Nếu nói về những điểm du lịch vừa hoang sơ vừa đẹp thì Quy Nhơn luôn được chú ý top đầu và xuất hiện liên tục trong các bài review nghìn share trên mạng xã hội. Đến Quy Nhơn, hầu hết mọi người đều chọn ghé những nơi nổi tiếng như Ghềnh Ráng, Kỳ Co, Eo Gió,… để tham quan, làm vài tấm ảnh “sống ảo”. Thế nhưng, để “làm mới” trải nghiệm cho du khách, Quy Nhơn đã trình làng khu tổ hợp khoa học đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 5 vừa qua với diện tích lên đến 4ha cùng hàng loạt những hoạt động thú vị.
Ảnh: Nguyễn Bá Tuyên, Nguyen Bear
Cách thành phố Quy Nhơn khoảng 5km, trung tâm ExploraScience là nơi trưng bày, triển lãm các thành tựu khoa học, bao gồm 2 khu chính là toà nhà chính và trạm quan sát thiên văn phổ thông. Đến đây, bạn có thể tham quan nhiều khu khác nhau như nhà mô hình vũ trụ, bảo tàng khoa học, khu khám phá vật lý, khu khám phá khoa học sự sống, khu khám phá thiên văn học,… Mỗi khu đều được trưng bày các mô hình, hình ảnh khoa học khác nhau và thiết kế theo hình đồng tâm, giúp bạn tham quan được bao quát vũ trụ và dễ dàng trải nghiệm các hoạt động hơn.
Ảnh: Nguyen Bear, Phương Thy, Trần Duy Thoại, @jen_0504
Gây ấn tượng nhất tại đây là nhà chiếu hình vũ trụ với hệ thống máy chiếu có độ phân giải 4K và bộ điều khiển trình diễn hiện đại. Tại đây, các vấn đề liên quan đến thiên văn học và các hiện tượng thiên nhiên sẽ được mô phỏng thông qua những thước phim. Đặc biệt hơn, nhà chiếu còn sử dụng màn hình vòm đường kính 12m, cộng với hệ thống âm thanh sống động, tạo cho bạn cảm giác như đang ở giữa bầu trời để nhìn ngắm các vì sao.
Ảnh: ExploraScience Quy Nhơn
Di chuyển đến các khu khám phá, bạn sẽ được tự do tìm tòi về thiên văn học với vô số chủ đề khác nhau, chẳng hạn như hệ Mặt trời, khám phá vật chất, Trái đất và tài nguyên thiên nhiên, khám phá sao Hỏa,… Điểm thú vị nhất khi đến phòng khám phá là bạn sẽ được trực tiếp chạm vào các mô hình để cảm nhận kích thước, bề mặt của Trái đất, các vì sao. Đồng thời còn được nghe thuyết minh về chu trình tuần hoàn của Trái đất, hậu quả của việc chặt phá rừng,… mang đến trải nghiệm không chỉ bằng thị giác, xúc giác mà còn cả thính giác.
Ảnh: Nguyễn Bá Tuyên, TMA Solutions Bình Định
Đặc biệt hơn, khi đến với chủ đề vì sao lại thế, bạn sẽ có cơ hội tham gia những trò chơi vô cùng thú vị và tự tay thực hiện các thí nghiệm khoa học, vậy lý. Ngoài ra, tại ExploraScience còn có máy Tesla coil công suất lớn được các chuyên gia thiết kế, có thể giúp bạn tận mắt nhìn thấy những tia lửa điện. Hay chiếc lồng Faraday để bạn bước vào và cảm nhận sấm sét đánh xung quanh mà không hề hấn gì.
Ảnh: ExploraScience Quy Nhơn, Nguyễn Bá Tuyên, Nguyen Bear, TMA Solutions Bình Định, Travellive
Nếu muốn tận mắt quan sát các vì sao thật, bạn hãy đến trạm quan sát thiên văn phổ thông. Tại trạm, bạn sẽ được nhìn ngắm các vì sao trên bầu trời thông qua loại kính thiên văn quang học lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, có đường kính 60cm. Ngoài kính thiên văn chính, tại đây còn có các kính thiên văn phổ thông cũng như các máy móc hỗ trợ khác giúp quan sát các hành tinh của hệ Mặt trời và thiên hà rõ hơn.
Ảnh: ExploraScience Quy Nhơn, METASPACE
Bên cạnh đó, ExploraScience Quy Nhơn còn có những không gian khác như quán cà phê, thư viện khoa học cộng đồng, góc đọc sách hay cửa hàng bán đồ lưu niệm,… để bạn ngồi nấn ná lại thư giãn sau 1 chuyến khám phá. Vậy từ giờ khi đến Quy Nhơn, sau khi check-in với cảnh quan thiên nhiên xong, bạn có thể ghé qua ExploraScience để tìm hiểu thêm về những thứ xung quanh và học hỏi nhiều kiến thức bổ ích khác.
Tổ hợp không gian khoa học Quy Nhơn
Địa chỉ: Số 10, Đại lộ khoa học, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Thời gian tham quan:
– Đối với cá nhân: chỉ tham quan vào thứ 3 (sáng từ 8h30 – 11h, chiều từ 14h30 – 17h). Các bạn vào cửa tự do và không cần đăng ký trước.
– Đối với đoàn (từ 30 – 50 người): tham quan từ thứ 4 đến Chủ nhật (sáng từ 8h30 – 10h30, chiều từ 14h30 – 16h30). Khách đi theo đoàn sẽ có nhân viên hướng dẫn, nhưng cần đăng kí trước qua hệ thống ExploraScience.
Giá vé thăm quan: miễn phí
Thông tin các suất trình diễn tại ExploraScience hằng ngày
Trình diễn khoa học điện áp cao:
– Suất 1: 9h và 15h
– Suất 2: 10h và 16h
Chiếu phim khoa học trong phòng chiếu hình vũ trụ (79 ghế/ lượt):
– Suất 1: 9h và 15h
– Suất 2: 9h30 và 15h30
– Suất 3: 10h và 16h
– Suất 4: 10h30 và 16h30
Nguồn: toquoc.vn