Trong giai đoạn 2017 – 2021, tỉnh Gia Laiđã trồng được gần 31.000 ha rừng, tuy nhiên qua kết quả giám sát mới đây của HĐND tỉnh, nhiều địa phương có tỷ lệ cây chết hoặc không đạt chất lượng khá cao.
Cụ thể, tại H.Krông Pa từ năm 2018 – 2020, có 300 hộ dân đăng ký tham gia trồng tổng cộng 417 ha rừng với chủ yếu là giống keo lai. Song, tỷ lệ cây chết hoặc sinh trưởng chậm còn cao.
Năm 2018, H.Krông Pa đã giải ngân hơn 330 triệu đồng để 149 hộ trồng gần 145 ha keo lai nhưng đến nay có 92 ha cây trồng bị chết, không đạt yêu cầu để nghiệm thu.
Năm 2019, huyện này giải ngân 415 triệu đồng để trồng 105 ha keo lai nhưng có 76 ha cây đã chết, không đạt yêu cầu để nghiệm thu; 28 ha có tỷ lệ cây sống chỉ trên dưới 50%… Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai, H.Krông Pa, TX.Ayun Pa, H.Phú Thiện, H.Chư Pưh… và một số địa phương khác cũng xảy ra tình trạng tương tự, nhiều diện tích rừng trồng bị chết hoặc kém phát triển, khiến kết quả phủ xanh đất rừng chưa đạt như mong muốn.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Vũ Đức Dân, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai, H.Krông Pa, do nguồn đất đai khô cằn, thời tiết ở Krông Pa quá nóng nên cây keo khó sinh sống và phát triển tốt thành rừng. Nhiều khu vực trồng cây keo bị người dân lấn chiếm, canh tác trồng lúa, trồng mì và cây hoa màu trái phép.
Còn theo ông Vũ Tiến Anh, Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Gia Lai, một nguyên nhân nữa là do mức hỗ trợ cho người trồng rừng hiện nay quá thấp, trước đây là hơn 7 triệu đồng/chu kỳ nhưng từ năm 2021, theo quy định mới của nhà nước, chỉ còn 2,5 triệu đồng/chu kỳ. Điều này khiến người dân không còn mặn mà với việc trồng rừng.
Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, cho biết thêm thực tế, nhiều diện tích rừng trồng vốn là đất thu hồi từ diện tích do người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp, sau đó họ đăng ký trồng rừng để không bị thu hồi. Nhiều diện tích trong số này manh mún hoặc đất xấu. Do vậy, khi cây rừng trồng xuống sẽ dẫn đến bị chết do gặp khí hậu không thuận lợi, kém phát triển. Số khác, người dân còn trồng xen các loại cây khác vào rừng khi cây rừng chưa khép tán hay bị động vật phá hoại. Tại nhiều địa phương, đất lâm nghiệp liền khoảnh để trồng rừng không có dẫn đến khó khăn khi thực hiện.
Cũng theo ông Hoan, năm 2022 Gia Lai dự kiến trồng thêm 8.000 ha rừng nhưng với suất hỗ trợ trồng rừng quá thấp như hiện nay đã dẫn đến thực tế người dân chưa được đảm bảo sinh kế trong suốt một chu kỳ trồng rừng, kéo theo việc cây rừng trồng xuống chưa được chú trọng chăm sóc, quản lý theo đúng quy trình. Hiện các ngành chức năng của tỉnh đã đề nghị lên Trung ương để nâng mức hỗ trợ trồng rừng.
Nguồn: thanhnien.vn