Tuesday, November 5, 2024

Thúc đẩy chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp



Các chuyên gia kiến nghị cần có giải pháp thúc đẩy để chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hiện có đi vào cuộc sống, không né tránh; đồng thời nghiên cứu chính sách mới về dài hạn.

Giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận vốn

Tham luận tại hội thảo chuyên đề 2 về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, PGS-TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), kiến nghị các chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp thời gian qua đã đạt kết quả tích cực khi số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 8 tháng năm 2022 đạt gần 150.000 doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Thúc đẩy chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Các chuyên gia tại phiên thảo luận bàn tròn, tọa đàm cấp cao

Tuy nhiên, không phải tất cả các chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến doanh nghiệp. Ông Lê dẫn báo cáo của Bộ KH-ĐT cho hay, tính đến ngày 2.9, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình hỗ trợ phục hồi KT-XH sơ bộ đạt 55.500 tỉ đồng, đạt 16% trong tổng gói hỗ trợ là 350.000 tỉ đồng. Trong đó, giải ngân lớn nhất trong nhóm chính sách hỗ trợ thuế, chiếm 63% cơ cấu giải ngân; gói hỗ trợ lãi suất 2% đạt chưa đến 1% cơ cấu giải ngân…

Từ đó, ông Lê kiến nghị bên cạnh thúc đẩy thực hiện các gói hỗ trợ nhằm đạt mục tiêu, về dài hạn, cần điều chỉnh bớt chính sách giảm thuế, tăng chính sách gia hạn thuế. Cụ thể, ông Lê đề xuất, cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, xem xét giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt. Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, ông Lê cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp không mặn mà vì phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục, lo ngại trách nhiệm thanh tra. Bên cạnh đó, dù các ngân hàng thương mại đã được nới room tín dụng song chưa đáp ứng kỳ vọng. “Chúng tôi hiểu rằng điều này vì mục tiêu lạm phát 4%, song Ngân hàng Nhà nước cần xem xét điều chỉnh room tín dụng”, ông Nguyễn Trúc Lê đề nghị.

Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) Bùi Trung Nghĩa cũng kiến nghị tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp, như các phương án giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu; giảm chi phí tiền điện – đầu vào quan trọng của doanh nghiệp. Cùng với đó là có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận khoản vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp.

Liên quan gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Phạm Thanh Hà cho biết sau 3 tháng triển khai Nghị định 31 về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước (với 40.000 tỉ đồng trong năm 2022 và 2023), doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỉ đồng với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi đã hỗ trợ đạt chỉ 1 tỉ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 3.966 tỉ đồng. “Số liệu cũng còn khiêm tốn”, ông Hà xác nhận.

Phó thống đốc cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc triển khai chưa được như kỳ vọng như việc xác định đối tượng hỗ trợ cũng như tiêu chí đánh giá khách hàng có khả năng phục hồi để nhận hỗ trợ lãi suất. Ông Hà cũng thừa nhận, có sự e ngại của ngân hàng thương mại do gói hỗ trợ lãi suất trước đây cũng có khó khăn nhất định về giải ngân và kiểm toán. Ngược lại, khách hàng cũng e ngại chuyện thanh tra, kiểm toán sau này.

Về giải pháp, ông Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai tổ công tác liên ngành khảo sát thực tế địa phương để giải đáp thắc mắc; tiếp tục tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp – ngân hàng; đồng thời phối hợp các bộ ngành để chỉnh sửa chính sách, thủ tục cần tháo gỡ khó khăn để khách hàng vay được vốn và gói hỗ trợ này được triển khai nhanh hơn.

Có nên hỗ trợ tiền mặt cho người dân?

Ông Jonathan Picus, chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại VN, cho rằng để phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, cùng với những biện pháp về tài khóa, tiền tệ, cần quan tâm đến chi tiêu của người dân. “Khi người dân được hưởng lợi sẽ kích thích chi tiêu; từ đó các doanh nghiệp hưởng lợi từ vòng quay mua sắm và tiếp tục tăng cường sản xuất kinh doanh”, ông Picus phân tích.

