Workshop này được sự bảo trợ chuyên môn của Hiệp hội Internet Việt Nam, Liên minh chuyển đổi số DTS và Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam. Workshop là một sự kiện bên cạnh hội thảo quốc tế về Blockchain và Quản trị tài chính tiên tiến do Trường Đại học Tôn Đức Thắng đồng tổ chức với các trường đại học đến từ Hoa Kỳ, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Indonesia.
Tham dự Lễ khai mạc có Ông Vương Đức Tuấn, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên; Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam Lê Long Giang; Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số DTS Trương Gia Bảo…., cùng đông đảo lãnh đạo các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Blockchain, Fintech….
Workshop đã quy tụ được hơn 100 khách mời doanh nghiệp đến từ các ngân hàng, công ty chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm và cộng đồng Blockchain ở Việt Nam với các diễn giả như ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam; ông Trương Gia Bảo, Phó chủ tịch Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam, Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số DTS; ông Nguyễn Thế Cường – CEO VCONOMICS (Giám đốc Công ty Cổ phần FINATECH; sáng lập Vconomics – hệ sinh thái tài chính phi tập trung); ông Phan Minh Đạt, Giám đốc Trung tâm Quản lý Tài sản số (TSS); Ông Tạ Minh Tuấn – Chairman, TMT Group & Tago Corp (Chủ tịch, Công ty cổ phần Công nghệ GURU; ông Tuấn từng lọt vào danh sách 30 người trẻ dưới 30 tuổi ảnh hưởng nhất Việt Nam của Tạp chí Forbes 2 năm liền).
Phát biểu khai mạc Workshop, Tiến sĩ Nghiêm Quý Hào – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Kinh tế ứng dụng Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng: “Giờ đây, blockchain không chỉ còn là cái gì đó của tương lai, mà thực sự nó đã có những sản phẩm thực tế và nó đã và đang tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng. Là một công nghệ mới sáng tạo với sức mạnh có khả năng phá vỡ các mô hình kinh tế trong quá khứ, hiện tại và tái định hình các thị trường trong tương lai. Blockchain cũng mang lại tiềm năng to lớn đối với các thị trường mới nổi để có thể vươn lên một cách nhanh chóng”.
Lĩnh vực Blockchain đã và đang được quan tâm ở nhiều cấp độ, nhiều bộ, ngành, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều hội thảo, diễn đàn về Blockchain đã và đang tiếp tục được tổ chức. Song một hội thảo, kết nối được giới khoa học và cộng đồng doanh nghiệp, được tổ chức bởi một trường đại học thì có lẽ không nhiều. Do đó, theo tiến sĩ Nghiêm Quý Hào, các trường đại học, với các sứ mệnh cốt lõi là giáo dục, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp và đồng kiến tạo vì sự phát triển bền vững, với tư cách là cái nôi của sáng tạo, nên và cần thiết tham gia vào các quá trình giáo dục, đào tạo và phát triển Blockchain ở Việt Nam.
Các tham luận của các ngân hàng, công ty chứng khoán và công ty quản lý Quỹ Dragon Capital cũng đã mang lại các thông tin hữu ích về hiện trạng ứng dụng blockchain trong tài chính ngân hàng. Khảo sát của Viện Chiến lược Ngân hàng đối với các tổ chức tín dụng về mức độ quan tâm và định hướng phát triển liên quan đến các khía cạnh của Cách mạng công nghiệp 4.0 cho thấy các ngân hàng Việt Nam đều có định hướng đầu tư, nâng cấp và phát triển hệ thống công nghệ của mình. Đặc biệt có một số ngân hàng thể hiện sự quan tâm đến một số công nghệ mới hiện đại như Blockchain, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, rôbốt tự động…
Theo ông Phan Minh Đạt, Giám đốc Trung tâm Quản lý tài sản số, hiện tại, VN là hệ sinh thái khởi nghiệp thứ 3 trong ASEAN. Có hơn 200 quỹ đã đầu tư vào Việt Nam. Có khoảng 3.800 công ty khởi nghiệp tại Việt Nam và 11 công ty có giá trị trên 100 triệu USD. Theo nghiên cứu của Finder, Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ chấp nhận tài sản tiền điện tử. Theo Chainalysis, Việt Nam cũng dẫn đầu về 3 con số: giá trị tiền điện tử trên chuỗi nhận được; giá trị giao dịch nhỏ được chuyển giao trong chuỗi; khối lượng giao dịch p2p. Việt Nam là quốc gia có lượng tải game lớn thứ 2 ở ASEAN. Trong năm 2021, là năm quan trọng của Gamefi và cả Gamefi Việt Nam, khoảng 300 game đã được xây dựng và ra mắt. Với 2,2 triệu người chơi, Axie Infinity là Gamefi lớn nhất mọi thời đại. Axie Infinity xử lý khối lượng giao dịch NFT gấp 3 lần so với các chuỗi khác, ngoại trừ Ethereum. Có 2,6 triệu người sở hữu Axie, cao gấp 4 lần game NFT xếp thứ 2. Sky Mavis, nhà phát triển của trò chơi Axie Infinity, với định giá công ty là 3 tỷ đô la. Tổng giá trị giao dịch NFT năm 2021 đạt 17,6 tỷ USD, tăng 21.350% so với 82,5 triệu USD năm 2020. Việt Nam đứng top 5 thế giới về lượng người dùng chơi game NFT (Finder) Việt Nam cũng đứng top 5 về người dùng NFT sau Thái Lan, Brazil, Mỹ, Trung Quốc (Statista). Năm 2021, 88 thương vụ đầu tư đạt hơn 1,3 tỷ USD. Nhiều lĩnh vực tăng trưởng thu hút đầu tư lớn như công nghệ tài chính, trò chơi, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và thương mại điện tử…
Bên cạnh các thành tựu, kết quả đạt được trong thời gian qua, các diễn giả cũng đề cập đến các thách thức của công nghệ chuỗi khối (Blockchain) về Quy định pháp lý liên quan đến Blockchain; thách thức đối với việc tích hợp nền tảng công nghệ Blockchain với các hệ thống hiện tại; thách thức về khả năng mở rộng quy mô….Trong đó, đáng chú ý là việc xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, điều ước liên quan đến công nghệ Blockchain được các quốc gia và tổ chức quốc tế chấp thuận sẽ mất nhiều thời gian và hợp tác của nhiều bên liên quan. Trong khi đó, hiện tại không có tiêu chuẩn hoặc một tổ chức trung tâm giám sát/quản lý các ứng dụng công nghệ Blockchain nào. Ông Vũ Hoàng Liên cho biết.
T.T