(Tổ Quốc) – Đồng Lan cho rằng, việc sang Pháp du học là chuyến xê dịch xứng đáng bởi vì nữ ca sĩ không theo đuổi danh tiếng mà theo đuổi một cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Vài năm nay, Đồng Lan không ở Việt Nam. Cô đang du học chuyên ngành nhạc jazz ở Paris, Pháp. Lý do đi du học khi tên tuổi và sự nghiệp đều đang như bông hoa nở rộ với Đồng Lan đơn giản là vì cô thấy mình thật xấu xí nếu… không vận động, không phát triển.
Sau gần 3 năm ở Pháp, Đồng Lan trưởng thành hơn, cả trong âm nhạc lẫn thế giới quan sống. Với cô, đó là chuyến xê dịch xứng đáng bởi vì Đồng Lan không theo đuổi danh tiếng mà theo đuổi một cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Dù đang du học ở Pháp nhưng Đồng Lan vẫn đều đặn đi show tại Pháp và nhiều nước khác.
Ở đây không ai biết tôi…
Chào Đồng Lan. Sau gần 3 năm du học trên đất Pháp, cuộc sống của bạn thế nào, có khác biệt gì nhiều so với lúc ở Việt Nam không?
Gần 3 năm bên Pháp đã khiến Đồng Lan từ một cô gái mơ mộng, kiếm tìm tự do thành một cô gái thực sự tự do và tiếp tục những mơ mộng khác (cười).
Trước những khuôn khổ, tôi thường muốn nổi loạn. Trước những khung trời tự do, tôi lại muốn đơn giản và yên ắng hơn vì bản thân đã là một bản thể khác biệt khi cứ là chính mình, cứ làm điều mình yêu thích, không sợ những phán xét ăn mặc, đi đứng, phát ngôn.
Ảnh trong bài do NVCC.
Ở Việt Nam, Đồng Lan được nhiều người biết đến, còn ở Pháp thì sao?
Thời gian đầu, tôi thường bay show ở Mỹ nên phải bỏ học cũng kha khá. Đại dịch ập tới, tôi có nhiều thời gian cho trường lớp hơn. Một trong những lý do khiến tôi thấy tự do hơn vì ở đây không ai biết tôi, ngoài cộng đồng người Việt.
Tôi là kẻ thường chọn bàn trong góc mỗi khi tới quán cafe nên ngoài lúc trên sân khấu ra, tôi luôn muốn là người tàng hình để có thể quan sát thế giới trong yên tĩnh.
Khi các hoạt động nghệ thuật bắt đầu mở lại, tôi cũng bắt đầu nhận hát lại tại Đức, Bỉ, Hy Lạp… và đặc biệt có một hợp tác rất thú vị, dự án âm nhạc giữa học sinh tỉnh Poitiers của Pháp và Huế – Việt Nam.
Tôi và nghệ sĩ nổi tiếng của Pháp có 1/4 dòng máu Việt – Malik Djoudi cùng sáng tác và làm sản phẩm âm nhạc kết nối giữa hai nền văn hoá. Tôi luôn hạnh phúc nhiều hơn khi làm việc cùng các em học sinh. Dự án làm tôi thấy mình có ý nghĩa hơn. Chúng tôi dự kiến sẽ về Huế làm việc trong năm nay. Dự án được sự quan tâm của báo chí Pháp.
Mơ ước mở trường cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Khi sang Pháp, có điều gì làm Lan hụt hẫng không?
Ai cũng nói người Pháp lịch thiệp, lãng mạn nhưng Paris là một thành phố đông đúc, nhiều thành phần đến từ nhiều nước khác nhau. Không phải người Paris nào cũng hạnh phúc, lịch lãm, nhất là phải sống trong không gian nhỏ hẹp, đặc biệt với đại dịch cả gia đình phải chia nhỏ không gian.
Tôi đồ rằng, có những gia đình gắn kết hơn sau đại dịch vì có thời gian dành cho nhau nhiều hơn nhưng cũng sẽ có những cuộc cãi vã, chia tay (cười).
Một lần, tôi tập hát cho kỳ thi tại nhà, tất nhiên trong khung giờ cho phép thì nghe một giọng nam trẻ ở toà nhà bên cạnh hét lên “im đi! cô có biết là tôi đang ôn thi không”? Tôi tự nhủ mình cũng đang ôn thi mà và lắc đầu ngán ngẩm.
Lần 2, tôi quay video một trường ca về tình yêu trong công viên gần nhà, cũng nghe một giọng nam, có vẻ say rượu, ở toà nhà kế bên hét lên “im đi”!
Có lẽ cuộc sống đôi khi quá khó khăn, áp lực khiến người ta không thể thưởng thức ngay cả một bản tình ca Pháp bất hủ. Tôi thông cảm cho những vội vã đời thường trong những căn hộ chật hẹp khiến người ta khó có thể cân bằng và hạnh phúc. Những lúc ấy tôi nhớ Việt Nam vô cùng.
