Friday, September 6, 2024

Cần thay đổi căn bản nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số



Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số là chủ đề cuộc tọa đàm do CLB Nhà báo CNTT Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức vào ngày 28/9.

Cần thay đổi căn bản nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số

 

Kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 163 tỷ USD trong năm 2021

Tọa đàm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số” được tổ chức theo hình thức thảo luận mở, là diễn đàn để các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số, kinh tế số chia sẻ về xu hướng phát triển của nền kinh tế online, cơ hội và những thách thức cho các doanh nghiệp Việt khi bước ra sân chơi toàn cầu. Đây là dịp mà đại diện đến từ các cơ quan quản lý cùng lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp nội dung số với những cơ hội và thách thức trên môi trường số để từ đó kết nối các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và thị trường để có những cơ chế, chính sách dẫn dắt và thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển trên môi trường số.

Cần thay đổi căn bản nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số

Nội dung chính của Tọa đàm xoay quanh thảo luận về các chủ đề: Vai trò kinh tế online trên toàn cầu và cơ hội cho các nhà sáng tạo Việt Nam; Những thách thức của nhà sáng tạo khi kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới; Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số; Khung chính sách quản lý và vai trò của cơ quan nhà nước trong thúc đẩy nền kinh tế online.

Theo báo cáo “Kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2021” của Google, Temasek và Bain & Company cho biết, khu vực Đông Nam Á đang trên con đường trở thành nền kinh tế kỹ thuật số trị giá một nghìn tỉ USD vào năm 2030, trong đó Việt Nam có thể đạt ngưỡng 220 tỉ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV). Được thúc đẩy bởi nền tảng người tiêu dùng và doanh nghiệp kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng, sự tăng tốc trong thương mại điện tử, giao thức ăn và dịch vụ tài chính kỹ thuật số, Đông Nam Á (SEA) ước tính đạt 174 tỉ USD (GMV) vào cuối năm 2021. Con số này dự kiến sẽ vượt qua 360 tỉ USD vào năm 2025, vượt xa dự báo trước đó là 300 tỉ USD.

Báo cáo dự đoán rằng Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam đang bước vào “Thập kỷ Kỹ thuật số” khi Internet ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng.

Năm 2021, Tổng cục Thống kê ước tính kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước. Trong đó cấu phần kinh tế số Internet/nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP. Dự báo doanh thu kinh tế Internet giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam đạt 57 tỷ USD vào năm 2025, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2021 là 21 tỷ USD.

Nền kinh tế Internet mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt sáng tạo ra những nội dung có giá trị, nằm trong top đầu của thế giới, như các sản phẩm GameFi, game blockchain hay các sản phẩm giải trí như: Phim hoạt hình, âm nhạc, nội dung giải trí phát hành trên các nền tảng trực tuyến.

Doanh nghiệp Việt thiệt hại do cạnh tranh không lành mạnh trên môi trường số

Tuy nhiên trong quá trình phát triển các doanh nghiệp tham gia trong nền kinh tế Internet đang gặp phải những thách thức lớn. Trong đó có thể kể đến, mặc dù hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ khá đầy đủ: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh, Luật An ninh mạng, Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế, hội nhập sâu rộng. Song thực tế trên Internet thì rất khó áp dụng các chính sách này cho các chủ thể ở nước ngoài. Cụ thể, thiếu các công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng.

Chia sẻ về những cơ hội, thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trên môi trường số, ông Tạ Mạnh Hoàng, CEO Sconnect cho biết, dù Việt Nam đã có hành lang pháp lý nhưng thực tế trên nền tảng Internet thì rất khó áp dụng cho các nền tảng xuyên biên giới. Vẫn còn thiếu các công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng.

Cần thay đổi căn bản nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số

Đại diện Sconnect Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

Bên cạnh đó, khả năng áp dụng các quy định pháp luật hiện hành với các với các chủ thể nước ngoài còn có nhiều hạn chế dẫn đến những thiệt hại nhiều cho quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong nước. Có những rủi ro khi đối mặt với các cuộc tấn công trên không gian mạng; thiếu hụt nguồn nhân lực dành cho Internet đặc biệt là nguồn nhân sự chất lượng cao để vận hành các nền tảng online.

Ông Tạ Mạnh Hoàng cho biết, gần đây, Sconnect đang đối mặt với nhiều thách thức trong đó có sự cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ mạnh của Anh là Entertaiment One (EO) liên quan đến bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo. Theo đó, EO cạnh tranh không lành mạnh khi dán nhãn video sản phẩm là các sản phẩm vi phạm bản quyền, đưa ra các thông tin không đúng sự thật với các đối tác bằng cách gửi văn bản và yêu cầu các đơn vị ngừng hợp tác.

Sau khi thua kiện tại Nga từ tháng 7/2022, EO vẫn tiếp tục sử dụng đơn khiếu kiện (chưa được Tòa án thụ lý) để làm việc với Google để gỡ bỏ các sản phẩm của Wolfoo ra khỏi các nền tảng kinh doanh dù chưa có các phán quyết của các tòa án, các nền tảng vẫn xóa bỏ.

Đến nay, hệ thống kinh doanh của Sconnect đang bị gián đoạn bởi phải triển khai các hoạt động pháp lý để có cơ sở làm việc, phải tốn nhiều nguồn lực của công ty khi không thể đưa nội dung mới lên YouTube và triển khai các hoạt động kinh doanh với các đối tác.

Ông Tạ Mạnh Hoàng kiến nghị các cơ quan Nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp can thiệp yêu cầu Google, Youtube ngừng tiếp nhận các yêu cầu đánh bản quyền vô lý. Đặc biệt, yêu cầu đến EO chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật trên Internet và có các biện pháp mạnh để bảo vệ doanh nghiệp Việt.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện sớm các quy định của pháp luật, cơ chế áp dụng pháp luật phù hợp với nền kinh tế số và có hiệu lực áp dụng với cả các chủ thể nước ngoài; tích cực nghiên cứu, tổ chức thảo luận lấy ý kiến, hướng dẫn, định hướng các doanh nghiệp số phát triển theo chủ trương định hướng kinh tế số của Chính phủ.

Ngay từ khi khởi nghiệp cần phải bảo vệ quyền của mình

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, hiện vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức, nhất là các doanh nghiệp. Sự quan tâm, nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp cần thay đổi căn bản nếu không sẽ không giải quyết được các vụ việc.

Cần thay đổi căn bản nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) phát biểu.

“Các doanh nghiệp cần đặt câu hỏi rằng mình đã đầu tư, đã làm những gì để bảo vệ các tài sản đó. Các doanh nghiệp đã có người chịu trách nhiệm làm các vấn đề này hay chưa? Chúng tôi đang đơn độc trong vấn đề này do các doanh nghiệp chưa có các hành động cụ thể. Chúng tôi mong muốn thời gian tới cần thay đổi nhận thức này” – ông Trần Lê Hồng nói.

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh doanh xuyên quốc gia, phải xác định việc đăng ký ra nước ngoài là vô cùng quan trọng trong việc xây dựng kinh doanh và cần có chiến lược để bảo vệ nhãn hiệu của mình tại các thị trường đó. Khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo cần chú trọng đến vấn đề trong việc bảo vệ mình.

Ông Quản Tuấn An, Trưởng phòng Quản lý và Hợp tác quốc tế quyền tác giả, quyền liên quan (Cục Bản quyền tác giả) cũng cho biết, doanh nghiệp ngay từ khi khởi nghiệp nên bảo vệ quyền tác giả trước khi thực hiện các việc khác, bảo vệ quyền của mình ngay từ ý tưởng. Phải chủ động bảo vệ quyền của mình, chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp nên đầu tư vào đội ngũ cán bộ và đặc biệt phải có luật sư, không phải luật sư outsource bên ngoài.

“Vừa qua đã hoàn thành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ để luật hóa 1 loạt Công ước quốc tế. Khi bước ra sân chơi quốc tế thì phải tuân thủ và thực hiện các cam kết quốc tế để đảm bảo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trên trường quốc tế. Ngoài ra, chúng tôi sẽ giải quyết các khiếu nại, vi phạm của các bên. Trong khuyến cáo của các chuyên gia với các doanh nghiệp phải đẩy mạnh kênh chính thống để đảm bảo dễ dàng tiếp cận, thực sự thuận tiện và hợp lý để người tiêu dùng tiếp cận kênh chính thống, các bản có bản quyền hơn là các bản sao chép” – ông Quản Tuấn An chia sẻ tại tọa đàm.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Tình thương của mẹ hổ
Truy Tìm Bằng Chứng 2
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi