“Hiện nay chúng ta hỏi ý kiến rất nhiều, chúng tôi cũng phải trả lời các sở khác. Việc này rất mất thời gian”, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ nói về quy trình nội bộ giữa các sở, ngành.
Sáng 4.8, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế – xã hội tháng 7, và triển khai nhiệm vụ tháng 8 năm 2022.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá tỷ lệ giải ngân đầu tư công đến hết tháng 7 mới chỉ được 26% là rất thấp, đồng thời đề nghị phải phân tích, đưa ra giải pháp khắc phục. “Đầu tư công chậm sẽ không dẫn dắt được kinh tế xã hội. Thủ tục hành chính, giải ngân đầu tư công, công tác quy hoạch là những vấn đề cần bàn giải pháp”, ông Mãi định hướng.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết các dự án, công trình trọng điểm về giao thông, cấp thoát nước, cải thiện môi trường đều chậm, khâu vướng lớn nhất là giải phóng mặt bằng chưa có chuyển biến dù vốn đã được bố trí.
Đối với các dự án PPP phải tạm dừng sau các kết luận thanh tra, kiểm toán, ông Lâm cho rằng cần tập trung tháo gỡ, nói rõ với nhà đầu tư để cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời, cần xây dựng quy trình để giải quyết những dự án cũ cũng như xúc tiến đầu tư các dự án mới.
Phiên họp kinh tế xã hội thường kỳ do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì |
Một vấn đề khác mà ông Lâm cho rằng cần tháo gỡ đó là quy trình nội bộ, phối hợp giữa các sở, ngành dù quy trình cải cách hành chính, công nghệ hiện đã có đầy đủ.
“Chất lượng tham gia ý kiến cần phải nâng lên, chứ hiện nay có tình trạng sở ngành trả lời xong vẫn rất khó để tham mưu UBND TP.HCM”, ông Lâm đề nghị để không phải quay đi quay lại hỏi ý kiến.
Tương tự, Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ cũng cho rằng muốn giải quyết nhanh hồ sơ thì cần tăng trách nhiệm của các sở chuyên ngành. “Hiện nay chúng ta hỏi ý kiến rất nhiều, chúng tôi cũng phải trả lời các sở khác. Việc này rất mất thời gian”, ông Vũ nói, đồng thời đề xuất Thường trực UBND TP.HCM cho chủ trương một lần rồi thực hiện.
Giám đốc Sở Công thương cũng cho biết dù ngân sách đã được giao nhưng không có chủ trương thì không thể sử dụng, không triển khai được. Chưa kể, khi hỏi ý kiến các sở ngành khác mà chậm trả lời cũng không làm được.
“TP.HCM đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thì hồ sơ phải giải quyết nhanh và kịp thời. Trong quy trình xử lý nội bộ phải chuẩn bị tương thích với chủ trương để đáp ứng yêu cầu của người dân”, ông Vũ nói về việc ứng dụng công nghệ trong giải quyết hồ sơ.
Nguồn: thanhnien.vn