Chuyên gia của UNDP nói, một biện pháp để kích thích chi tiêu hộ gia đình là chuyển khoản tiền mặt cho người dân. Các chính sách hoãn, giảm thuế không đem lại hiệu quả cấp số nhân cao bằng việc trợ cấp tiền mặt trực tiếp cho các đối tượng mất việc làm. Tuy nhiên, VN đang gặp khó khăn chuyển tiền mặt quy mô lớn một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Trao đổi với ông Jonathan Picus, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thực tế VN sử dụng kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ngay một lúc chi tới 38.000 tỉ đồng bằng tiền mặt. Sau đó, tiếp tục kéo dài chính sách này để chi thêm hơn 1.500 tỉ đồng. Chưa kể 6.600 tỉ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà. Tổng cộng khoảng 2 tỉ USD, chưa kể phần chi khá lớn của các địa phương nhằm trợ cấp trực tiếp cho người dân, người lao động. “Những chính sách đó có tính là chi trực tiếp cho người dân hay không? Chúng ta đánh giá chỉ có vấn đề giảm thuế thì không hiệu quả nếu chưa chi trực tiếp cho người dân. Vậy kinh nghiệm quốc tế chi trực tiếp cho người dân như thế nào? Nguồn từ đâu và tỷ trọng là bao nhiêu?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Theo Chủ tịch Quốc hội, VN đã nghiên cứu rất kỹ và thấy rằng, vì ngân sách VN không có nhiều nên thay vì chi tiền trực tiếp cho người dân thì giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ giúp bất cứ người dân nào cũng được hưởng, với số tiền ít hơn nhưng mua được nhiều hàng hóa hơn và thực thi rất nhanh. “Chính sách này đã giảm thu ngân sách nhà nước mấy chục nghìn tỉ đồng. Vậy đây có phải là chính sách chi tiền trực tiếp không?”, Chủ tịch Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi và cho rằng, việc thực hiện chính sách giảm thuế còn giúp VN giữ lạm phát ở mức thấp.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, ông Jonathan Pincus cho biết, thực tiễn từ châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy, ảnh hưởng của chính sách tài khóa là nhỏ, trong khi những khoản chi tiêu trong gia đình mới đóng góp lớn vào khôi phục ngân sách nhà nước. Theo đó, chính sách giảm thuế thu nhập thường áp dụng trong các cuộc khủng hoảng không quá nghiêm trọng. Trong khi đó, ích lợi của việc hỗ trợ bằng tiền mặt là giúp điều hòa nguồn thu ngân sách. Bởi vậy, Mỹ và châu Âu rất quan tâm tới chính sách này.

Trao đổi lại, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu Chính phủ có nhiều tiền mặt để chi thì rất dễ dàng. Song, vấn đề là các nước có tài khóa khó khăn như VN nhưng vẫn tìm cách chi bằng tiền mặt và chi khá nhiều. Ở đây, vấn đề đánh giá tỷ trọng, phương pháp hỗ trợ và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ phải đặt trong tổng thể các gói giải pháp, chính sách đã áp dụng từ đầu năm 2019 đến nay.

“Tại sao tỷ lệ khách du lịch nội địa và bán lẻ vẫn tăng? Vì cầu của VN vẫn tốt, không có chuyện suy giảm cầu ở VN. Do đó nên chăng phải có đánh giá kỹ lưỡng hơn, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế áp dụng ở VN như thế nào. Đây là vấn đề về chính sách”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Kiến nghị sớm tăng lương, xây nhà xã hội cho người lao động

Thảo luận tại phiên toàn thể, chiều 18.9, PGS-TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, nhìn nhận ngoài chính sách hỗ trợ giảm thuế thì các chính sách khác chưa thực sự hiệu quả. Cụ thể, việc triển khai gói hỗ trợ về nhà ở còn hạn chế; chương trình đầu tư công còn rất chậm sẽ đặt ra thách thức nhất định trong năm tài khóa từ 2023 – 2025.

Từ đó, ông Cường cho rằng cần tiếp tục xem xét các chính sách đã thiết kế để điều chỉnh khi cần. Về các chính sách tài khóa, ông Cường nêu quan điểm chính sách nào đơn giản, dễ thực hiện và trực tiếp thì hiệu quả rất cao. Do đó, trong năm 2023 – 2024 cần xem xét tăng lương cho cán bộ, viên chức để tạo ra kích thích mới cho nền kinh tế vì đây là một chính sách bị trì hoãn.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho rằng hiện chỉ 8% người lao động ở các khu công nghiệp có nhà ở, còn lại sống bấp bênh. “Cần sớm xây nhà công nhân, xây nhà xã hội cho người lao động. Đây là giải pháp căn cơ phát triển bền vững chứ không phải chỉ là hỗ trợ tiền thuê nhà tạm thời như giai đoạn vừa qua”, TS Lịch nói.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img