Được đánh giá có quá trình cấp visa dễ nhất nên nhiều du khách Việt Nam chọn Pháp là nơi để xin visa vào châu Âu (Schengen) thay vì nộp hồ sơ vào một quốc gia khác trong khối.
Hồi tháng 6.2022, chị Phương Lan (quận 1, TP.HCM) cùng nhóm phụ huynh có con học lớp 5 quyết định mua tour châu Âu, khởi hành vào giữa tháng 7. “Ban đầu, chúng tôi cũng lo lắng vì sợ rớt visa vì “lý lịch” du lịch nước ngoài của chúng tôi không “dày”, có người còn “hộ chiếu trắng”, nghĩa là chưa từng đi nước ngoài. Hơn nữa, thời gian chuẩn bị xin visa không nhiều, chỉ hơn một tháng. Phía công ty du lịch tư vấn cho chúng tôi hành trình thuận lợi nhất để xin visa, với điều kiện đưa ra của cả nhóm là phải có điểm đến Ý”, chị Lan chia sẻ.
Cuối cùng, nhóm thống nhất chương trình tour 10 ngày đến ba nước châu Âu có chung visa Schengen là Pháp, Ý, Thụy Sĩ. Đây là một tour “cơ bản” của du lịch châu Âu, với điểm vào là Pháp, nơi được các công ty du lịch đánh giá có quá trình cấp visa dễ nhất trong khối.
Bảo tàng Louvre, được xây từ năm 1190, nơi trưng bày những bộ sưu tập quý giá của nhân loại với biểu tượng Kim Tự Tháp bằng kính ở giữa sân Napoleon |
Theo quy định, du khách Việt Nam xin visa du lịch châu Âu Schengen tại Lãnh sự quán hoặc Đại sứ quán của nước nào thì phải vào nước đó đầu tiên và ở lại nước đó dài ngày nhất. Chị Lan cùng nhóm bạn có tổng cộng 3 ngày ở Pháp, 3 ngày ở Ý, 2 ngày ở Thụy Sĩ và 2 ngày cuối quay lại Pháp để bay về Việt Nam.
Đại diện công ty tổ chức tour giải thích, vì khách đặt tour hè cận ngày, chỉ có hồ sơ xin visa vào Pháp khả năng có lịch hẹn sớm và được giải quyết nhanh, thường trong vòng 3 tuần. “Nói chung, Pháp duyệt hồ sơ xin visa cho du khách khá thoáng do nước này ủng hộ phát triển du lịch, thu hút du khách quốc tế. Mỗi năm, lúc chưa đại dịch, Paris đón khoảng 30 triệu du khách quốc tế. Ngoài ra, sân bay Charles de Gaulle ở Paris cùng một số sân bay lớn khác như Frankfurt (Đức)… là trung tâm trung chuyển của khối, nên thuận tiện cho khách đến các nước xung quanh và quay trở lại”, vị đại diện này nói.
Hồ sơ giấy tờ xin visa vào Pháp cũng giống các nước trong khối EU, nhưng đơn giản hơn về mặt pháp lý. Chẳng hạn, hồ sơ vào Pháp chỉ cần đầy đủ theo hướng dẫn và người xin mang đi dịch thuật, công chứng. Nhưng một số nước EU đòi hỏi khách phải hợp thức hóa tư pháp, cần mang giấy tờ đến Sở Ngoại vụ xác nhận và có giấy tờ bản chính để đối chiếu như chứng minh thư, giấy khai sinh… Khách xin visa vào Pháp cũng dễ dàng hơn trong việc đi lại khi có Lãnh sự quán và Đại sứ quán ở cả hai đầu; còn một số nước chỉ có Đại sứ quán ở Việt Nam, nên khách TP.HCM muốn xin visa phải bay ra Hà Nội.
Với tư vấn của công ty du lịch, cùng sự chuẩn bị hồ sơ cẩn thận, nhóm khách gần 20 người của chị Lan đều “đậu” visa Schengen với nước đặt chân đến đầu tiên là Pháp. Hành trình đã kết thúc và chuyến đi suôn sẻ.
Tháp Eiffel, điểm dừng chân không thể thiếu khi đến nước Pháp |
Trong khi đó, anh Nguyễn Thành Tân (quận 7), xin visa Schengen du lịch châu Âu tự túc, không qua công ty du lịch vì đã có kinh nghiệm đi nhiều nước giúp anh chuẩn bị hồ sơ “đúng và đủ” theo hướng dẫn, nhưng quan trọng nhất chọn nước đến đầu tiên là Pháp.
Toàn bộ quá trình từ lúc khai hồ sơ cho đến ngày hẹn lấy dấu vân tay mất ba tuần. Nhờ chuẩn bị chu đáo, hồ sơ của anh không gặp trở ngại gì. Sau khi lấy dấu vân tay, anh chờ thêm hai tuần là có visa Schengen với hành trình Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp 15 ngày vào tháng 9. “Trừ trường hợp khách đi công tác, những khách đi tour thông thường đa số sẽ vào Pháp trước tiên và bắt đầu hành trình từ đó. Mặc dù theo quy định, khách phải ở lại nước mà mình xin visa nhiều ngày nhất, nhưng đấy chỉ là trên giấy tờ, còn thực tế sẽ linh động, do mình quyết định. Tôi đã đi nhiều nước châu Âu và cũng từng xin visa thành công vào Đức, cũng từng đi Pháp nhưng để chắc ăn, lần này tôi vẫn phải xin visa vào Pháp”, anh Tân nói.
Theo các công ty du lịch, các nước chung visa Schengen có chính sách thị thực “dễ thở” với du khách gồm Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ; các nước khó hơn là Đức, Tây Ban Nha, Na Uy… Ngoài ra, hiện các tour khách Việt đi châu Âu phải thay đổi hành trình, tránh các điểm đến liên quan tới mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam như Đức, CH Czech, Phần Lan. Chẳng hạn, tour Pháp – Đức – Ý đổi thành Pháp – Thụy Sĩ – Ý… Hiện các công ty du lịch Việt Nam đang chuẩn bị chương trình phục vụ khách du lịch mùa thu châu Âu, với đối tượng chính là người lớn tuổi và “tour thưởng” cho nhân viên công ty.
Visa châu Âu Schengen áp dụng cho 26 nước trong khối với các loại visa nhập cảnh một lần, hai lần và nhiều lần. Nếu xin visa du lịch, thường được cấp loại một lần. Một khi có visa này, du khách được di chuyển tự do ở 26 nước trong thời gian nhất định ghi trên thị thực được cấp.
Nguồn: thanhnien.vn