Trong những năm gần đây, bệnh ung thư luôn được xếp vào những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới và tỷ lệ mắc cũng ngày càng gia tăng. Do vậy, nếu muốn phòng ngừa bệnh ung thư một cách có hiệu quả thì không chỉ cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt hợp lý mà còn cần kiểm soát tốt chế độ ăn uống hàng ngày!
Trong những qua, tỷ lệ mắc bệnh ung thư vẫn còn cao. Theo thống kê của Globocan (một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế – IARC) năm 2020, số ca mắc mới và tử vong do các bệnh ung thư đang có xu hướng tăng trên toàn thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Chương trình Chuyện khó có bác sĩ được tổ chức với sự tham gia của TS.BS Phạm Nguyên Quý, bác sĩ điều trị tại Khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Nhật Bản. Trong hơn 30 phút, bác sĩ đã giải đáp nhiều thắc mắc về bệnh ung thư. Trong đó, bác sĩ Quý có để cập tới 4 loại thực phẩm vốn bị cho là nguyên nhân gây ung thư nhưng thực tế không phải vậy.
Cơ thể con người được cấu tạo từ nhiều tế bào. Chỉ khi các tế bào này được duy trì sự tái tạo và sửa chữa bình thường thì các hoạt động sinh lý của cơ thể mới có thể hoàn thành. Nếu số lượng tế bào bình thường quá ít thì có thể sẽ tạo cơ hội cho các tế bào ung thư phát triển.
Trong thời gian gần đây, có những thông tin cho rằng một số món ăn quen thuộc là tác nhân gây ra ung thư. Điển hình trong số đó là dưa muối, mì tôm và đồ ngọt. Bác sĩ Phạm Nguyên Quý đã giải đáp những thắc mắc bấy lâu nay.
Lời đồn về 3 loại thực phẩm gây ung thư
1. Ăn dưa muối có làm tăng nguy cơ mắc ung thư không?
“Món dưa muối được tạo nên từ việc lên men lactic. Để làm món ăn này chúng ta phải bỏ muối. Trong khi đó có thông tin cho rằng ăn nhiều muối là nguyên nhân gây ra các loại ung thư ví dụ như ung thư dạ dày. Thế nhưng thực sự vẫn chưa có đủ nghiên cứu để khẳng định rằng các loại dưa muối mà chúng ta ăn hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư”.
Bác sĩ bổ sung: “Nguy cơ còn tùy thuộc vào liều lượng chúng ta ăn như thế nào…”.
2. Mì ăn liền có thể gây ung thư không?
Có thể nói đây là tin đồn làm cho rất nhiều người lo lắng. Theo bác sĩ, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ số lượng mì gói trên đầu người cao nhất thế giới. Đây là thông tin rất đáng lo ngại. “Tuy nhiên, câu chuyện mì ăn liền gây ung thư xuất phát từ mối quan ngại sử dụng chất bảo quản trong mì gói…
Trên thực tế chưa có nghiên cứu nào chỉ ra mối liên hệ giữa ăn mì gói và tỷ lệ mắc bệnh ung thư. Các hiệp hội về thực phẩm cũng ra các thông cáo rằng sử dụng các loại phụ gia đều được kiểm soát trong ngưỡng nhất định”, TS. BS Phạm Nguyên Quý cho biết.
Một lần nữa, bác sĩ nhấn mạnh việc kiểm soát liều lượng khi ăn. Tuy nhiên, bác sĩ Quý cũng khuyến cáo mọi người nên hạn chế việc ăn mì gói. Lý do là vì về mặt chuyển hóa, trong mì gói có chứa nhiều chất axit béo không tốt cho cơ thể. Nếu ăn thường xuyên sẽ khiến cơ thể thiếu chất và tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch, béo phì, cao huyết áp…
3. Ăn thực phẩm nhiều đường có thể gây ung thư là đúng hay sai?
Lời đồn đại này xuất phát từ kết quả của một số thí nghiệm ở trên tế bào động vật. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào ở trên cơ thể con người. Theo các hiệp hội chuyên ngành, chưa có nghiên cứu đáng tin cậy chứng minh cho lời đồn đại này.
Bác sĩ nhấn mạnh ăn đường ở mức bình thường thì không đáng ngại. Nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều đến mức mắc các bệnh về tiểu đường, tim mạch thì sẽ gây ra một số hậu quả đáng tiếc. Đặc biệt, với một số bệnh như tiểu đường, nếu mắc lâu ngày sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch. Điều này sẽ tạo điều kiện cho bênh ung thư dễ phát triển hơn.
TS. BS Phạm Nguyên Quý nhắc nhở, thay vì sợ vu vơ, chúng ta nên tìm hiểu lượng đường trong các loại thực phẩm nạp vào cơ thể và kiểm soát cân nặng của mình.
Hình minh họa. Ảnh: Eat this
5 điều nên làm để ngăn ngừa ung thư
Trong buổi chia sẻ, bác sĩ Quý đã chia sẻ 5 cách để giảm nguy cơ mắc ung thư từ 40 – 45%. Những lưu ý đó bao gồm:
– Bỏ thuốc lá, tránh xa khói thuốc lá;
– Cắt giảm/bỏ rượu bia;
– Thường xuyên vận động;
– Dinh dưỡng hợp lý;
– Duy trì cân nặng hợp lý.
Nguồn: toquoc.vn