Cá là nguồn thực phẩm phổ biến trên toàn thế giới, nó có lợi cho sức khỏe và được chế biến theo nhiều cách khác nhau. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị người Mỹ nên ăn tối thiểu 8 ounce (0,23 kg) thủy hải sản 1 tuần.
Cá chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Một khẩu phần gồm 3 ounce (0,085 kg) cá trích nướng cung cấp 20 gram protein.
Cá cũng chứa vitamin B12, D, iốt, sắt, phốt pho, niacin và axit béo omega-3. Những chất này có thể giúp giảm nguy cơ trầm cảm, sa sút trí tuệ và bệnh tim, đồng thời đóng vai trò trong chức năng thần kinh và tuyến giáp, sức khỏe nhận thức, tái tạo DNA…
Vậy ăn da của cá có đem lại lợi ích tương tự hay không?
Theo Medical News Today, khi đã đánh vảy, phần da cá còn lại có thể vừa ngon vừa bổ dưỡng.
Da cá thường chứa một số chất dinh dưỡng như vitamin D, E, iốt, selen, taurine , protein và axit béo omega-3. Những chất này có thể tăng cường sức khỏe tim mạch, hỗ trợ sự phát triển cơ bắp và khả năng miễn dịch, bảo vệ não và giúp làn da khỏe mạnh.
Ăn da thay vì vứt bỏ cũng giúp giảm thời gian chế biến và tăng lượng chất dinh dưỡng bạn nhận được từ cá.
Tuy nhiên cá có thể có một hàm lượng thủy ngân được tích tụ và lưu trữ trong chất béo của chúng. Thủy ngân có thể gây độc cho con người nếu được tiêu thụ với số lượng lớn.
Cá ngừ mắt to, cá kiếm và cá thu đều nằm trong nhóm hải sản có chứa hàm lượng thủy ngân cao mà trẻ em, phụ nữ có thai hoặc cho con bú nên tránh chúng. Thủy ngân cũng có thể có trong da của các loại cá trên vì vậy bạn cũng nên chọn các loại cá khác.
Mặc dù da cá là bổ sung chất dinh dưỡng và ngon miệng nhưng da một số loại cá như cá ngừ có thể không ngon bằng da của các loại cá khác.
Hãy thử tìm một phương pháp chế biến mà bạn yêu thích. Có thể nướng, rán hay áp chảo cá để da giòn hơn. Sử dụng dầu ô liu trong quá trình chế biến là một lựa chọn tốt vì dầu ô liu có chứa chất chống oxy hóa và tác dụng chống viêm.
Nguồn: toquoc.vn