Là người Việt Nam, có lẽ ai cũng mơ ước một lần được đặt chân lên quần đảo Trường Sa.
Với nhà báo, niềm khao khát ấy càng mãnh liệt hơn. Riêng cánh phóng viên, ra Trường Sa không chỉ là để biết thêm một vùng đất mà họ còn làm nhiệm vụ gửi đến độc giả những cảm nhận về nơi ấy bằng những tác phẩm báo chí của mình.
Chừng 10 năm trước, tác nghiệp ở Trường Sa, nhất là phải gửi tin bài “nóng” về tòa soạn là điều không hề đơn giản. Tôi đã phải “đánh vật” với mỗi tấm ảnh để gửi về đất liền mỗi khi tòa soạn yêu cầu tin, bài gửi về phải kèm theo ảnh.
Chùa trên đảo Song Tử Tây |
Tôi vẫn nói với các đồng nghiệp của mình về chuyến đi Trường Sa năm ấy (5.2013) là một chuyến đi “có một không hai” đối với các nhà báo. Đó là chuyến đi dài nhất, tới 25 ngày, đặt chân lên 18/21 đảo do Việt Nam kiểm soát. Vì thông thường, các đoàn ra thăm Trường Sa chỉ đi khoảng 10 – 12 ngày, đặt chân lên vài ba đảo là xong một cuộc hành trình. Nhưng năm đó, đoàn nhà báo chúng tôi đi dài ngày là vì phải tham gia vào một việc khá quan trọng: khảo sát toàn bộ các đảo để có kế hoạch căn cơ phục vụ cho cuộc sống của người dân và bộ đội ở các đảo, kể cả các đảo… không có đất. Đó là chuyện điện, chuyện về nước ngọt và rau xanh – những vấn đề không mới nhưng luôn thời sự ở các đảo. Lần đó đoàn đi với một lực lượng hùng hậu các nhà khoa học, gồm nhiều giáo sư, tiến sĩ ở các trường đại học lớn trong cả nước chuyên nghiên cứu những vấn đề cấp thiết cho những nơi mà điều kiện thiên nhiên có tính đặc thù như ở các đảo.
Thực ra các nhà khoa học chỉ cần đi khoảng chục ngày, đặt chân lên 5 – 7 đảo để khảo sát là đủ các dữ liệu phục vụ cho việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp, vì các đảo ở Trường Sa đều có đặc điểm chung nên không cần phải đi hết. Nhưng đi lần đó, để tiết kiệm chi phí, các nhà khoa học và đoàn nhà báo phải đi cùng tàu với số tân binh ra các đảo. Lại nữa, đang là mùa khô nên chuyến tàu ấy lại phải chở nước ngọt bổ sung cho hầu hết các đảo chìm nên rất mất công. Cứ lắt nhắt ghé mỗi đảo 1 – 2 ngày nên thời gian kéo dài khiến các nhà khoa học, dù đã đủ dữ liệu để phục vụ cho nghiên cứu của mình nhưng vẫn phải “bám tàu” cho hết cuộc hành trình 25 ngày theo kế hoạch. Nói chuyến đi “có một không hai” đối với các nhà báo là vậy.
Rút ra và cắm vào
Được biết 18/21 đảo là một điều may mắn với các nhà báo.
Hành trang mang theo của cánh báo chí, nhất là báo viết thì rất gọn nhẹ: một laptop, một máy ảnh kỹ thuật số là đủ cho một chuyến đi. Trước khi đi, tôi phải nhờ một số đồng nghiệp đã từng đi Trường Sa tư vấn một số vấn đề “cấp thiết” mà nhà báo đi Trường Sa không được quên, kể cả những kinh nghiệm tác nghiệp ở nơi thiếu thốn mọi bề ấy.
Thế nhưng, những khó khăn khi gửi tin bài vẫn xuất hiện bất ngờ không lường hết được. Có những hôm toát mồ hôi vì ngồi đợi tấm ảnh gửi về tòa soạn, xem “nó” nhích từng li một trong chiếc máy tính của mình. Có khi, nhìn trên máy thì thấy nó báo sắp xong nhưng đột ngột mạng rớt cái bụp, lại phải làm lại từ đầu. Vì vậy, vừa gửi ảnh vừa lầm thầm cầu nguyện.
