Dân miền Trung có món canh độc lạ mà chẳng phải ai cũng biết, chẳng phải ai cũng đã từng được ăn và cũng chẳng phải nơi nào cũng có. Đó là món canh lưỡi long.
Lưỡi long thuộc họ xương rồng, hình dáng gần giống cây xương hùm nhưng gai không cứng, dài và nhọn như thế. Nên thường lưỡi long cũng được trồng làm cảnh. Ngoài chức năng “làm đẹp”, lưỡi long còn kiêm luôn chức năng “làm món”. Canh lưỡi long cũng là món ăn cây nhà lá vườn của dân quê.
Bát canh lưỡi long |
Người dân quê đi sớm về trưa, nhiều khi không rảnh để “lên món”. Làm đồng phủi tay, chạy ra vườn bẻ vài miếng lưỡi long. Gọt gai, xắt mỏng, bắc nước cho sôi bùng lên, bỏ lưỡi long vào, nêm nếm nữa là “ra món”. Phụ họa thêm thì bỏ tiêu, ngò gai hay ngổ điếc. Có khi lội ruộng, lội mương, bắt được con cá, con tôm cho “hợp tác” cùng lưỡi long thì lại càng tôn hương vị món ăn lên một bậc. Tưởng chừng món ăn “dã chiến” chỉ để đỡ bữa, nhưng không, nhiều người đã “nghiện” món ăn này.
Sau này, đời sống khấm khá, lưỡi long lại có thêm nhiều “bạn diễn”. Có khi nấu với thịt bò, chả cá. Quảng Ngãi, Bình Định cho lưỡi long “sánh đôi” cùng cá thửng. Cái vị ngọt từ thịt cá đã được tẩm ướp hương vị của lưỡi long cứ quấn quít đầu lưỡi.
Thấy vậy nhưng ai chưa rành lưỡi long, nhè miếng nào bẻ miếng đấy thì hỏng.
Muốn ăn được, phải chọn những miếng lưỡi long “đang dậy thì” còn non xanh mơn mởn. Chứ chọn những miếng đã “quá lứa lỡ thì” là hư bột hư đường. Lưỡi long cũng cho người ta… hai con đường. Hễ bẻ vào buổi sáng, thường lưỡi long sẽ có vị chua nhẹ và nhiều nhớt hơn. Còn hễ bẻ vào buổi chiều thì khi ăn, ta sẽ cảm nhận được vị ngọt và cũng ít nhớt hơn. Đó là điều đặc biệt ở loài cây này.
Cây lưỡi long |
Lưỡi long là món ăn khoái khẩu của ngoại tôi lúc sinh thời. Ngoại chẳng thèm cao lương mĩ vị, chỉ ăn rau cỏ trong vườn. Bà như có thâm giao với lưỡi long. Lưỡi long có thể hiện diện trên bàn ăn của bà hàng tháng trời. Nồi canh của bà cũng chỉ đơn giản là lưỡi long nấu với ít dầu. Thế nhưng bà lại ăn được cơm hơn. Đời sống dư dật, nhưng bà luôn tằn tiện, tính toán chi li để tiết kiệm cho con cháu. Ngoại luôn ca bài ca muôn thuở: “Tiết kiệm sẵn có đồng tiền/Phòng khi túng lỡ không phiền lụy ai”.
Là cháu ngoại của bà, tôi cũng là một “tín đồ” của lưỡi long. Tôi “thừa kế” mấy cây lưỡi long ngoại để lại. Công nhận, lưỡi long dễ trồng thật. Đất nào cũng sinh sôi, xanh tốt. Chẳng cần chăm bẵm, tưới tắm mà vẫn cứ vậy vươn lên. Tựa như hình ảnh người miền Trung quê tôi lớn lên từ gian khổ.
Tôi đi thành phố, chia tay lưỡi long cũng lâu. Nay về “nối lại tình xưa”, một bát canh lưỡi long làm dịu mát trưa hè. Đưa bát canh “cho Face ăn”, những người bạn Facebook xa gần vào “còm” nhiệt tình. Người không biết thì hỏi “lý lịch” của món ăn, còn người biết rồi thì khen lấy khen để và nhắc nhớ về “những ngày xưa thân ái”. Những câu chuyện ấy bỗng làm tôi rưng rức nhớ thương người bà với nếp sống giản dị. Bỗng nghẹn ngào…
Nguồn: thanhnien.vn