Mới đặt chân tới Hà Nội vỏn vẹn 3 ngày, Lawrence Haywood đã nghĩ đây là một trong những thành phố thú vị nhất mình từng đến – để rồi chuyến du lịch bụi năm nào trở thành một hành trình gắn bó. Sáu năm sống và làm việc tại Hà Nội, chàng thanh niên Anh Quốc đã “miệt mài” trải nghiệm thủ đô của Việt Nam một cách thực thụ (theo định nghĩa của riêng anh). Dưới đây là câu chuyện của Lawrence về tình yêu mà anh dành cho một Hà Nội đầy hoài niệm, về lý do khiến anh chọn sống ở khu tập thể kiểu cũ – nơi mà vào thế kỷ trước – đã từng là ký ức, niềm thương của rất nhiều người dân Hà Nội.
Lựa chọn đầu tiên của tôi ở Việt Nam là một trong những quyết định tuyệt vời nhất tôi từng có trong đời.
Khi đó là tháng 12/2016, tôi đang ngồi trong một nhà nghỉ (hostel) dành cho khách du lịch bụi trong khu Phố Cổ Hà Nội. Giống như rất nhiều cơ sở lưu trú tương tự, nhà nghỉ này cũng nằm trong một con ngõ nhỏ và khiến tôi liên tưởng đến một mảnh ghép trong bức tranh ghép hình còn dang dở: Ở nơi này, lúc 2 giờ chiều cũng khiến người ta có cảm giác như thể nửa đêm, vì trần nhà bê tông và mớ dây cáp dày chằng chịt như rễ cây đã chắn ánh mặt trời.
Lúc đó tôi đang lướt điện thoại trong trạng thái mệt mỏi sau 4 năm “xê dịch”, mong muốn kiếm tìm một căn nhà cho thuê lâu dài ở thủ đô của Việt Nam.
Chỉ 3 ngày sau khi đặt chân tới đây, tôi đã quyết định rằng Hà Nội là một trong những thành phố thú vị nhất trong số những nơi tôi từng đến. Hà Nội là nơi đầy tiềm năng, và tôi vô cùng hào hứng khi nghĩ đến việc bắt đầu hành trình mới của mình tại thành phố này.
Ngón tay tôi lướt trên màn hình điện thoại, một loạt ngôi nhà cho thuê hiện ra trước mắt. Ban đầu, tôi rất ngạc nhiên khi thấy những căn hộ sáng sủa, sạch sẽ: những căn phòng rộng lớn, tràn ngập ánh sáng, sàn nhà lát đá cẩm thạch, ban công hướng ra một hồ nước khổng lồ, với những bức tường trắng không tì vết và những món đồ nội thất kiểu châu Âu hào nhoáng.
Tôi nhòm qua cánh cửa sổ đang đóng kín của phòng mình. Bức tường đối diện của con ngõ chỉ cách tôi có vài bước chân. Nhưng ngoại trừ lớp thạch cao màu xám đang bong tróc và những tờ quảng cáo với dòng chữ “khoan cắt bê tông”, mọi thứ khác xung quanh đều tối đen như mực – đó là bữa tiệc sắc màu mà khi ấy mắt tôi không thể nhìn thấy, một thế giới khác xa những thứ đang hiển thị trên màn hình điện thoại của tôi.
Rồi thì tôi cũng lướt đủ xa đến mẩu tin quảng cáo về một ngôi biệt thự cổ từ thời Pháp thuộc, nằm khuất sâu trong những con ngõ của phố Ngọc Hà. Đó là một ngôi nhà cổ 5 phòng ngủ có nhiều rêu mốc – mà tôi đoán là nó có mùi ẩm thấp giống như vẻ ngoài – một thứ “mùi hương của Hà Nội cổ”.
Cuối cùng, tôi đã sống 3 năm trong căn biệt thự cổ này cùng với những người bạn nước ngoài khác, những người cũng muốn trải nghiệm một Hà Nội thực thụ giống như tôi. Tôi biết rằng đối với hầu hết người Hà Nội, một căn biệt thự cổ của Pháp không phải là “hương vị” thực sự của thủ đô. Nhưng đối với một người nước ngoài vừa chân ướt chân ráo bước xuống từ máy bay, thì đó chính là điều chúng tôi đã nghĩ.
Và đó chính là một trong những quyết định đúng đắn nhất trong đời. Suốt những năm tháng sinh sống trong căn biệt thự Pháp cổ đó, tôi đã ươm mầm và nuôi dưỡng tình yêu mãnh liệt đối với “Hà Nội cổ”.
