Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng y tế và giáo dục là 2 trụ cột của an sinh xã hội nhưng 2 lĩnh vực này đều đang gặp nhiều vấn đề bất ổn.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nhìn nhận dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, trong đó y tế chịu hậu quả nặng nề nhất. Hệ thống y tế Việt Nam đã trải qua “những giờ phút không thể nào quên”. Thành công đã được xã hội ghi nhận, sai lầm đã phải trả giá, theo nguyên tắc công tội phân minh.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) phát biểu thảo luận |
“Vấn đề đặt ra là sau cơn bão lớn, việc phục hồi và phát triển ngành trụ cột của xã hội sẽ diễn ra như thế nào? Không thể vì những vi phạm mà để cả hệ thống tê liệt”, ông Hiếu nói và cho rằng, những khó khăn trước đây như thu nhập của nhân viên y tế thấp, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, thuốc… đến nay không được cải thiện “mà còn tệ hơn bao giờ hết”.
Theo ông Hiếu, đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc là nỗi lo lớn nhất của đa số bệnh viện cả công lẫn tư hiện nay, đến mức “có vị bộ trưởng than phiền với tôi là đi nhiều cửa hàng, nhưng không tìm mua được loại thuốc kháng sinh thông dụng”. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao đã thiếu nay còn càng ít hơn, vì mức lương không tăng mà có xu hướng giảm. Theo thống kê, ở các bệnh viện công không đủ phương tiện, cơ sở vật chất để triển khai những kỹ thuật mới, hiện đại khiến các bác sĩ giỏi đến đâu cũng đành phải bó tay, nản lòng.
Vị ĐB đang là bác sĩ trực tiếp điều trị cho người bệnh còn cho biết tâm trạng chung của cán bộ nhân viên y tế thời điểm này là “hoang mang trước những biến cố dồn dập xảy ra, những con sâu đã bị gạt khỏi hệ thống, những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi cho đúng, vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi mà hệ thống pháp luật hiện nay chưa hoàn chỉnh”.
Từ đó, ông Hiếu đề nghị Quốc hội rà soát, cho ý kiến cụ thể để sớm hoàn thiện dự thảo luật Khám, chữa bệnh tại kỳ họp này và thông qua ở kỳ họp tiếp theo. Quốc hội cũng cần giám sát Chính phủ ban hành sớm các nghị định, thông tư để tháo gỡ vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế.
“Với tư cách là bác sĩ, tôi mong lãnh đạo cấp cao và ĐB thấu hiểu, chia sẻ phần nào những khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải, không chỉ về vật chất mà chủ yếu là tinh thần”, ông Hiếu nói.
Chia sẻ quan điểm của ĐB Hiếu, ĐB tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng – An ninh, cũng đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm đến hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và bệnh viện công. Cần có cơ chế để các cơ sở y tế chủ động, tự tin trong việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, “tránh tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra không dám làm, không dám mua và thái độ cứ nhìn vào y tế là thấy tiêu cực”. “Hệ thống y tế đang bị rúng động bởi quả bom Việt Á, nhưng việc chống dịch, chữa bệnh, cứu người, vì sức khỏe nhân dân vẫn phải là ưu tiên hàng đầu”, ĐB An nói.
Trong khi đó, ĐB Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) bày tỏ trăn trở về nhiều vấn đề bất ổn trong lĩnh vực giáo dục. Theo ĐB Dung, áp lực học tập từ nhà trường, từ gia đình đến các em học sinh là nguyên nhân hàng đầu gây tự kỷ, trầm cảm với rất nhiều vấn đề tâm sinh lý khác cho học sinh và sinh viên hiện nay.
“Đáng buồn hơn là tỷ lệ học sinh trầm cảm, tự kỷ hay gần đây có nhiều vụ việc tự tử có liên quan đến vấn đề điểm số và thành tích vẫn đang không ngừng tăng lên, dẫn tới không tránh khỏi những xót xa, thương tâm và hệ lụy trong xã hội”, ĐB Dung nói.
Từ những hiện tượng này, ĐB Dung đặt vấn đề phải chăng chúng ta đang tạo ra áp lực cho giới trẻ từ nhiều phía và có thể thấy giáo dục ở Việt Nam chỉ có học và học mà thiếu đi những mô hình trải nghiệm, thiếu những lớp học ngoại khóa gần gũi thiên nhiên, gắn kết với tự nhiên, thiếu đi những không gian xanh hoạt động ngoài trời chung? Theo ĐB đoàn Hải Dương, một xã hội sẽ không phát triển nếu như thiếu nhận thức và không có nền giáo dục tốt hay giáo dục mà không có giá trị trung thực, có cải cách mấy cũng bằng thừa.
Nguồn: thanhnien.vn