Chúng tôi có một ngày đi thuyền trên đầm Thị Nại. Cảnh sắc non thanh thủy tú từ đầm nước lưu giữ một phần văn hóa, lịch sử Bình Định khiến mọi người không ngớt trầm trồ ngạc nhiên trước thiên nhiên tuyệt diệu: ngay thành phố mình cư ngụ vẫn còn có những vẻ đẹp đến giờ mới ngỡ ngàng khám phá!
Tự nhiên, với quy luật và năng lượng phi phàm của mình, có những biến cải, tạo tác vô song, con người chỉ có thể trầm trồ chiêm bái. Như cuộc “hàn biển” thần sầu cuối thế kỷ 18 tạo nên vùng núi cát dài đến 8 km bây giờ, lấp cửa Cách Thử, biến núi Triều Châu thành bán đảo Phương Mai. Thương cảng Cách Thử tấp nập một thời của xứ Đàng Trong đã tuyệt mù dấu tích, mở ra thành phố cảng biển Quy Nhơn thịnh đạt hôm nay.
Rừng ngập mặn Cồn Chim nằm giữa đầm Thị Nại |
Đầm Thị Nại, cửa ngõ thành Đồ Bàn, thành Hoàng Đế, với các cuộc chiến trải từ triều Lý, Trần, Lê với Chiêm Thành, cuộc chiến Tây Sơn – Nguyễn…, nơi ghi dấu những cạnh tranh quyền lực sống mái các vương triều cả ngàn năm qua. Chúng tôi đi, trong cái khoáng đạt tầm mắt và những tri kiến, những giả định về các sự kiện, nhân vật. Thật hiếm có nơi can dự vào lịch sử đất nước, dân tộc, lịch sử một vùng đất nhiều như đầm Thị Nại, nơi các chi lưu những con sông lớn Bình Định đổ vào để hội nhập với biển.
Mặt nước mênh mông, ba bề bốn bên núi và rừng cây ngập mặn, xa xa những tòa tháp của thành phố Quy Nhơn, những con tàu nơi bến cảng, những chòi rớ yên bình, đây đó thuyền ngư dân khai thác, đánh bắt… – một không gian tươi đẹp và trù phú. Nhưng chỉ là bề nổi thôi: người tài công đã bắt đầu loay hoay, vất vả. Vấn đề là, giờ nước triều thấp, đi luồng lạch nào trong bốn bề mênh mông nước để chiếc ca nô du lịch không mắc cạn? Chạy cầm chừng và hỏi thăm mấy thuyền ngư dân. Nước và những chòm cây, ẩn giấu lạch chảy các vệt cửa sông Hà Thanh như ma trận. Chạy, và hỏi. Vẫn rất mơ hồ thủy trình đâu đó bên kia những vùng xanh lá. Loay hoay day trở, thỉnh thoảng chân vịt sủi lên những vệt bùn cảnh báo.
Rồi cũng đến Cồn Chim, khu rừng sinh thái ngập mặn phía bắc đầm, nơi bảo tồn và trồng mới rừng, bảo tồn cỏ biển, sân chim, các loài động thực vật đặc chủng… Đã có những dự án được sự quan tâm các nhà khoa học trong nước, quốc tế. Đã có những can dự tích cực của con người về quản lý, về ý thức cộng đồng, những hài hòa quyền lợi cư dân nơi đây. Có xóm mới trù phú hơn 1.200 dân trong cồn ngập mặn. Trong nhập nhoạng chiều, các loài chim tụ về mang vẻ đẹp có chút huyền hoặc, rụt rè niềm tin pha lẫn cảnh giác.
Bầu trời của những cánh chim là bầu trời yên bình. Cho chính con người. Đó là từ cách sống hòa hợp với tự nhiên, một lựa chọn mang lại lợi ích bền vững, lâu dài. Tuổi nhỏ của ai cũng từng nhìn ngắm các bức tranh minh họa “xứ thần tiên”, nơi cỏ cây, muông thú và con người chung sống ngập tràn yêu thương. Liệu rồi trong dài lâu, đàn chim trời nơi Cồn Chim còn tin cậy con người mỗi chiều về trú ngụ?