Cảm giác được sống trong một ngôi nhà cổ tại một thành phố có bề dày lịch sử thực sự là điều “gây nghiện”, và điều đó đã khơi dậy trong tôi tình yêu đối với kiến trúc cổ điển của Việt Nam – thứ tình yêu đã gắn bó với tôi trong suốt 6 năm ở thành phố xinh đẹp và phong phú này.
Trong những năm tháng ấy, nhiều dịp cuối tuần tôi thích “đi lạc” đến những nơi ngẫu nhiên trong thành phố cùng chiếc máy ảnh của mình. Tôi không xem trước đường đi, mà chỉ dạo bước theo bất kỳ hướng nào mà đôi chân tôi dẫn lối, trong khi đôi mắt tôi tập trung nhìn ngắm hơi thở cuộc sống ở ven đường, ven hồ và trong các con ngõ của Hà Nội.
Tôi vẫn còn nhớ rằng trong những chuyến “đi lạc” đầu tiên ấy, tôi đã tình cờ đến Giảng Võ. Tôi đã ngay lập tức bị nơi này “hút hồn”. Tôi đã đi dạo hàng giờ trong khu Giảng Võ chỉ để chụp ảnh hồ nước, vườn hoa, và khoảng sân dưới khu tập thể – nơi mọi người cùng ăn, uống và cười đùa.
Tôi đã chụp rất nhiều ảnh để ghi lại vẻ đẹp bên ngoài các khu tập thể, nhưng chính những ngôi nhà tập thể ở Giảng Võ mới “ngốn” nhiều film của tôi nhất. Đó là một trong những lần đầu tiên tôi được ngắm nhìn một khu tập thể ở khoảng cách gần đến thế, và tôi đã tự nhủ trong đầu rằng những khu nhà này đẹp đến khó tin.
Cho đến tận ngày hôm nay, tôi vẫn không thể lí giải một cách cụ thể rằng chính xác tôi yêu thích điều gì ở các khu tập thể. Tôi cho rằng lý do lớn nhất có thể là cảm giác hoài cổ mà chúng mang lại – thứ cảm giác thực sự có thể thu hút bất cứ ai, ngay cả khi họ chưa từng trải qua thời quá khứ ấy.
Tôi từng ngắm những khu tập thể cũ kỹ, ngả rêu phong, và có cảm giác như thể tôi đã sống cả cuộc đời ở đó, mặc dù thực tế là khi ấy tôi thậm chí còn chưa từng bước chân vào một căn hộ tập thể nào.
Đối với tôi, các khu tập thể thực sự là những không gian cộng đồng đong đầy tình yêu thương. Vẻ ngoài cũ kỹ của chúng là minh chứng cho các thế hệ gia đình đã cùng nhau trưởng thành và già đi, cho sự sẻ chia của hàng xóm, cho những câu chuyện, và những vết sẹo của thời gian.
Tôi từng chụp tấm hình mờ ảo của khu D1 Giảng Võ – dãy nhà tập thể lớn hướng ra mặt đường Trần Huy Liệu. Tôi nhớ lúc ấy mình đã nhìn khu nhà ấy một hồi lâu, và tưởng tượng về một cuộc sống ở trong đó.
5 năm sau, tôi lại chụp một tấm ảnh khác của khu D1. Lần này tôi không cần phải tưởng tượng nữa, bởi tôi đang sống trong một khu tập thể khác ở ngay gần đó.
Khu D6 Trần Huy Liệu là nhà của tôi trong suốt 2 năm qua, và kiến trúc của nơi này thực sự rất đẹp. Nơi đây có những bức tường sơn màu vàng nhạt và màu xanh lá rực rỡ như mọi khu tập thể khác ở Hà Nội. Nói thực lòng thì tôi không thể nghĩ ra nơi nào khác phù hợp với mình hơn thế.
Sống trong khu tập thể, tôi cảm thấy một nỗi hoài niệm về cuộc đời tôi chưa từng trải qua, và đôi lúc tôi cũng nhớ về những tháng ngày sống trong ngôi nhà thuê đầu tiên của tôi ở Hà Nội.
Căn nhà tập thể ở khu D6 Giảng Võ cũng giống căn biệt thự Pháp cổ ở Ngọc Hà, thi thoảng những mảng sơn tường nhỏ lại bong tróc, rơi lên tóc người yêu tôi, còn sàn nhà thì biến thành sân trượt băng vào mỗi mùa nồm ẩm.
