(Tổ Quốc) – “Nghệ thuật là sự cân đối giữa việc hát rõ lời và truyền đạt cảm xúc. Khán giả cần nghe rõ lời nhưng không nhất thiết phải hát kiểu rành mạch như tập đọc lớp 1” – Mỹ Linh chia sẻ.
Mới đây, tại chương trình My Linh Vocal Coach, diva Mỹ Linh đã chia sẻ quan điểm riêng về việc hát rõ lời, vấn đề đang được khán giả quan tâm.
Nghệ thuật là sự cân đối giữa hát rõ lời và truyền đạt cảm xúc
Trong thời gian gần đây, mọi người quan tâm nhiều tới việc hát rõ lời hay không rõ lời. Trên mạng xã hội, người ta bàn luận rất nhiều về việc hát như thế nào thì rõ lời, hát thế này, thế kia đã rõ lời chưa.
Tôi cũng xin góp một tiếng nói vào trào lưu này. Đây là quan điểm riêng của cá nhân tôi về việc hát rõ lời là gì và làm thế nào để hát rõ lời.
Nói nôm na, hát rõ lời là làm thế nào để người ta biết mình đang hát cái gì. Hát mà khiến người ta không hiểu mình đang hát cái gì là không rõ lời.
Để hát rõ lời cần hát tròn vành rõ chữ nhưng có những người dù không cần hát tròn vành rõ chữ vẫn rõ ràng được đang hát cái gì. Điều này hoàn toàn chấp nhận được, miễn là bài hát tạo cảm xúc cho người nghe và khán giả vẫn hiểu ca sĩ đang hát gì.
Một số người hơi cổ hủ về quan điểm, cứ nghĩ rằng phải hát rành mạch, miệng mở to, mở đúng, rõ ràng từng chữ mới được. Quan điểm này không sai nhưng chưa đủ.
Trong ca hát, việc tròn vành rõ chữ chỉ mới ở cấp độ đầu tiên. Giống như đi học lớp 1 sẽ được tập đọc sao cho rõ ràng, tròn trịa. Nhưng lên đến đại học rồi mà vẫn nói chuyện kiểu đó sẽ khiến người đối diện mệt mỏi. Tức là, sự chỉn chu quá mức sẽ khiến người nghe đôi khi mệt.
Nghệ thuật là sự cân đối giữa việc hát rõ lời và truyền đạt cảm xúc. Khán giả cần nghe rõ lời nhưng không nhất thiết phải hát kiểu rành mạch như tập đọc lớp 1. Đây là quan điểm riêng của tôi.
Ca sĩ đi làm nghề thì màu sắc riêng quan trọng hơn
Tiếng Việt của chúng ta có 5 dấu và một thanh bằng là 6, tương đối khó cho cả người viết lời lẫn người hát. Nhiều bạn trẻ GenZ nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt thì sẽ gặp nhiều khó khăn để hát rành mạch, rõ lời.
Tôi nghe các bạn GenZ hát thì thấy, các bạn hát rất dễ thương ngay cả ở những bài cần phải hát tròn vành, rõ chữ kiểu Nhạc viện ngày xưa dạy.
Vừa rồi, tôi nghe có người ý kiến về một ca sĩ trẻ là hát kiểu gì mà không mở mồm, như ngậm cái gì trong mồm. Tôi cho rằng, ý kiến này hơi khắt khe.
Rõ ràng, các ca sĩ đi hát đều cùng được đào tạo kỹ thuật như nhau. Kỹ thuật cơ bản chỉ có như vậy, ai cũng được học khi luyện thanh. Nhưng làm sao để mang kỹ thuật đó về trộn với tính cá nhân để ra được màu sắc riêng lại khác.
Ca sĩ đi làm nghề thì màu sắc riêng quan trọng hơn hòa vào đám đông. Chừng nào người ca sĩ đó hát như ngậm trong miệng nhưng khán giả vẫn thấy hay là được.
Không nên đưa một thước đo nào ra để dành cho tất cả, đặc biệt với người nghệ sĩ đã làm nghề. Tuy nhiên, với người đang đi học hát thì cái thước đo về hát rõ ràng, rành mạch, tròn vành, rõ chữ là cần thiết.
Tức là, khi nào thành thạo ca hát rồi, các bạn muốn phá ra, hát như ngậm cái gì trong miệng cũng được. Nhưng ở giai đoạn đầu tiên thì cần học hát tròn vành, rõ chữ trước đã.
Nguồn: toquoc.vn