Đối với nhiều người, tư thế ngồi bắt chéo chân là tư thế ngồi hằng ngày, thậm chí tư thế này còn thể hiện ý nghĩa khác theo ngôn ngữ cơ thể. Trong kinh doanh, nhiều người ngầm cho rằng tư thế này thể hiện quyền lực khi giao tiếp hoặc trong tình huống khác, đây là tư thế thể hiện sự thoải mái hoặc phòng thủ. Bên cạnh đó, ngồi bắt chéo chân cũng giúp giảm căng thẳng ở bộ phận lưng dưới. Tuy nhiên, tư thế này lại đem “hại” nhiều hơn “lợi”, là bởi những vấn đề sau.
1. Ảnh hưởng tới tư thế dáng đi
Nếu thường xuyên ngồi bắt chéo chân, áp lực bị đặt lên đầu gối, khớp chân, xương chậu phải xoay trong thời gian dài khiến cơ hông không thăng bằng. Ngoài ra, tư thế này cũng có thể dẫn đến thu nhỏ đùi và cơ hông, xương chậu bị siết chặt, rút ngắn lại… Cho tới khi di chuyển, xương chậu nghiêng sang một bên, mất thăng bằng khiến cơ thể bị cong vẹo.
2. Đau lưng và đau cổ
Phần hông sẽ hơi xoắn lại khi ngồi tư thế bắt chéo chân, vì thế khiến khung chậu mất thăng bằng, gây áp lực lên cột sống và dẫn đến các cơn đau. Nếu giữ tư thế này kéo dài thì có thể dẫn đến bệnh đau lưng, cổ và thoát vị đĩa đệm.
3. Thoái hóa khớp
Khi ngồi bắt chéo chân, các dây chằng và cơ xung quanh đầu gối bị căng ra, xương bánh chè sẽ cọ xát với các xương khác, lưu lượng máu không chỉ xuống hai chân mà đến các khớp ở chi dưới cũng bị giảm hẳn. Tình trạng này kéo dài sẽ tăng áp lực lên khớp gối và gây sưng đau, thoái hoá khớp.
4. Tổn thương dây thần kinh
Tổ hợp dây thần kinh hỗn hợp lớn nhất cơ thể nằm ở hông. Vì thế, áp lực từ tư thế ngồi bắt chéo chân có thể khiến dây thần kinh hông bị tê, về lâu dài dẫn đến các tổn thương.
5. Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản
Nam giới lưu ý tư thế ngồi quen thuộc này có thể làm cho nhiệt độ bên trong chân và xung quanh bộ phận sinh dục tăng cao, ảnh hưởng tới sự hình thành của tinh binh.
6. Suy giãn tĩnh mạch
Ở tư thế ngồi này, khi chân này đè lên chân kia, các mạch máu tại vị trí tiếp xúc cũng vì vậy sẽ bị chèn ép lại, không còn diện tích để cho máu lưu thông, do đó dễ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn hoặc tăng áp lực đẩy máu đến tim. Nếu những van nhỏ trong mạch máu bị yếu đi, máu có thể tụ lại, tạo nên các tĩnh mạch lớn được gọi là tĩnh mạch bị giãn.
Nguồn: toquoc.vn