Dòng chảy lịch sử thấm đẫm trong những bức tường của cả hai nơi tôi từng sống, và cả hai nơi đều âm thầm toát ra sự bình yên tuyệt vời.
Quả là một niềm vui và đặc ân khi tôi có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống ở Hà Nội giống như những người hàng xóm của mình. Đúng là hệ thống thoát nước của chúng tôi vẫn có khi tắc nghẽn, và trần nhà thì lấm tấm mốc xanh, nhưng tôi tin rằng đó là trải nghiệm văn hóa thực thụ mà khi sống ở Việt Nam, tôi không thể đòi hỏi nhiều hơn thế.
Có lẽ tôi là người nước ngoài duy nhất ở khu D6 này. Mọi người gọi tôi là “Tây”, còn những đứa trẻ cùng tầng hay chào tôi là “Hello, Teacher!” (Xin chào, thầy giáo!).
Thú thực là tôi không sống trong một căn nhà tập thể “điển hình”. Tôi và bạn gái thuê căn hộ này qua AirBnB, và nó đã được làm mới, cải tạo. Căn hộ được bài trí theo phong cách boho [phong cách lấy cảm hứng từ dân du mục – ND], với cây cảnh trong nhà và rất nhiều đồ đạc hiện đại.
Mặc dù không gian sống của tôi có thể không giống như các nhà hàng xóm, nhưng “điểm chung” giữa chúng tôi là khoảng sân chung bên ngoài khu D6.
Khoảng sân ấy đã thu hút tôi ngay từ ngày đầu tiên chuyển đến khu tập thể này. Trong tất cả những nơi mọi người tụ tập ở Việt Nam, tôi nghĩ các khoảng sân của khu tập thể là một trong những nơi sống động và gần gũi nhất.
Khoảng sân của chúng tôi chỉ dài khoảng 80m, nhưng hiện tại có 3 quán cà phê, 2 quán trà đá vỉa hè, một chị bán ốc, một chị bán bánh mì, 3 quán ăn và một quán net đang hoạt động ở đây. Sở dĩ tôi dùng từ “hiện tại” là bởi trong 2 năm sống ở đây, có lẽ tôi đã chứng kiến đến 20 chủ hàng quán khác đến và đi tại khoảng sân này.
Nơi đây vừa là minh chứng cho tinh thần khởi nghiệp của người Việt Nam, vừa cho thấy khả năng gắn kết cộng đồng của các khu tập thể.
Đó có thể là điều tôi yêu thích nhất khi sống trong một khu tập thể – không phải là thứ ở bên trong, mà là bầu không khí sảng khoái ở bên ngoài – bầu không khí bao trùm mỗi khi tôi dắt chó đi dạo, hay khi tôi đi hẹn hò cà phê với người yêu.
Đối với tôi, Giảng Võ là một nơi đặc biệt, vì bầu không khí ấy có thể được cảm nhận ở khắp mọi nơi. Tôi không đếm xuể những nơi chúng tôi đã uống cà phê, ăn trưa, dạo bộ, và chụp ảnh để ghi lại vẻ đẹp ấy.
Và tôi vẫn tiếp tục thói quen của mình tại nhiều khu tập thể khác ở Hà Nội. Giống như trước đây, tôi vẫn dành những ngày cuối tuần lang thang khắp các ngõ hẻm của thành phố, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bức tường vàng, của hoa giấy hồng, hoa phượng đỏ và màu xanh của cây lá um tùm trên những chiếc ban công xiêu vẹo.
Nhiều người dân khu tập thể có thể thấy lạ khi tôi và những người nước ngoài khác thích chụp ảnh mấy ngôi nhà cũ kỹ. Có lẽ họ không hiểu rằng đối với chúng tôi, những tòa nhà cao tầng chọc trời không thể thú vị bằng nét duyên dáng, cổ kính của những thứ xưa cũ. Đối với những người nước ngoài như tôi, chính những câu chuyện và lịch sử phía sau mới làm nên nét cuốn hút của tòa nhà ấy.
Tôi thật may mắn khi được sống, làm việc và dạo chơi quanh những khu vực có tất cả những nét đẹp ấy. Từ những bữa trưa ở khu tập thể Thành Công, đến những bữa tối ở khu tập thể Kim Liên, tôi dường như luôn bị những khu nhà tập thể tường vàng nhỏ xinh của Hà Nội thu hút.
