Các nhận định, phân tích tại hội nghị sơ kết công táccải cách hành chính (CCHC) 6 tháng đầu năm 2022 hôm qua (12.8) đã phần nào lý giải tình trạng chỉ số CCHC của TP.HCM ngày càng xa nhóm dẫn đầu.
Nhiều năm qua, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của TP.HCM ngày càng rời xa nhóm dẫn đầu, như năm 2021 xếp thứ 43 trong số 63 địa phương, tụt 20 bậc so với năm 2020. Trong quý 1/2022, TP.HCM đã giải quyết hơn 5,2 triệu hồ sơ, tỷ lệ đúng hạn chiếm 99,87% (tăng so với cùng kỳ năm 2021), chỉ có 7.149 hồ sơ trễ hẹn.
TP.HCM dẫn đầu về tỷ lệ người dân phản ánh sự chậm trễ, thái độ ứng xử của công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) (thuộc Văn phòng Chính phủ), cho rằng tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn của TP.HCM lớn hơn nhiều.
Cụ thể, ông Hoàng dẫn chứng trong 11.000 hồ sơ được đưa lên hệ thống một cửa điện tử mà Thủ tướng theo dõi thì chỉ có 63% hồ sơ đúng hạn. Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này, ông Hoàng chỉ ra việc hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP.HCM làm rất chậm và manh mún. Theo yêu cầu của Chính phủ, việc đưa hệ thống này vào vận hành thực hiện từ năm 2018 – 2019, nhưng TP.HCM đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Bên cạnh đó, việc đưa các TTHC lên giải quyết trực tuyến của TP.HCM cũng chậm và thiếu kết nối. Hiện TP.HCM có khoảng 800 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) nhưng chỉ có khoảng 22 dịch vụ kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ông Hoàng dẫn chứng hiện đa số địa phương đã xây dựng DCVTT liên thông trong việc thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai và thuế, nhưng TP.HCM chưa làm được. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, thủ tục này phải mất 28 ngày nhưng khi liên thông thanh toán trực tuyến thì chỉ còn khoảng 30 phút – 1 giờ.
Ngoài ra, TP.HCM cũng là địa phương dẫn đầu về việc người dân phản ánh sự chậm trễ, thái độ ứng xử của công chức, viên chức trong giải quyết TTHC, khi chiếm tới 20% tổng số phản ánh, kiến nghị của cả nước. Dù vậy, việc xử lý các phản ánh kiến nghị cũng rất chậm, khiến người dân bức xúc.
Theo Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng, dự kiến trong tháng 10.2022, cổng dịch vụ công của TP.HCM sẽ chính thức vận hành, cung cấp thêm 403 DVCTT đối với các thủ tục điều kiện và 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhìn nhận công tác CCHC của TP.HCM dù có nỗ lực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, sự mong mỏi của người dân và doanh nghiệp. Do vậy, các sở ngành, quận huyện phải nhìn thẳng vào những hạn chế để tìm giải pháp khắc phục, chứ không tìm cách giải thích do TP lớn, hay do khối lượng công việc nhiều. “Nếu đã trì trệ thì kéo lên rất khó, nhưng đã thông suốt rồi thì sự phát triển của TP sẽ rất tốt”, ông Mãi nhìn nhận.
Về chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức, ông Mãi nói rằng chưa cần nhìn vào điểm số, mà chỉ cần đặt câu hỏi ngay tại hội nghị rằng “các giám đốc có thật sự hài lòng với nhau chưa, bao nhiêu sở không hài lòng với Sở KH-ĐT, Sở TN-MT, Sở QH-KT; bao nhiêu huyện không hài lòng với sở, bao nhiêu sở không hài lòng với huyện”.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, việc nêu đích danh từng sở không phải là phê bình, mà dẫn chứng cho câu chuyện nội bộ giữa các sở ngành còn chưa hài lòng về khi giải quyết công việc. Sắp tới, lãnh đạo TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị cho các sở ngành “chỉ trích” nhau để thấy được những vấn đề tồn tại và tập trung giải quyết.
Nguồn: thanhnien.vn