Đồng Lan lúc nào cũng mơ mộng và hồn nhiên như đứa trẻ nhưng nếu tính về tuổi thì… tôi hỏi thật, đi học ở tuổi này có điều gì làm khó bạn?
Tôi từng ước, mình được lớn lên trong môi trường âm nhạc nghệ thuật phong phú từ bé. Tôi không may mắn có điều kiện để học nghệ thuật từ bé nên tới khi có chút thành công trong sự nghiệp thì tự thưởng cho mình quay lại thời cắp sách tới trường.
Nó ngược đời và gặp phải nhiều khó khăn nhưng lợi thế cũng có vì đã hoàn toàn biết được mình muốn gì nên tiết kiệm thời gian, tập trung những môn hữu ích hơn.
Các bạn trẻ ở trường, khoảng 20 tuổi mà đã chơi nhạc mười mấy năm nên có thể kinh nghiệm sống và sân khấu thua mình nhưng kiến thức âm nhạc và kỹ năng chơi nhạc rất tốt. Âm nhạc như là một ngôn ngữ vậy, học càng sớm càng lĩnh hội vô cùng thuận lợi.
Vừa khó khăn tuổi tác cộng với ngôn ngữ và môi trường sống, cách sinh hoạt, văn hoá, suy nghĩ hoàn toàn khác ở Việt Nam thêm đại dịch covid… Có những lúc, tôi cảm thấy bất lực, thả người xuống sofa khóc tướng lên. Và sau đó thì lại phải cảm ơn nghị lực, sự dẻo dai, lì lợm và tinh thần tích cực của người Việt trong máu đã giúp tôi tiếp tục thử thách bản thân.
Tôi cũng có ước mơ, sau này sẽ mở một trường nghệ thuật cho trẻ em có tài năng nhưng hoàn cảnh khó khăn. Tôi tin những đứa trẻ có duy mĩ sẽ không làm việc ác. Những đứa trẻ sáng tạo sẽ dẫn dắt tương lai. Một đất nước có nền văn hoá nghệ thuật phát triển chắc chắn đất nước đó văn minh.
Tôi mong chờ những đổi mới cho âm nhạc Việt
Sau khi đi qua đại dịch Covid, chứng kiến những mất mát của loài người, của xã hội, có điều gì trong Lan thay đổi?
Tôi tập yoga nhiều hơn, tìm hiểu về thiền, quan tâm lắng nghe thế giới trong mình nhiều hơn. Dạo đó mỗi khi 8 giờ tối, mọi người lại ra ban công đồng loạt vỗ tay để cổ vũ những “chiến sĩ” tuyến đầu ngày đêm chiến đấu cùng bệnh nhân Covid. Tôi đã thu lại âm thanh đó và để trong một ca khúc Paris paradis bleu (Paris – thiên đường màu xanh).
Có những đêm tôi ngồi thiền trong tĩnh lặng và dường như, thấy mình hoà vào không gian, thấy mình đang không tồn tại, thấy mình trộn lẫn trong vũ trụ rộng lớn này. Tôi thấy tôi không tồn tại nhưng tôi đang tồn tại trong tất cả.
Ở nước ngoài, Lan có theo dõi thị trường nhạc Việt không? Khi đứng ở xa và có cái nhìn bao quát về thị trường âm nhạc trong nước, Lan thấy thị trường nhạc Việt thế nào?
Tôi bận học túi bụi, học về jazz nên nghe nhạc quốc tế nhiều hơn, cũng không theo dõi thường xuyên âm nhạc nước nhà nhưng thấy các bạn trẻ bắt đầu có những xu hướng âm nhạc văn minh hơn, sáng tác và chơi nhạc, hát… đa năng, cá tính và tự tin hơn.
Tôi mong chờ những đổi mới cho âm nhạc Việt. Tôi luôn muốn tin vào thế hệ trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều luồng thông tin, nghệ thuật phong phú, sẽ mạnh mẽ đưa giấc mơ nghệ thuật vươn ra khỏi những khuôn khổ, ranh giới quốc gia. Âm nhạc luôn cần và sẵn sàng tung bay tự do.
Lan có lo ngại vài năm nữa, khi quay về, mình sẽ bị “ở ngoài rìa” với go âm nhạc của khán giả trong nước và khó “hội nhập” sau vài năm xa cách?
Tôi không sợ, tôi rèn luyện để ngày càng ít sợ hãi. Ta mạnh mẽ nhất khi ta chẳng sợ gì cả. Bản năng Việt vẫn luôn chảy trong tôi, chắc chắn tôi phải hiểu con người Việt Nam nhất và biết cách chia sẻ kết nối tốt nhất.
Dù đi đâu tôi vẫn luôn “chảy nước miếng” khi nghĩ tới đĩa bún đậu mắm tôm quê nhà. Dù ở đâu tôi vẫn là một cô gái Việt nhỏ bé mang theo lời ru bao la của mẹ trong tim. Vậy thì, có gì phải lo sợ?!
Cảm ơn Đồng Lan đã chia sẻ!
Nguồn: toquoc.vn