Monday, October 7, 2024

Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui



Thủ tướng xem bản đồ tích hợp các dự án kêu gọi đầu tư tỉnh Hậu Giang – Ảnh: VGP/Nhật Bắc.


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, tỉnh xác định công tác thu hút đầu tư vào 4 trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch theo Nghị quyết 04-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Hậu Giang là một trong những giải pháp then chốt, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.


Do đó, tỉnh kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều các nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế  – xã hội cho tỉnh Hậu Giang. Với tinh thần đó, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 với Chủ đề: “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”.


Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Hội nghị cũng nhằm quảng bá các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của tỉnh trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch để thu hút, lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng thực hiện các dự án. Đồng thời, hội nghị là một kênh xúc tiến thương mại, du lịch, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Hậu Giang, tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước tiếp cận, tìm hiểu các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của tỉnh.


Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui


Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc.


 


“Hội nghị còn là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư gặp gỡ, trao đổi về cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư phù hợp đối với tỉnh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh nhấn mạnh.


Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Khu vực ĐBSCL đang được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm. Mới đây nhất, ngày 02/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


Cùng với đó, sự dịch chuyển chuỗi sản xuất có xu hướng từ các nước khác vào Việt Nam; ở trong nước có sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất từ các trung tâm, đô thị, thành phố lớn phía Nam về các tỉnh, thành ĐBSCL. Như vậy, ĐBSCL vừa được quan tâm đầu tư, vừa đón sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất nên tỉnh Hậu Giang đang có điều kiện phát triển tốt.


Ông Thanh cho rằng, với vị trí là trung tâm của tiểu vùng Nam Sông Hậu nên Hậu Giang đã được thừa hưởng những thuận lợi đó. Năm 2022, tỉnh chọn là năm Doanh nghiệp với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Điều này thể hiện khát vọng mới, sự cầu thị, sự cam kết mạnh mẽ và đồng hành của chính quyền trong việc mời gọi cộng đồng doanh nghiệp đến với Hậu Giang.


“Với phương châm “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”, chúng tôi cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất tại tỉnh Hậu Giang”, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh nhấn mạnh.


5 nhiệm vụ trọng tâm


Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch tốt vừa phát triển kinh tế với một số kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm.


Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022. Ảnh: DƯƠNG GIANG/TTXVN.


 


Thủ tướng lưu ý lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW. Trong đó xác định “Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gần với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị gồm: Trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logisics ở Hậu Giang”. Thủ tướng cũng  lưu ý, đầu tư phát triển kinh tế nhưng không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội, môi trường. Mọi chính sách hướng đến dân, đảm bảo được an sinh xã hội.


Để đạt được những mục tiêu đề ra, Thủ tướng đề nghị Hậu Giang cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan để thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:


Thứ nhất, Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng Chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, từ tìm hiểu, lập dự án đầu tư đến cả quá trình sản xuất kinh doanh.


Làm tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư kinh doanh tại tỉnh.


Thứ hai, định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là những người liên quan đến hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp.


Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân; tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.


Thứ ba, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Hậu Giang với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.


Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương, bảo đảm tiến độ thực hiện các tuyến đường cao tốc, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh Hậu Giang và của vùng.


Thứ tư, chú trọng hành lang pháp lý trong việc thực hiện các thủ tục về đất đai; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án.


Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT phối hợp chặt chẽ với địa phương, sớm hỗ trợ thẩm định các thủ tục liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Chính phủ, tạo tiền đề cho tỉnh thực hiện các dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật đất đai, qua đó đã góp phần tạo quỹ đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.


Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ giữa các Bộ ngành, Trung ương và địa phương, đặc biệt là Bộ KH&ĐT trong việc hỗ trợ thực hiện các thủ tục triển khai các dự án tại địa phương; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển,…


Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân, thực hiện đúng các cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư nhanh, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân. Đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, cùng chính quyền địa phương và các đoàn thể chung tay giúp đỡ các gia đình có công, đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế trong xã hội.



PHIM ĐẶC SẮC
Người Hùng Xí Nghiệp - SCTV9
Truy Tìm Bằng Chứng 2
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img