Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng trình 16 tờ trình tăng tổng mức đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện các dự án chậm triển khai.
Ngày 6.7, tại kỳ họp giữa năm HĐND TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã trình 16 tờ trình tăng tổng mức đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện các dự án (DA) chậm triển khai.
Các DA này được phê duyệt giai đoạn 2016 – 2020 với tổng vốn đầu tư 5.759 tỉ đồng, nay điều chỉnh thành 11.870 tỉ đồng (tăng 6.111 tỉ đồng). Một số DA có tỷ lệ tăng khá cao như DA cải tạo kênh Hàng Bàng đoạn từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng (Q.5) tăng từ 188 tỉ đồng lên 779 tỉ đồng; đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm y tế Tân Kiên (H.Bình Chánh) từ 400 tỉ đồng lên gần 800 tỉ đồng; nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp) tăng từ 667 tỉ đồng lên 1.640 tỉ đồng; cầu Tăng Long (TP.Thủ Đức) tăng từ 450 tỉ đồng lên 688 tỉ đồng…
Dự án cầu Tăng Long |
Lý do đội vốn chủ yếu do DA chậm triển khai, vướng mặt bằng dẫn đến kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng theo. UBND TP.HCM cũng kiến nghị bổ sung hơn 8.500 tỉ đồng vào kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Trong phiên thảo luận tổ chiều cùng ngày, nhiều đại biểu (ĐB) đánh giá 6 tháng đầu năm chỉ giải ngân 6.126 tỉ đồng (đạt 19,5%) là con số khá thấp. ĐB Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, nhận định tỷ lệ giải ngân thấp chưa tạo ra động lực dẫn dắt thúc đẩy kích cầu đầu tư vào xã hội, đồng thời đề nghị UBND TP cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA đầu tư công, đặc biệt là các DA triển khai nhiều năm chưa hoàn thành.
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, đề nghị UBND TP cần nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân cả nước. “Nếu do khâu bồi thường, tái định cư thì vai trò của chủ đầu tư và chính quyền địa phương ở đâu, giải pháp nào để đẩy nhanh?”, ông Thắng đặt vấn đề.
Kỳ họp giữa năm của HĐND TP.HCM diễn ra trong 2 ngày rưỡi, sáng nay sẽ chất vấn về chương trình phát triển nhà ở. Cũng tại kỳ họp, UBND TP.HCM xin ý kiến đối với hồ sơ trình chủ trương đầu tư đối với 2 dự án cải thiện hệ thống thoát nước cho lưu vực Tây Sài Gòn và lưu vực Tham Lương – Bến Cát với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng, từ nguồn vốn vay nước ngoài và ngân sách đối ứng.
Nguồn: thanhnien.vn