Thảo luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng tình trạng đáng lưu ý trong giai đoạn hiện nay là cán bộ rất sợ trách nhiệm. Vì sao lại như vậy?
Làm việc gì cũng sợ sai, không làm gì cũng có thể sai
Nêu ý kiến thảo luận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề cập “bệnh” sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Đây là vấn đề không mới nhưng kể cả những cán bộ ngay thẳng, trung thực cũng có “dấu hiệu nhiễm căn bệnh này”.
“Có người cho rằng bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không. Nếu sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm”, bà Mai Thị Phương Hoa nói và dẫn câu chuyện thực tế trong hoạt động đấu thầu, mua sắm trang thiết bị hiện nay, một số cơ quan, địa phương đã chủ động mời các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thậm chí cơ quan công an vào cuộc ngay từ giai đoạn đầu của việc thực hiện dự án.
Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), một số cán bộ còn tinh thần làm việc thụ động, sợ trách nhiệm lại thụ động chờ ý kiến cấp trên |
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phân tích thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Ngoài khách quan đó là quy định của pháp luật có những điểm chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và chưa có quy định của pháp luật về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, thì còn có nguyên nhân chủ quan như: năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, không kịp thời cập nhật quy định của pháp luật có liên quan để tránh làm sai; người có thẩm quyền quyết định thiếu chuyên môn lại không dám tin cấp dưới; cấp dưới có trình độ còn hạn chế. Tinh thần làm việc thụ động, sợ trách nhiệm lại thụ động chờ ý kiến cấp trên.
“Cá nhân tôi cho rằng tình trạng này không phải là phổ biến nhưng rất đáng lưu ý trong giai đoạn hiện nay. Cần phải có những giải pháp cụ thể hơn để tránh tình trạng này”, bà Mai Thị Phương Hoa nói và đề nghị sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng hơn, minh bạch hơn; cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân; đồng thời luật hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) kiến nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương kết thúc các cuộc thanh tra và sớm có kết luận đúng – sai đối với vụ việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế trong toàn ngành y tế, vì để kéo dài sẽ tạo tâm lý lo lắng, không an tâm công tác của đội ngũ cán bộ y, bác sĩ.
Chính sách hình sự tạo áp lực và rủi ro cao cho cán bộ
Nhìn nhận dưới góc độ pháp luật và thực tế công việc của người thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho rằng chính sách hình sự hiện nay có một số quy định cần phải được xem xét.
Ông Lê Minh Trí viện dẫn khoản 1 điều 219 bộ luật Hình sự về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định: người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1 – 5 năm.
Theo ông Lê Minh Trí, điều khoản này “là rất nghiêm khắc, tạo ra một áp lực và có thể tạo ra rủi ro cao trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ chúng ta trong quản lý tài sản nhà nước”.
“Sau khi phát hiện sai phạm, người vi phạm khắc phục thì có bị xử lý hình sự không? Hoặc có thể tính mức thiệt hại quy mô hơn không? Với quy mô quản lý tài sản hiện nay mà với mức 100 triệu đồng đã bị phạt tù là rất nặng”, Viện trưởng Viện KSND tối cao nêu quan điểm và đề nghị rà soát để vừa chặt chẽ trong quản lý, vừa răn đe giáo dục, không để cho người xấu lợi dụng; nhưng cũng tạo điều kiện an tâm cho cán bộ chúng ta trong thực hiện nhiệm vụ.
Nguồn: thanhnien.vn