(Tổ Quốc) – Ngày càng nhiều show Việt được mua bản quyền từ Hàn Quốc, nhưng liệu chất lượng có đủ chiều lòng khán giả?
Show thực tế Hàn Quốc là một trong những đặc sản giải trí xứ kim chi có sức hút rất lớn đối với khán giả Việt. Đó cũng chính là lý do những năm gần đây show Hàn đổ bộ Việt Nam ồ ạt. Các nhà sản xuất Việt bắt đầu mua bản quyền từ xứ kim chi và sản xuất show thực tế Việt hóa từ Hàn. Những năm gần đây, hết Running Man lại đến phiên 2 Ngày 1 Đêm, The Return Of Superman bản Việt lên sóng. Thế nhưng hiệu quả có như mong đợi?
Quay ngược lại thời điểm 2019, khi nghe loáng thoáng thông tin Running Man được một nhà sản xuất Việt mua bản quyền, một bộ phận fan show thực tế Hàn lâu năm đã tranh cãi ầm ĩ vì chẳng gì có thể qua được bản gốc. Running Man mang lại một không khí rất Hàn Quốc đến với sóng truyền hình Việt, từ cách lên kịch bản, cắt dựng, chèn phụ đề, hiệu ứng, các trò chơi… Món ăn lạ miệng nhanh chóng trở nên cực hot đối với khán giả trẻ.
Cảnh xé bảng tên ở Running Man Việt mùa 1 khiến fan đặt lên bàn cân so sánh với bản gốc
Cách chèn phụ đề của bản Việt cũng hệt như style ở xứ Kim chi
Tuy nhiên, chính cách “chế biến” đậm màu Hàn Quốc như vậy mới cho thấy rằng, phải chăng giao diện của các show Việt hóa Hàn Quốc thực tế không thân thiện với khán giả Việt đến vậy? Cách đặt phụ đề, hiệu ứng có thể quen thuộc với khán giả trẻ mê Kpop nhưng lại chẳng được ưa chuộng với những lớp khán giả lớn tuổi, những người nội trợ Việt?
Sau 2 năm trì hoãn vì dịch Covid-19, Running Man Việt đổi nhà sản xuất, cũng có sự thay đổi trong dàn cast. Không ít khán giả la ó vì những thành viên mới mùa 2 gồm Trường Giang, Thúy Ngân, Jack, Karik – những nghệ sĩ được xem như “gà nhà” của ekip bỗng có suất thế chỗ các thành viên cũ. Thế là Running Man Việt mùa 2 lại được ví von như 7 Nụ Cười Xuân phiên bản… ngoài trời.
Running Man Việt như “phát súng” đầu tiên đánh dấu sự du nhập của show thực tế Việt hóa bản Hàn. Năm 2022, truyền hình Việt lại có thêm sự xuất hiện của 2 show “remake” mới gồm 2 Ngày 1 Đêm và Mẹ Vắng Nhà Ba Là Siêu Nhân (The Return Of Superman). Đây đều là 2 chương trình giải trí lâu năm, đình đám ở Hàn Quốc.
Ở 2 Ngày 1 Đêm, những cái tên được nhà sản xuất lựa chọn vào dàn cast một lần nữa khiến khán giả thở dài vì đa phần toàn là những gương mặt “người nhà” của nhà sản xuất, chỉ có 2 nhân tố mới toanh với show giải trí là Kiều Minh Tuấn và HIEUTHUHAI. Trường Giang, Ngô Kiến Huy từ Running Man nay lại tiếp tục tham gia 2 Ngày 1 Đêm. Lê Dương Bảo Lâm, Cris Phan cũng nhiều lần lên sóng các show truyền hình cùng nhà sản xuất. Lên sóng được 2 tập nhưng chương trình vẫn chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của khán giả như Running Man. Dàn cast mới mẻ, hài hước vẫn luôn là vấn đề lớn mà các nhà sản xuất đau đầu tìm kiếm.
6 thành viên của 2 Ngày 1 Đêm. Chương trình có khá nhiều nét tương đồng với Running Man vì cùng sản xuất bởi một ekip
Mẹ Vắng Nhà Ba Là Siêu Nhân – show thực tế nói về cuộc sống của các ông bố nghệ sĩ phải chăm con trong khi vợ vắng nhà – đã lên sóng gần 10 tập nhưng vẫn không có sự bùng nổ. Trong số những gia đình tham gia mùa đầu tiên, gia đình JustaTee và Khắc Việt ít nhiều được fan chú ý hơn cả. Ekip được khán giả khen ngợi sáng tạo khi có những pha chèn phụ đề mặn mòi hợp thị hiếu người Việt. Tuy nhiên, những cảnh ngoài trời, đi chơi của các cặp bố con lại rất ít. Cảnh quay trong nhà chăm con, nấu ăn… của các ông bố nghệ sĩ cứ lặp đi lặp lại liên tục khiến fan chán ngán trong khi bản gốc ở Hàn lại đa dạng, phong phú hơn cả. Ở chương trình này, khán giả như được xem một phiên bản kinh phí thấp, kém đầu tư của nhà sản xuất Việt, khiến cho dù các bé rất dễ thương nhưng tổng thể show không xứng tầm với phiên bản gốc.
Gia đình JustaTee được fan quan tâm nhất show
Vậy mới nói, chuyện Việt hóa show Hàn là một bài toán cực khó nhằn đối với các nhà sản xuất hiện nay. Nếu dựng không khéo, netizen lại được dịp đặt bản Việt lên bàn cân so sánh với bản Hàn mà bản gốc thì luôn thắng thế hơn là bản “remake”.
Ảnh: Internet
Bell Shino
Nguồn: toquoc.vn