Tại Khoa Ngoại Tiết niệu (Bệnh viện Bưu Điện, Hà Nội) vẫn thường xuyên tiếp nhận những trường hợp gặp biến chứng do sỏi thận. Trong đó, có những trường hợp bị suy giảm chức năng, thậm chí là hỏng thận, phải cắt bỏ thận do sỏi thận nhưng không được can thiệp sớm.
Theo TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu (Bệnh viện Bưu Điện), mới đây khoa đã phẫu thuật lấy viên sỏi kích thước lớn gần 10cm, hình dạng phân nhánh phức tạp cho bệnh nhân Trần Thị Q (61 tuổi, ở Đô Lương, Nghệ An).
Bệnh nhân được con gái đưa tới bệnh viện khám trong tình trạng ốm yếu, suy mòn, chỉ còn khoảng 30 kg. Bệnh nhân tới viện do đau bụng nhiều và mong muốn được tán sỏi thận. Trước đó, bệnh nhân có đi khám tại một bệnh việc khác đã phát hiện có sỏi thận.
“Cầm phim lên xem tôi giật mình vì viên sỏi quá to, chạy dài trên 3 đốt sống lưng, như củ gừng già mà ngày xưa tôi hay giã nó ra để cạo gió. Tôi quyết định phải mổ mở ngay vì không thể tán được. Hai con gái bà hồi hộp đợi ngoài phòng mổ, từng phút, từng phút trôi qua nặng nề khi màn đêm đã dần buông xuống.
Khi nhìn thấy viên sỏi được lấy ra từ thận của mẹ, 2 người con gái gần như không thể tin được viên sỏi thận to gần 10cm trước mắt mình. Viên sỏi có hình thù kỳ quái, lại có thể nằm trong cơ thể bé nhỏ, gầy yếu của bà mẹ mà không hề biết“, bác sĩ chia sẻ.
Trước đó, tại khoa phẫu thuật thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, cũng đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân có triệu chứng đau vùng lưng hai bên cách đó 3-4 tuần. Thay vì đi bệnh viện khám, bệnh nhân lại tự mua thuốc điều trị tại nhà. Tới khi sốt cao, đau nhiều, có phù toàn thân, người bệnh mới vào viện khám.
Khi tới bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân suy thận cấp do sỏi niệu quản 2 bên. Sau khi mổ cấp cứu thì khả năng phục hồi chức năng của 2 thận rất kèm. TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, cho biết trong thời gian qua, khi khám và tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ đã gặp không ít trường hợp bị sỏi thận gặp biến chứng ứ mủ, ứ nước… Trong đó, không ít bệnh nhân bị mất hoàn toàn chức năng thận, phải cắt bỏ thận rất đáng tiếc.
Đa số các trường hợp có sỏi thận ở giai đoạn sớm không có triệu chứng gì. Một số trường hợp có triệu chứng đau lưng, sốt, tiểu máu do biến chứng nhiễm trùng nước tiểu trên thận ứ nước gây ra.
Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, phù, tiểu ít do bệnh cảnh suy thận mạn. Sỏi thận nếu không điều trị hoặc phát hiện muộn có thể dẫn tới thận ứ nước và suy thận hoặc một số người có cơ địa đề kháng kém dễ dẫn đến nhiễm khuẩn huyết do sỏi.
Bác sĩ Trung cho biết sỏi được tạo ra do sự phối hợp của nhiều nguyên nhân như: Uống ít nước, ăn uống nhiều canxi, rối loạn chuyển hóa, dị dạng đường tiết niệu, di truyền…
Để phòng tránh sỏi tiết niệu các bác sĩ khuyến cáo:
– Uống nhiều nước để lượng nước tiểu bài tiết phải trên 2 lít/ngày mới đủ lọc chất độc ra ngoài. Người dân chỉ cần thực hiện được việc này sẽ loại bỏ được 50% nguyên nhân dẫn đến bệnh về sỏi.
– Tăng cường vận động.
– Hạn chế ăn đồ mặn và những thức ăn ôi thiu, những đồ ăn có thể tạo thành sỏi.
– Cần phải tránh những thức ăn độc hại cho thận như thức ăn có tồn dư chất hóa học, chứa chất bảo quản không được cho phép, đồng thời nên tránh ăn quá nhiều thịt.
Để phát hiện sớm bệnh sỏi thận và các bệnh lý khác, người dân nên khám tổng thể ít nhất một lần/năm. Đặc biệt, những người đã phát hiện có sỏi nên đi khám thường xuyên hơn tại các cơ sở y tế uy tín, bệnh viện chuyên khoa. Khi có sỏi tiết niệu, nếu có chỉ định can thiệp của bác sĩ cần phẫu thuật sớm để tránh nguy cơ biến chứng.
Nguồn: toquoc.vn