Có thể một phần lí do khiến tôi yêu thích những khu tập thể của Hà Nội đến vậy là bởi tôi cảm thấy quê hương của tôi, Vương Quốc Anh, đã mất đi “tính tập thể” trong những khu dân cư.
Vào thập niên 70-80, chúng tôi cũng từng có một dạng “cư xá” (nguyên văn: council flat) gần giống với khu tập thể của Việt Nam, mọi người trong khu đều quen biết nhau và vẫn ra ngoài đường vui chơi, sinh hoạt vì trên đường khá ít xe cộ qua lại. Đó là tuổi thơ của ba mẹ tôi, và tôi cũng có một phần tuổi thơ như vậy vào khoảng đầu thập niên 90.
Tôi vẫn nhớ lúc mình khoảng 6–7 tuổi, nếu muốn ra công viên chơi cùng bạn bè, tôi chỉ cần nói vọng vào trong nhà để báo với mẹ rằng “Con sẽ về sớm”. Nhưng giờ đây mọi người không ra đường chơi nữa, họ tìm đến những không gian cá nhân như nhà riêng, sân vườn, hoặc những không gian công cộng khép kín như bể bơi.
Tôi vẫn cảm nhận được “tính tập thể” trong khu nhà mình ở Giảng Võ. Vẫn là bầu không khí ấy. Những đứa trẻ trong khu nhà tôi vẫn vô tư chạy nhảy, rượt đuổi nhau trong hành lang và trong khoảng sân chung.
Trở lại với Anh, tôi từng sống trong nhà của ba mẹ ở Birmingham trước khi chuyển đến Việt Nam. Một ngôi nhà khá lớn, nhưng rất khác biệt so với nơi tôi đang sống ở Việt Nam, bởi ở Anh mọi người đều có không gian riêng tư. Ngay cả lối đi vào nhà cũng là không gian riêng tư. Nhiều ngôi nhà ở Anh có vườn và garage ô tô lớn, do đó họ phải có hàng rào bằng cây cao bao quanh nhà.
Có thể nói rằng không gian ở Anh không cởi mở như khu tập thể ở Việt Nam. Sống trong khu tập thể, tôi phải đi qua 5 nhà khác trước khi đến cầu thang, nghĩa là tôi đã ở trong không gian của họ. Nhưng người dân ở khu tập thể cũng thường thích để cửa mở và ngồi trong nhà tán gẫu với hàng xóm qua cửa sổ.
Lần cuối cùng tôi trở về Anh là từ 2 năm trước, và tôi đã rất ngạc nhiên trước sự đổi thay chóng mặt của quê hương.
Nơi từng là những quán cà phê, quán rượu và cửa hàng độc lập giờ đây trở thành chi nhánh của các chuỗi cửa hàng do những người giàu có sở hữu. Tôi có cảm giác những nơi này đã trở nên quá đỗi công nghiệp hóa và không còn gì đem lại cảm giác bất ngờ, cảm giác giống như thể trái tim của cộng đồng đã bị tước đi.
Khi ấy tôi chỉ định về Anh ít ngày, nhưng cuối cùng chuyến đi đã kéo dài tận 9 tháng vì tôi phải chờ dịch Covid-19 lắng xuống. Vào thời điểm đó, khu nhà tôi cũng phải “giãn cách xã hội” – nghĩa là những người hàng xóm của tôi phải đứng từ ban công, hoặc từ khu vườn trước nhà mỗi người để nói chuyện với nhau.
Khi ấy tôi đã rất thắc mắc rằng những người dân khu tập thể ở Hà Nội làm cách nào để giao tiếp với nhau trong không gian chung chật chội ấy mà vẫn giữ được khoảng cách.
Sau đó, tôi đã có câu trả lời cho chính mình. Khi tôi trở lại Việt Nam, thì Covid cũng vậy, và sau nhiều tuần cách ly, khu tập thể của chúng tôi đã tổ chức xét nghiệm cộng đồng, nơi những người hàng xóm trong khu đã gặp lại nhau và cùng cười đùa… như chưa từng bị Covid chia ly.
Vài ngày sau, một số người đã mang rất nhiều rau củ ra ngoài sân và kêu gọi mọi người trong khu hãy đến lấy bất cứ thứ gì mình cần – Mọi thứ đều miễn phí! Chính tinh thần tương thân tương ái này đã thôi thúc tôi đi một chuyến đến siêu thị gần đó để gom tất cả những gì có thể cho những người hàng xóm đang cần giúp đỡ, và sau đó mang đồ đến tận trước cửa nhà họ.
Nguồn: toquoc.vn