Hàng rong chèo kéo, đeo bám du khách ở trung tâm TP.HCM trở thành vấn nạn, kéo dài từ nhiều năm qua và nay đã trở lại sau hai năm vắng bóng do dịch bệnh.
Du lịch TP.HCM đang dần khởi sắc sau gần 2 năm “đóng băng” vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, tại khu vực trước chợ Bến Thành, cổng Dinh Độc Lập, Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà (quận 1)… luôn có nhiều người bán hàng rong chèo kéo, đu bám du khách suốt một đoạn đường dài để mời gọi mua hàng, khiến nhiều người tỏ ra vô cùng khó chịu.
Loạt hình ảnh dưới đây do Thanh Niên thực hiện vào chủ Nhật, 28.8.
Một du khách đối mặt với hai “shop” hàng rong tại chợ Bến Thành |
Khu vực xung quanh chợ Bến Thành có cả một “đội quân” bán mắt kính, quạt giấy, đồ lưu niệm… canh ở 4 mặt tiền chợ. Mỗi khi có người ra vào chợ là nhóm này lại chặn đường để chèo kéo du khách mua hàng.
Cũng tại khu vực chợ, nhóm 3 du khách nước ngoài này “giữa muôn trùng vây” bởi 4 người xin tiền và cả hàng rong chèo kéo |
Du khách dường như không thể ngắm cảnh phố phường khi liên tục phải chịu cảnh nài ép của người bán hàng rong dù không có nhu |
Dù biết khách không có nhu cầu nhưng người bán hàng rong này vẫn bám theo cả quãng đường dài |
Anh Vũ Hoàng Lâm (Việt kiều Mỹ) cho rằng: “Cũng vì mưu sinh họ mới làm vậy nhưng thật sự người bán hàng rong rất “nhây” khiến chúng tôi khó chịu. Hơn nữa, tôi thấy những loại mắt kính đó là hàng giả nhưng được hô giá rất cao, đến 200.000 đồng cho một chiếc”.
Nhóm khách người Malaysia này vừa ra khỏi chợ Bến Thành đã bị người đàn ông bán kính mát liên tục bám theo một đoạn dài cho tới khách sạn. Nam du khách tỏ vẻ không thoải mái khi có người bám theo nên ôm túi xách thật chặt. |
Trong 7 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1 triệu lượt. Dẫn đầu là khách Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Malaysia… Theo chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang tìm cách thu hút du khách quốc tế. Tuy nhiên, những vấn nạn như đeo bám, chèo kéo hàng rong phần nào gây trở ngại cho những nỗ lực quảng bá điểm đến.
Nhóm du khách nữ “bảy phần bất lực, ba phần chịu đựng” thanh niên bán hàng rong này. Họ dường như không có lối thoát |
Vị khách nước ngoài sau một hồi bực dọc đã bật cười nhìn vào ống kính phóng viên như muốn nói: “Làm gì trên đời lại người đeo dám dai dẳng để bán hàng đến vậy!” |
Vừa thoát cảnh năn nỉ mua kính mát, du khách lại đối diện với các chú xích lô. Có khách đã phải lảng tránh từ xa khi thấy phía trước có xe xích lô đứng đợi để chào mời |
Tình trạng chèo kéo còn xảy ra ở các điểm tham quan nổi tiếng như Dinh Độc Lập, Bưu điện Thành phố, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh…
Khách nước ngoài tỏ thái độ khó chịu khi bị người bán hàng rong chặn đường mời mua dừa tại khu vực trước Dinh Độc Lập |
Gánh dừa rong ban đầu là nét văn hóa thu hút du khách. Nhiều người nước ngoài tò mò đặt gánh lên vai để chụp hình và mua ủng hộ người bán. Tuy nhiên, thời gian đã biến gánh dừa rong trở thành nỗi ám ảnh của du khách. Trên nhiều diễn đàn du lịch nước ngoài, rất nhiều những bài viết cảnh báo du khách không nên gánh thử và tránh xa việc mua dừa, vì có thể sẽ bị “chém” đẹp với giá mỗi trái lên đến 100.000 hay 150.000 đồng.
Một gánh dừa rong tiếp cận du khách trong công viên trước Dinh Độc Lập. Từ đôi quang gánh đẹp trong đời sống người Việt, gánh dừa rong ở TP.HCM nhiều năm qua trở thành biểu tượng của chèo kéo, “chặt chém” |
Bên cạnh chèo kéo, những người ăn xin gần các điểm tham quan cũng khiến hình ảnh du lịch thành phố nhếch nhác. Trong ảnh là nhóm người ăn xin gần Nhà thờ Đức Bà |
Một xe bán nước đỗ ngay dưới đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phía trước cổng Dinh Độc Lập, để chờ bán cho du khách, người qua đường |
Còn trong công viên gần đó không khác gì một khu chợ “chồm hỗm”, tập trung rất nhiều người bán hàng rong |
Chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí cho rằng, ngành du lịch TP.HCM cần kết hợp với các cơ quan chức năng chấn chỉnh tình trạng hàng rong đeo bám, chèo kéo, nhằm giới thiệu hiệu quả với khách quốc tế điểm đến an toàn, văn minh.
Nguồn: thanhnien.vn