn định được vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, về “Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH”, UBKT cho rằng việc thực hiện nhiệm vụ của một số bộ, cơ quan T.Ư theo nghị quyết của Chính phủ mới đang dừng lại ở việc rà soát hoặc đang trong quá trình dự thảo, lấy ý kiến. “Tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện chương trình còn chậm, đã qua 5 tháng kể từ ngày thông qua nghị quyết, căn bản nguồn vốn chưa đi vào thực tế”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh lưu ý.
Theo UBKT, QH cho phép “tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1 – 1,2% GDP/năm (tối đa 240.000 tỉ đồng). Đối với phát triển kết cấu hạ tầng, cho phép bổ sung 113.550 tỉ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, vừa qua Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 hơn 18.349 tỉ đồng chỉ tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của chương trình cần được phân bổ, bổ sung dự toán, dẫn đến áp lực phải giải ngân, tăng bội chi rất lớn trong năm 2023.
Nghị quyết số 43 đã được QH ban hành từ ngày 11.1.2022, nhưng đến nay Chính phủ mới đề nghị bổ sung dự toán cho các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, mà chưa hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ QH “Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của chương trình” là quá chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của chương trình, ảnh hưởng đến mục tiêu hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như chương trình đã đặt ra. Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai. Có ý kiến cho rằng việc trang bị máy tính bảng theo chương trình “Sóng và máy tính cho em” nếu không khẩn trương thực hiện sẽ không còn nhiều ý nghĩa khi học sinh các cấp đã được đến trường.
Giám sát chặt thị trường chứng khoán, bất động sản
Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cho biết trong những năm qua, dư nợ tín dụng BĐS luôn có sự tăng trưởng nhưng mức tăng đã giảm (từ 26,76% năm 2018 xuống 15,37% năm 2021); tỷ trọng khoảng 19 – 20% tổng dư nợ nền kinh tế. Đến thời điểm ngày 31.3, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS là hơn 2,24 triệu tỉ đồng, tăng 7,87% so với 31.12.2021, chiếm tỷ trọng 20,23% tổng dư nợ tín dụng chung.
Về đầu tư TPDN của tổ chức tín dụng, theo báo cáo của Chính phủ đến cuối tháng 3.2022, tổng số dư đầu tư TPDN là 326.500 tỉ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021 (chiếm tỷ trọng 2,95% tổng dư nợ tín dụng). Chính phủ khẳng định, thời gian tới sẽ rà soát tổng thể về hành lang pháp lý đối với hoạt động phát hành, chào bán TPDN.
Thẩm tra về vấn đề này, UBKT đánh giá bên cạnh những kết quả tích cực, việc tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, nhất là thị trường TPDN thời gian gần đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn, cần được quan tâm và đánh giá kỹ. Theo UBKT, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi… UBKT đề nghị các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử, tiếp cận phù hợp, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, UBKT đề nghị: “Chính phủ cần có giải pháp phù hợp để xác định sát giá thị trường BĐS nhằm tránh thất thu thuế; hướng dẫn người dân, DN kê khai đúng giá chuyển nhượng, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước…”.
Nguồn: thanhnien.vn