Theo bác sĩ Trịnh Thị Kim Huệ, Khoa Thận nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM, dậy thì là tình trạng sinh lý bình thường, ở đó có phát triển tính sinh dục thứ phát, và có chuyển tiếp từ giai đoạn chưa trưởng thành sinh dục sang trưởng thành sinh dục.
Tuy nhiên, đối với dậy thì sớm hoặc muộn, đó lại là bệnh lý cần được quan tâm, đặc biệt là dậy thì sớm. Trong giai đoạn dậy thì, nếu việc phát triển các hệ thống như ngực, lông, mụn với bé gái trước 8 tuổi hoặc bé trai trước 9 tuổi, thì được xem là dậy thì sớm.
Các biểu hiện của dậy thì bao gồm: tuyến vú bắt đầu phát triển ở trẻ gái và tăng kích thước thể tích tinh hoàn ở trẻ trai. Ngoài ra có thể có các biểu hiện như: tăng vọt chiều cao, phát triển lông, mụn trứng cá, thay đổi tính khí, mùi cơ thể.
Tiến sĩ – bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết những yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm có thể kể đến đó là các chất gây rối loạn nội tiết (chất nhân tạo hoặc chất tự nhiên).
Trong đó, chất nhân tạo bao gồm chất DDT có trong thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật; chất BPA trong các sản phẩm nhựa (bình sữa, đồ chơi,…); chất làm dẻo trong đồ nhựa; hoá chất có hại trong dầu gội hoặc sữa tắm không đảm bảo chất lượng,…
Nhiều phụ huynh không để ý thành phần của các sản phẩm này, vô tình sử dụng cho con trong thời gian dài sẽ khiến con dễ bị dậy thì sớm.
Các sản phẩm có chứa nhiều estrogen nếu sử dụng trong thời gian dài cũng có thể gây rối loạn nội tiết. Tuy nhiên, hàm lượng sử dụng là bao nhiêu có thể gây thì sớm thì các nghiên cứu vẫn chưa chỉ ra rõ.
“Nếu các cha mẹ muốn sử dụng sản phẩm nào đó cho con, cũng chỉ nên dùng ngắt quãng, đó là nguyên tắc cơ bản“, BS Quỳnh lưu ý.
Ngoài ra, nguy cơ lớn nhất gây dậy thì sớm là béo phì, nguy cơ này đã được chứng mình rất rõ. Khi con bị béo phì, các mô mỡ sẽ tiết ra leptin, nếu nồng độ leptin cao, trẻ dễ bị dậy thì sớm hơn.
Có nhiều nguyên nhân gây ra dậy thì sớm ở trẻ. Ảnh minh họa.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, việc trẻ dậy thì sớm sẽ để lại một số hậu quả như chiều cao trẻ tăng vọt sớm nhưng cũng sẽ ngừng phát triển sớm hơn. Nếu không được can thiệp kịp thời, chiều cao của trẻ sẽ thấp hơn những trẻ dậy thì bình thường.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện đã chẩn đoán 694 trẻ dậy thì sớm, trong đó có 21 bé trai (tỷ lệ 3%) và 673 bé gái (tỷ lệ 97%) trong giai đoạn từ tháng 9/2017 đến tháng 4/2021. Dậy thì sớm ảnh hưởng đến trẻ gái nhiều hơn.
Dậy thì sớm có thể khiến trẻ thay đổi tính cách, cảm xúc, trong khi trẻ quá nhỏ để hiểu và đối phó với những thay đổi này. Trẻ cũng có thể bị trêu ghẹo hoặc bị bắt nạt ở trường vì trẻ khác với các bạn trong lớp. Điều trị sẽ trì hoãn hoặc giảm phát triển thể chất, điều đó góp phần làm giảm gánh nặng tâm lý cho trẻ.
Phòng tránh dậy thì sớm
Để phòng tránh những tác nhân kể trên, BS Quỳnh lưu ý, phụ huynh khi sử dụng vật dụng, đồ dùng gì cho trẻ nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng để tránh những hậu quả không đáng có.
Theo ThS Mai Thị Nguyệt, Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi đồng 2, dậy thì sớm không hẳn là vấn đề đáng lo ngại. Nếu các con dậy thì sớm vẫn vui vẻ, vẫn tự tin thì phụ huynh không nên lo lắng về vấn đề này.
“Thay vì lo lắng, phụ huynh nên tạo môi trường lành mạnh, tích cực cho con, từ đó các con cũng sẽ học và cảm nhận năng lượng tích cực mà quên đi vấn đề không đáng lo đó”, BS Nguyệt cho hay.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, để phòng tránh nguy cơ tăng số trẻ bị dậy thì sớm, mỗi phụ huynh hãy chú ý tới con mình hơn, cần dạy trẻ tự ý thức được việc theo dõi, chăm sóc bản thân. Khi thấy sự phát triển bất thường không nên ngại ngùng mà hãy tâm sự với bố mẹ, hoặc tham khảo ý kiến người lớn (bà, bác, dì, chị) ngay để có lời khuyên phù hợp. Bên cạnh đó, các phụ huynh cần thường xuyên quan tâm tới sự thay đổi của con em mình để phòng tránh các tác hại do việc dậy thì sớm gây nên.
Đồng thời, khi trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín kiểm tra hoặc thực hiện các xét nghiệm các hormone hướng dục để kiểm tra vấn đề dậy thì sớm ở trẻ.
Nguồn: toquoc.vn