Ngân sách dành cho lĩnh vực văn hóa, thể thao đã thấp nhưng quy định lại không cho phép đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, khiến nhiều dự án phải “đứng hình”.
Các bất cập về chính sách đầu tư được Sở VH-TT TP.HCM nêu trong văn bản giải trình các ý kiến của đại biểu HĐND TP.HCM đặt ra, liên quan đến việc đầu tư dự án mới thuộc lĩnh vực văn hóa – thể thao, cũng như tu bổ di tích đang xuống cấp.
Kiến nghị đầu tư theo phương thức PPP
Thực hiện chủ trương của UBND TP.HCM về đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng phát triển cơ sở vật chất của ngành văn hóa và thể thao, Sở VH-TT đã kêu gọi thực hiện 11 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Cụ thể, khu phức hợp trung tâm văn hóa nghệ thuật đa năng (số 30 Trần Hưng Đạo, Q.l); khu phức hợp trung tâm văn hóa thiếu nhi đa năng, rạp chiếu phim (số 651 Trần Hưng Đạo, Q.1); khu nhà kho và dịch vụ triển lãm đa năng tại Bảo tàng Mỹ thuật; khu trưng bày chuyên đề đa năng và phòng trải nghiệm cho học sinh, sinh viên tại Bảo tàng Lịch sử; rạp Kim Châu (số 15 – 17 Nguyễn Thái Bình, Q.1).
Dự án Khu liên hợp thể dục – thể thao quốc gia Rạch Chiếc (TP.Thủ Đức, TP.HCM) hiện vẫn chỉ là ao cá, cây cỏ um tùm, nhà cửa lụp xụp |
Đối với khu liên hợp thể dục – thể thao quốc gia Rạch Chiếc (TP.Thủ Đức), có 6 dự án thành phần, gồm: dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật toàn khu, nhà thi đấu thể dục – thể thao tổng hợp và thi đấu futsal, sân đua xe đạp lòng chảo và đường đua xe mô tô kết hợp sân bóng đá ngoài trời, sân vận động 50.000 chỗ có bố trí đường chạy điền kinh, học viện bóng đá, khu dịch vụ cho vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia và khách mời…
Các dự án này đang trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt, nhưng sau đó phải dừng lại do luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư được Quốc hội thông qua không cho phép áp dụng đối với các dự án mới thuộc lĩnh vực văn hóa và thể thao.
Sở VH-TT TP.HCM cho rằng yêu cầu xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa và thể thao của thành phố là rất cần thiết, nhưng nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phát triển 2 lĩnh vực này lại rất hạn chế. Đơn cử, nhu cầu phát triển cơ sở vật chất của ngành giai đoạn 2021 – 2025 cần triển khai 53 dự án, nhưng chỉ được ghi vốn 9 dự án. Trong bối cảnh nguồn lực tài chính từ ngân sách đã thấp nhưng lại không được áp dụng cơ chế đầu tư theo phương thức PPP khiến các mục tiêu phát triển thiết chế văn hóa, thể thao đa năng, hiện đại (cần vốn đầu tư lớn) khó có thể đạt được.
Sở VH-TT kỳ vọng nếu được áp dụng phương thức PPP sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huy động nguồn vốn, mở ra nhiều cơ hội đầu tư, phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển kinh tế thể thao, đóng góp tăng trưởng kinh tế – xã hội cho thành phố. Do đó, Sở cho rằng cần thiết đề xuất Quốc hội cho phép TP.HCM áp dụng cơ chế đặc thù triển khai thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất lĩnh vực văn hóa và thể thao theo luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư.
Đồng tình với đề xuất của Sở VH-TT TP.HCM, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng ban Văn hóa – xã hội HĐND TP.HCM, cho rằng trong bối cảnh ngân sách TP sau 2 năm đại dịch Covid-19 khá khó khăn nên cần huy động nguồn lực xã hội. Hiện TP.HCM chỉ ưu tiên nguồn vốn cho các dự án đã triển khai và gần hoàn thành, hầu như không có các dự án mới.
