Saturday, January 11, 2025

Lương thấp, nhân viên y tế nghỉ việc ồ ạt



Tác động của dịch Covid-19 tới ngành y tế Hà Nội còn rất nặng nề, cả về tâm lý, nhân lực, thiếu trang thiết bị, thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ người dân.

Thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP.Hà Nội chiều 5.7, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết tác động của dịch Covid-19 tới ngành y tế Hà Nội còn rất nặng nề, cả về tâm lý, nhân lực, thiếu trang thiết bị, thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ người dân.

Bà Hương cũng nêu thực trạng e ngại trong mua sắm thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch. Cụ thể, năm 2021 MTTQ TP.Hà Nội thực hiện phân bổ kinh phí 2 lần, lần thứ nhất là trang bị tủ lạnh đựng vắc xin cho tất cả các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Theo rà soát của ngành y tế, Hà Nội cần trang bị 1.009 tủ lạnh đựng vắc xin, tuy nhiên đến thời điểm này chỉ có 7 quận, huyện đã mua, còn lại 23 quận, huyện gửi lại tiền với lý do không có nhu cầu.

Lương thấp, nhân viên y tế nghỉ việc ồ ạt

Kỳ họp thứ 7 HĐND TP.Hà Nội khai mạc sáng qua 5.7

“Chúng tôi rất băn khoăn lý do này, phải chăng Sở Y tế khảo sát chưa chính xác nhu cầu? Hay một số quận, huyện không khó khăn về trang thiết bị y tế phục vụ cho y tế cơ sở, trong khi đây là trang thiết bị rất cần thiết. Nếu là tâm lý e ngại, sợ thanh tra, kiểm tra thì cuối cùng người thiệt thòi là nhân viên ngành y tế và nhân dân thủ đô”, bà Hương nêu. Một ví dụ khác là 12 máy xét nghiệm PCR có giá gần 50 tỉ đồng nhưng các đơn vị cũng hoàn trả tiền vào quỹ phòng chống Covid-19, không đơn vị nào mua được, trong lúc Hà Nội rất nhiều ca bệnh.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết qua đại dịch mới thấy nhân lực y tế dự phòng còn quá ít. Tại nhiều trung tâm y tế dự phòng có tới 50% người bị nhiễm bệnh nhưng vẫn phải bố trí làm việc. Theo ông Hưng, nhiều bất cập về nhân lực như định biên mỗi trạm y tế tối đa có 10 người, trong khi đó Hà Nội có phường rất đông, dân số có thể bằng 1 huyện của tỉnh khác. Ngoài ra, việc tuyển dụng y tế cơ sở khó khăn; chính sách đãi ngộ thấp, hầu như chỉ có lương cơ bản. Trong 2 năm chống dịch không có khoản nào thu nhập tăng thêm, trung bình cán bộ y tế dự phòng lương 5 triệu đồng/tháng.

Năm 2021, ngành y tế Hà Nội có 407 người xin nghỉ việc, trong đó có 153 bác sĩ; trong năm 2022, riêng khối bệnh viện nghỉ 241 người (trong đó 104 bác sĩ), chưa tính các khối y tế cơ sở. Người xin nghỉ việc tập trung ở một số bệnh viện lớn như Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông…, chủ yếu là đội ngũ có bằng đại học, có tay nghề cao, dịch chuyển sang khối y tế ngoài công lập.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, nguyên nhân nhiều y, bác sĩ nghỉ việc là trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành y tế làm việc quá vất vả, từ điều kiện đến cơ sở hạ tầng; trong phòng chống dịch các nguồn thu giảm sút.

Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 7 HĐND TP.Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết kinh tế Hà Nội tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Dù vậy, vẫn còn nhiều kết quả chưa đạt được như giải ngân vốn đầu tư công thấp, số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể tăng 13% và đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 51%. CPI (chỉ số giá tiêu dùng) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,25%, cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ 2021 (tăng 1,14%) gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%… Ngoài ra, nhiều tồn tại, hạn chế lâu nay chưa được khắc phục triệt để, như ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, nước thải; công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu bền vững; xử lý các cơ sở nhà, đất, nhất là các cơ sở nhà, đất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do T.Ư và địa phương khác quản lý trên địa bàn thủ đô vẫn còn chậm…

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img