Sóc Trăng, vùng đất miền Tây sông nước và cũng là địa phương có đông đảo đồng bào người Khmer sinh sống. Về thăm Sóc Trăng, bạn đừng quên ăn thử bún gỏi dà.
Nhìn tô bún cũng đơn giản hao hao tô hủ tiếu Nam Vang, tôi không ấn tượng gì lắm. Nhưng khi nếm thử rồi hì hụp chén sạch tô bún, thật khó diễn tả hết hương vị đậm đà, lạ miệng của món bún gỏi dà. Ấn tượng đầu tiên là nước lèo đậm vị tương đen như trong món gỏi cuốn. Cái ngọt của vị tương và thanh lừ của xương ống đã tạo ra một hương vị đặc trưng cho bún gỏi dà.
Cô bạn người Sóc Trăng kể, từ xưa, người địa phương hay ăn gỏi cuốn bằng cách xắt gỏi cuốn thành khoanh nhỏ, bỏ vào tô và chan tương đen lúp xúp để ăn bằng đũa, chứ không chấm như những nơi khác. Sau này, khi món ăn gỏi cuốn “truyền thống” ở Sóc Trăng như trên được biến tấu thêm bằng cách dùng xương ống để nấu nước lèo chan vào tô gỏi cuốn, thêm bún vào nữa, thì tên món ăn cũng thay đổi: gỏi cuốn và… “Và” ở đây có thể là rau, là bún, là nước lèo thêm vào. Người miền Tây phát âm chữ “và” thành “dà”… Vậy là món bún gỏi dà cứ thế mà thành.
Bún gỏi dà không khó làm, bí quyết nằm ở cách dùng tương và me chua. Có hai loại tương được dùng để chế biến là tương hột và tương đen. Nguyên liệu chính là xương ống để nấu nước lèo… Sau đó, hỗn hợp tương, me được thêm vào để thành nồi nước lèo hoàn chỉnh. Tỷ lệ tương, me bao nhiêu cho ngon là bí kíp, là kinh nghiệm và cũng là trải nghiệm riêng mỗi người.
Bún gỏi dà không ăn kèm rau sống. Những lá quế sẽ được cho vào tô khi sẵn sàng để ăn. Thực khách hầu như chẳng cần nêm nếm gì thêm, ngoại trừ chút ớt cay tùy khẩu vị mỗi người. Đó là cách tô bún gỏi dà làm ngạc nhiên người thưởng thức, với vị đậm đà của tương, vị chua chua của me, vị ngọt lừ của xương ống, và sau tất cả là cảm giác the the lan tỏa trong vòm họng từ những lá quế thơm nồng…
Nguồn: thanhnien.vn