“Cần có cơ chế thông thoáng để thu hút nguồn lực và lộ trình đầu tư hợp lý đối với các dự án lĩnh vực văn hóa, thể thao”, ông Nhựt đề nghị, đồng thời cho rằng nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì không biết khi nào các dự án mới được triển khai.
Chưa tới 20% di tích được khai thác
Về công tác tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn, Sở VH-TT cho hay hiện các chủ đầu tư đang phối hợp với sở ngành và đơn vị liên quan chuẩn bị triển khai các dự án, bao gồm: Giồng Cá Vồ, đình Chí Hòa, Bảo tàng Lịch sử, chùa Giác Viên, đình Xuân Hiệp, đình Linh Đông. Đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ thẩm định 12 di tích để triển khai các bước tiếp theo; khảo sát, lập phương án đầu tư đối với 11 dự án khác.
Tuy nhiên, do số lượng di tích xuống cấp nhiều cần tu sửa cấp thiết nhưng nguồn vốn ngân sách có hạn, nên Sở VH-TT đã lập danh mục các dự án ưu tiên như: Bảo tàng Mỹ thuật, đình Tân Quy Đông, lò gốm Hưng Lợi… đề xuất Sở KH-ĐT bố trí vốn khẩn cấp. Sở VH-TT cũng kiến nghị UBND TP.HCM cho phép chủ trương tu sửa cấp thiết bằng kinh phí sự nghiệp hằng năm để gia cố, gia cường kịp thời các di tích có khả năng sập đổ, đồng thời lên kế hoạch lập quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Sở VH-TT đề xuất chủ trương đầu tư 8 dự án, tổng mức đầu tư ước tính 440 tỉ đồng. Ngoài ra, UBND các quận, huyện cũng đang xin chủ trương đầu tư công cho 35 công trình di tích trong giai đoạn 2021 – 2025.
Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt cho biết Ban Văn hóa – xã hội đang khảo sát công tác quản lý di tích trên địa bàn. Kết quả khảo sát sơ bộ chỉ ra thực tế đáng tiếc khi toàn thành phố có gần 200 di tích nhưng số lượng di tích được khai thác chưa tới 20%, chưa kể nhiều di tích không được quản lý chặt chẽ dẫn đến xuống cấp, hư hại, bị xâm phạm khó phục hồi và phát huy, mà điển hình là di tích lò gốm Hưng Lợi (Q.8). Ông Nguyễn Minh Nhựt cho rằng phát triển kinh tế cần dựa trên nền tảng di sản văn hóa, phát triển du lịch từ di sản có sẵn và đầu tư hạ tầng phục vụ kèm theo. Do đó, Sở Du lịch, Sở VH-TT và chính quyền địa phương cần ngồi lại xác định di tích nào có thể khai thác được ngay, còn nơi nào chưa đạt chuẩn thì lên kế hoạch, lộ trình thực hiện tu bổ để bảo tồn, khai thác du lịch.
“Điều quan trọng nhất là di tích sau khi tu bổ, sửa chữa phải được phát huy, chứ nếu sửa sang lại rồi mà không có ai đến, vài năm tiếp tục xuống cấp thì lại lãng phí. Di tích lò gốm Hưng Lợi ngày xưa hoành tráng như thế nhưng bị san bằng hết, có khôi phục lại thì giá trị cũng không còn nhiều”, ông Nhựt tiếc nuối.
Vướng mặt bằng
Dự án Khu liên hợp thể dục – thể thao quốc gia Rạch Chiếc có chủ trương đầu tư từ năm 1994, diện tích đất quy hoạch ban đầu hơn 400 ha nhưng đến năm 2018 được điều chỉnh xuống còn 186,7 ha. Đây là một trong các cấu phần thuộc đề án khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM, tiền thân của TP.Thủ Đức hiện nay. Tuy nhiên, sau 28 năm dự án vẫn đang dừng lại ở khâu phê duyệt quy hoạch và đền bù giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến dự án này, Chánh văn phòng Sở VH-TT TP.HCM Lâm Ngô Hoàng Anh cho biết đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của dự án đã được trình Sở QH-KT. Ông Hoàng Anh chỉ ra khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành để thực hiện xây dựng các dự án thành phần.
Nguồn: thanhnien.vn