500 ha Cồn Chim sẽ lớn dần thêm từ phù sa sông Côn, con sông chảy qua suốt trầm tích văn hóa lịch sử Bình Định ngàn năm, tụ lại từng mảng rừng ngập mặn trồng mới; con người và sinh cảnh, chim cá nơi đây hòa cư thành môi trường lý tưởng của cái đẹp và lòng nhân ái; một “Xứ Thần Tiên” thật cách đô thị Quy Nhơn mươi phút du thuyền chăng?
Tôm cá tự nhiên giờ đã cạn kiệt. Ban ngày, chiếc ca nô chúng tôi rẽ sóng chỉ làm giật mình bầy cá đối nhép, nhảy trắng lóa trên mặt nước. Ngư dân làng chài Bình Thái kể rằng, trước đây, một ngày, nhà ghe đánh bắt trên đầm thu hoạch được năm – bảy trăm ngàn, nay chỉ còn vài trăm, chưa kể chi phí. Hàng chục năm qua, nạn đánh bắt xung điện đã tận diệt nguồn lợi này. Báo chí cũng lên tiếng nhiều lần; cơ quan quản lý cũng có lệnh cấm. Nhưng con người trộm lén làm đêm: vòng về chúng tôi gặp rất nhiều ghe tắt đèn âm thầm khai thác. Chiếc ca nô du lịch thỉnh thoảng phải né mấy tín hiệu ghe xiết máy xung điện. Một thiên nhiên rộng lượng và hào phóng, một nguồn lợi bao đời đã và đang bị truy sát!
Một góc đầm Thị Nại. |
Năm trời “hàn cửa” Cách Thử, Quy Nhơn chỉ là một làng chài, một đồn lính, đồn canh thu thuế. Ba thế kỷ biến cải quanh đầm Thị Nại, đã có một đô thị Nước Mặn rơi vào quên lãng và xuất hiện một Quy Nhơn trẻ trung, đầy sức sống. Số phận một thành phố gắn với dòng sông chảy qua nó. Như sông Seine ở Paris, sông Thames ở London, sông Hoàng Phố ở Thượng Hải… Một Angkor rực rỡ đã suy tàn vì sông đổi dòng. Phố Hiến, Hội An cũng mất hẳn ưu thế khi sông thay đổi dòng chảy. Ứng xử “phải đạo” với đầm Thị Nại là hướng tới phát triển bền vững một Quy Nhơn tương lai.
Trăng rằm đã lên cao, lạc lõng. Thì đúng. Cái bảng lảng sương khói, tơ tưởng mơ mòng của thời Hàn thi sĩ Chơi trăng trên đầm Thị Nại đã xa tít vào văn chương lãng mạn, siêu thực một thời. Vẫn trăng, vẫn nước với thuyền nhưng cái đẹp bây giờ khác…
Một ngày trên đầm Thị Nại mang lại cho chúng tôi nhiều xúc cảm. Niềm cảm khái về vật đổi sao dời; về lẽ hưng phế, thành bại các vương triều; về con người và thời cuộc. Thán phục và tự hào một thiên nhiên tuyệt đẹp, kỳ vĩ. Với niềm hy vọng và những âu lo. Mặt đầm Thị Nại vẫn mênh mang, vẫn đầy sức sống rừng ngập mặn và Cồn Chim, vẫn dồi dào năng lượng các bến cảng. Nhưng ẩn giấu dưới mặt nước không còn xanh trong là cuộc vận hành bồi lấp, lặng lẽ và mệt mỏi một bà mẹ cạn kiệt nguồn sữa, một cảnh báo nhỡn tiền.
Con người đã thực sự đối diện với nỗi niềm Thị Nại chưa? Để ứng xử biết điều trong ân hưởng, và nghĩ cách thương lượng với Thị Nại. Bằng nỗ lực, bằng thiện chí của mình. Trước khi quá muộn!
Nguồn: thanhnien.vn