Vì dung lượng của máy chủ ở một số đảo có hạn nên mỗi khi cánh phóng viên muốn gửi bài về thì phải gặp người chỉ huy của đảo để “trình bày hoàn cảnh”. Anh chỉ huy nghe xong là bật loa lên liền: “A lô cả đảo chú ý, hạn chế truy cập”. Anh trưởng đảo nào có tính hài hước thì: “A lô các đồng chí chú ý, ngay lúc này phải… rút ra để nhà báo tác nghiệp”.
Khi nhà báo xong việc, anh ta lại vặn to volume: “A lô, bây giờ thì các đồng chí được phép cắm vào”. “Rút ra” tức là không truy cập nữa, “nhường” phần ấy để tập trung cho nhà báo gửi tin bài về. Còn “cắm vào” tức tiếp tục truy cập bình thường. Chúng tôi đi qua 18 đảo và đã nghe rất nhiều lần phải “rút ra” và “cắm vào” như thế.
“Đảo nhỏ quá nói một câu là hết”
Một trong những mối lo của nhà báo đi Trường Sa là viết những gì không lặp lại các đồng nghiệp của chính báo mình từng đi trước đó. Vì mỗi lần đi Trường Sa là một lần khó nên nhà báo nào cũng tranh thủ thu thập tư liệu càng nhiều càng tốt để cho đỡ phí chuyến đi. Tuy nhiên, việc chọn đề tài thế nào để khỏi lặp lại đồng nghiệp của mình đã từng khai thác trước đó là điều không phải nhà báo nào cũng làm được.
Lấy ví dụ như rất nhiều nhà báo kể về nỗi nhớ nhà hoặc những khó khăn thiếu thốn của bộ đội ở Trường Sa nhưng nếu anh chỉ tả hoặc kể theo lời thuật của lính thì thế nào cũng lặp lại các đồng nghiệp từng viết trước đó. Thế nhưng, nhà báo nào viết một bài chung quanh chuyện “gọi điện thoại” của bộ đội thì lại không “đụng hàng”. Cũng là nỗi nhớ cha mẹ hoặc người yêu ở đất liền đấy nhưng để “gặp” được người cần gặp qua điện thoại đối với bộ đội ở Trường Sa cho vơi nỗi nhớ lại là một câu chuyện rất đáng để viết báo.
Hoặc như viết về những chú chó ở các đảo chìm. Lính ta xem những chú chó ở các đảo chìm như những thành viên của đơn vị mình nhưng chung quanh con vật thân thuộc này là bao chuyện khóc cười, bi kịch có, nhân văn có mà không phải nhà báo nào cũng khai thác đến đầu đến đũa. Lấy ví dụ như chuyện có bận biển động kéo dài hàng tháng, tàu bè không ghé đảo được, bộ đội thiếu thực phẩm trầm trọng. Họ họp lại và bàn là phải thịt chú chó thân thuộc của mình. Ai cũng “nhất trí cao”, nhưng khi thịt xong chú chó, đến hồi dọn ra, anh lính nào cũng rưng rưng và bỏ đũa.
Khách ghé các đảo chìm thường là rất nhanh, không có thời gian la cà hỏi chuyện nên những chuyện như vừa kể, không phải nhà báo nào cũng “gặp” được trong mỗi chuyến đi. “Đảo nhỏ quá nói một câu là hết” (Hữu Thỉnh). Chính vì “nhỏ quá” nên chuyện cũng không nhiều để mà không lặp lại những người đi trước mình. Vì vậy, để có những thông tin mới hơn người đi trước, những câu chuyện chưa từng nghe kể, ngoài cái tài của anh nhà báo biết cách “ve vãn” và khai thác nhân vật còn là cái duyên của mỗi người nữa.
Nguồn: thanhnien.vn