Trạm cơ vụ A69 trên tuyến đường chiến lược
Hang Lèn Hà nằm trong khu vực núi Lèn Hà, thuộc xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Cách tuyến đường chiến lược 15A khoảng 3km có một hang cao được dân địa phương gọi là hang Lèn Hà. Hang nằm ở lưng chừng núi, có độ cao 150m, đỉnh cao nhất là 320m, rộng khoảng 420m.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hang được Trạm Cơ vụ A69 thuộc Đại đội 9, Trung đoàn 134, Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc cải tạo thành nơi đặt máy móc điện đàm liên lạc; dưới núi là rừng cây rậm rạp rất dễ ngụy trang được xây dựng làm khu nhà nghỉ, hội trường sinh hoạt của Trạm Cơ vụ A69 và làm kho dự trữ hàng chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam.
Hang Lèn Hà là di tích lịch sử nổi tiếng và được Bộ Tư lệnh Thông tin, UBND tỉnh Quảng Bình đầu tư xây dựng Miếu, Bia để ghi danh, tưởng nhớ các cán bộ, chiến sĩ Trạm Cơ vụ A69 đã hy sinh anh dũng trong ngày 2/7/1972.
Trong những năm chiến tranh phá hoại, phát hiện được hoạt động của Trạm Cơ vụ A69 và vị trí quan trọng của hang Lèn Hà, địch thường xuyên tập trung đánh phá ác liệt vào khu vực hang. Đặc biệt vào lúc 13 giờ 25 phút ngày 2/7/1972, máy bay bất ngờ bắn pháo khói vào nhà ăn của Trạm để chỉ điểm. 13 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó có 10 chiến sĩ gái, nhiều chiến sĩ bị thương.
Cả một khu vực rộng lớn của Trạm bị bom địch đánh phá gây ra bao đau thương và tổn thất cho Trạm Cơ vụ A69. Nhưng với tinh thần tất cả cho nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc, các chiến sĩ đã gạt nước mắt, nén đau thương để tiếp tục làm nhiệm vụ và chỉ sau 1 giờ đồng hồ, thông tin liên lạc đã được khôi phục thông suốt, Trạm máy được củng cố. Việc cứu chữa thương binh, tìm thi thể và mai táng 13 đồng chí hy sinh được thực hiện khẩn trương và chu đáo.
Trong suốt quá trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, chi viện cho các chiến trường, bất chấp mưa bom bão đạn của địch, không ngại gian khổ, hy sinh, cũng như khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn, các cán bộ chiến sĩ Trạm Cơ vụ A69 đã kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh để tiếp chuyển hàng trăm ngàn phiên liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, phục vụ cho Bộ Chỉ huy chỉ đạo các đơn vị chiến đấu, tiêu biểu là chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, chiến dịch Cánh Đồng Chum năm 1971, chiến dịch Quảng Trị năm 1972…
Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh mất mát, nhưng với tinh thần “Tất cả cho chỉ huy chiến đấu giành thắng lợi”, “Tim còn đập mạch máu thông tin còn thông suốt”, cán bộ, chiến sĩ Trạm Cơ vụ A69 vẫn kiên cường bám trụ để làm nhiệm vụ. Và trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt đó đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng thà hy sinh tất cả nhưng nhất định không để mạch máu thông tin gián đoạn.
Phục dựng chứng tích, thu hút du khách thập phương
Ông Phạm Anh Minh, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa – Quảng Bình) cho hay, nhiều chứng tích quan trọng của Trạm thông tin A69 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại Hang Lèn Hà đã được phục dựng và hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm Cơ vụ A69 đã hy sinh anh dũng (ngày 02/7/1972).
Theo đó, 11 hạng mục quan trọng trong việc phục dựng các chứng tích này bao gồm: Nhà hội trường, nhà chỉ huy đại đội, nhà nguồn điện, nhà kho Bộ Tư lệnh, nhà bếp, nơi ăn ở, sinh hoạt của các CBCS…
Ông Minh cho hay, trên cơ sở dữ liệu lịch sử hiện có, Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) đã phục dựng các công trình quan trọng trong khuôn viên khu di tích với việc dựng các bia đá ghi các thông tin liên quan, bảo đảm sát với thực tế quá trình sống, sinh hoạt, làm việc của cán bộ, chiến sĩ Trạm thông tin A69 trong thời kỳ kháng chiến.
Di tích lịch sử Hang Lèn Hà minh chứng truyền thống đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ trong nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
“Hang Lèn Hà chính là nơi giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, từ đó, xây dựng ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử đất nước vốn đã được lớp lớp thế hệ cha ông đi trước dày công gìn giữ, vun đắp”.
Việc phục dựng các công trình không chỉ giúp du khách thập phương có được hình dung sinh động, cụ thể và rõ nét hơn về quá trình sinh sống, làm việc, chiến đấu của CBCS Trạm thông tin A69, mà còn xây dựng di tích trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.
Chiến tranh lùi xa đã 50 năm nhưng những chiến công, những thành tích và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Trạm Cơ vụ A69 sẽ mãi mãi là niềm tự hào của những người dân đất Việt.
Nguồn: toquoc.vn