Monday, September 9, 2024

Ngành công nghiệp bán dẫn Malaysia hưởng lợi từ đạo luật mới của Mỹ



Ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành đạo luật mới về chip. Điều này tác động lớn đến ngành sản xuất chất bán dẫn của nhiều quốc gia.

Ngành công nghiệp bán dẫn Malaysia hưởng lợi từ đạo luật mới của Mỹ

 

Ngành công nghiệp bán dẫn của Malaysia dự kiến sẽ được hưởng lợi nhờ Đạo luật “Chip và Khoa học” của Mỹ được Tổng thống Joe Biden ký hôm 9/8 vừa qua nhằm thực hiện cam kết của chính phủ liên bang tài trợ hơn 280 tỷ USD cho lĩnh vực này tại Mỹ, trong đó dành 52,7 tỷ USD hỗ trợ sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn.

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Malaysia (MSIA) Datuk Seri Wong Siew Hai cho rằng, với đạo luật trên, Mỹ dự kiến sẽ xây dựng các nhà máy chế tạo chip hiện đại với quy trình công nghệ từ 7 nanomet trở xuống. Việc xây dựng thêm các nhà máy hàng đầu như vậy sẽ đòi hỏi Mỹ phải có thêm nhiều dịch vụ lắp ráp và thử nghiệm do công suất hiện tại sẽ không đủ để đáp ứng công suất chế tạo chip mới. Từ góc độ đó, Malaysia sẽ được hưởng lợi do là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn và cạnh tranh nhất so với các nước Đông Nam Á khác.

Chia sẻ với báo giới, ông Wong Siew Hai cho biết, Malasyia có 50 năm kinh nghiệm trong ngành này, cùng với các yếu tố chính phủ thân thiện với doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng tốt và nhân tài, cũng như lực lượng lao động có khả năng sử dụng tiếng Anh. Ông cũng bác bỏ những lo ngại đạo luật trên có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành chế tạo chip của Malaysia, nêu rõ hiện Malaysia không có các nhà máy tân tiến để có thể cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Cũng theo ông Wong Siew Hai, thay vì liên tục tập trung vào các công nghệ lắp ráp và thử nghiệm cũng như các lĩnh vực thiết bị và giải pháp tự động hóa, chính phủ nên nỗ lực thu hút nhiều khoản đầu tư lớn hơn vào Malaysia do hiện nay nhiều công ty đã bắt đầu thiết kế mạch tích hợp. Tuy nhiên, khi đề cập khả năng cạnh tranh, ông Wong Siew Hai bày tỏ lo ngại về việc cải cách thuế tối thiểu toàn cầu 15%, dự kiến sẽ được thực hiện trên toàn cầu vào năm 2023 nhằm đảm bảo các công ty đa quốc gia (MNCs) nộp đúng số thuế mà không tính đến địa điểm hoạt động. Ông cho biết, Malaysia mới đây đã đồng ý về nguyên tắc thực hiện chế độ thuế này đối với một số MNC. Điều này sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với Malaysia trong thu hút đầu tư nước ngoài khi mọi quốc gia đều đưa ra mức thuế doanh nghiệp 15%.

Trích dẫn dự báo về thị trường công nghiệp, ông cho rằng, trong tương lai tổng doanh số bán dẫn toàn cầu dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm 7,1% trong 5 năm tới. Điều này có thể được thúc đẩy nhờ nhu cầu cao hơn từ các ngành như ô tô, điện toán đám mây, công nghệ 5G, hàng không vũ trụ, thiết bị y tế và trí tuệ nhân tạo.

Ngành công nghiệp bán dẫn đóng góp khoảng 6,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia và sử dụng khoảng 575.000 công nhân. Trên quy mô toàn cầu, Malaysia chiếm 7% thương mại chất bán dẫn và 13% thị trường kiểm tra, đóng gói và thử nghiệm chất bán dẫn. Đây cũng là nước xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ bảy thế giới.

Trước tác động của đại dịch COVID-19, quốc gia đã phải gồng mình để chống lại sự đứt gẫy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Malaysia, các biện pháp hạn chế để phòng dịch đã làm giảm sản lượng chất bán dẫn của Malaysia từ 15 – 40%.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Tình thương của mẹ hổ
Truy Tìm Bằng Chứng 2
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi