Thursday, November 28, 2024

Nhạc cụ nâng bước nhịp xòe



Xòe như cơm ăn, nước uống, không thể thiếu với đồng bào. Để có một hội xòe rộn rã, vui tươi, không thể không có các nhạc cụ như khèn bè, trống, chiêng…

Xòe là loại hình nghệ thuật đặc sắc trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Thái ở các tỉnh Tây Bắc, bao gồm: Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Lai Châu… Xòe như cơm ăn, nước uống, không thể thiếu với đồng bào. Để có một hội xòe rộn rã, vui tươi, không thể không có các nhạc cụ như khèn bè, trống, chiêng…

Khèn bè là loại nhạc cụ truyền thống, rất đỗi quen thuộc với đồng bào Thái ở Nghĩa Lộ, Yên Bái, cũng như các địa phương trong vùng Tây Bắc. Khèn bè không chỉ là nhạc cụ kết nối tình yêu, linh hồn trong dân ca, mà còn là nhạc cụ không thể thiếu trong những đêm xòe.

Ông Cầm Văn Hoa ở xã Hạnh Sơn, Thị xã Nghĩa Lộ – người duy nhất còn chế tác được khèn bè phục vụ những lễ hội lớn ở Nghĩa Lộ chia sẻ: Làm khèn thì nó hơi lâu một tí, phải mất chục ngày, làm phải nên chiếc khèn thổi hay mới thôi.

Cùng với khèn bè, trống cũng là thứ nhạc không thể thiếu trong mỗi hội xòe. Giữa núi rừng trùng điệp, tiếng trống vang vọng như lời mời gọi mọi người cùng đến lễ hội, nắm tay nhau vui trong vòng xòe. 

Trống tiếng Thái gọi là “cống”; “cống” có 2 loại là “cống nọi” (trống nhỏ) và “cống nhớ” (trống to). Thông thường, “cống nhớ” hay được dùng trong hội xuân, lễ cúng bản mường; còn “cống nọi” dùng khi chủ mường qua đời hoặc khi có giặc, báo động khi bản, mường có việc quan trọng. Anh Lê Thanh Tùng, ở phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết: “Trống là nhạc cụ quan trọng trong hội xòe bởi trống giữ nhịp chính của xòe. Khi được tiếp thu các loại nhạc cụ thì tôi cũng muốn học sinh của tôi biết đến các loại nhạc cụ, được học tập và truyền lại cho các thế hệ sau này.”

Một nhạc cụ nữa cũng góp phần làm hội xòe thêm rộn rã là chiêng. Theo tiếng Thái: Chiêng được gọi là “sánh”. Sánh thường được làm bằng đồng thau hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh chiêng. Tiếng chiêng càng to thì càng trầm, càng nhỏ thì càng thanh.

Nghệ nhân Lò Văn Biến, ở tổ dân phố Cang Nà, phường Trung Tâm, Thị xã Nghĩa Lộ cho biết, ở vòng xòe, chiêng phối hợp với các nhạc cụ khác đem tới sự hài hòa của âm nhạc và điệu múa, mang theo khát vọng về sự phát triển và trường tồn của dân tộc; làm quyến luyến, đắm say bao du khách: “Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa của mình. Tôi ví dụ như xòe, nếu không đúng giai điệu thì không vào xòe được.”

Tiếng khèn, tiếng  trống, tiếng chiêng cứ rộn rã và vòng xòe cứ thế rộng mở. Về miền Tây Yên Bái những ngày này, du khách sẽ không thể không hoà mình vào vòng xèo bất tận, nhân dịp đồng bào Thái 4 tỉnh Tây Bắc đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img