Sunday, January 19, 2025

Vực học sinh hư thành ngoan mới thấy giá trị của nghề giáo



Tâm sự của một giáo viên qua bài viết Nước mắt giáo viên chủ nhiệm (thanhnien.vn ngày 3.10) đã thu hút nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, trong bối cảnh mối quan hệ giữa “giáo viên – phụ huynh – học sinh” đang là đề tài nóng.

Trong bài viết có tiêu đề nêu trên, tác giả Hoàng Phước cho biết 15 năm dạy học đã chứng kiến rất nhiều giọt nước mắt của các thầy, cô giáo. Đó là những giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên trang viết của học trò khi đọc bài văn con viết về khát khao được sống trong vòng tay yêu thương của ba mẹ; giọt nước mắt lăn dài trên gò má khi một học sinh (HS) đứng trước lớp bộc bạch ước mơ nghề nghiệp tương lai; giọt nước mắt hạnh phúc khi hay tin học trò của mình đạt giải cao mang về vinh quang cho trường sau bao ngày miệt mài ôn luyện.

Tình tiết khiến nhiều bạn đọc (BĐ) quan tâm đó chính là tình huống về đồng nghiệp của tác giả cảm thấy nặng nề vì một HS có hành vi chưa chuẩn mực trong lớp, với lời thách thức: “Cô có ngon thì đánh em đi! Em kiện cô liền. Trên mạng giáo viên (GV) đánh HS bị bắt nghỉ dạy nhiều lắm!”.

Vực học sinh hư thành ngoan mới thấy giá trị của nghề giáo

Giáo viên chịu nhiều áp lực dạy dỗ học sinh, đặc biệt trong giai đoạn thay đổi chương trình giáo dục mới

Không thiếu những “vết đau trong lòng”

Tình huống nêu trên, không khỏi khiến BĐ Phương Bình băn khoăn: “Trong giáo dục ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại một vấn đề rất khó giải quyết đó là: Người học “không có nhu cầu” nhưng người dạy phải chịu trách nhiệm. Vẫn biết rằng người thầy ngoài việc truyền đạt kiến thức văn hóa còn phải giáo dục đạo đức, lẽ sống cho HS, phải tạo quan hệ thân thiện, bác ái… Và phải tuyên truyền vận động HS chuyên cần, chăm ngoan học tập.

Tuy vậy, “nhu cầu học của HS” không phải là trách nhiệm của nhà trường, của thầy cô giáo mà trước hết phải là trách nhiệm của phụ huynh (PH) rồi mới đến nhà trường, thầy cô. Nhà trường, thầy cô chỉ có quyền vận động chứ không có quyền xử phạt khi HS không đến trường hoặc gia đình HS không cho con đi học…”.

BĐ Hoang Loc Gia Phat đồng cảm: “Tôi từng bị HS, vì muốn chuyển lớp (trong khi nhà trường không cho), mà viết đơn lên nhà trường nói rằng tôi “đì” em ấy. Nếu bắt em ấy học lớp mình chủ nhiệm, em ấy sẽ stress và tự tử. Trong khi mới tối hôm trước, em còn nhắn tin nói chuyện rất vui vẻ với GV, hôm sau có đơn lên trường luôn. Nhà trường cho em ấy chuyển lớp theo đúng nguyện vọng. Mọi chuyện được làm rõ nhưng nó mãi là “vết đau” trong lòng tôi. Cảm thấy GV bây giờ đi làm bạc quá!”.

Niềm tin giúp gắn bó với nghề giáo

Nhưng cũng có ý kiến rằng: “GV đương nhiên không được đánh HS, nếu không buộc phải tự vệ. Trách nhiệm của người thầy ngoài tận tình truyền đạt kiến thức thì còn cần khuyên nhủ, giáo dục các em những điều hay điều tốt, giúp các em hiểu ra cái chưa tốt để sửa chữa; đồng thời liên lạc với gia đình để kết hợp dạy dỗ các em. Nếu gia đình không hợp tác, em HS nào cố tình “hư”, “láo” thì GV nên thông báo và đề nghị nhà trường cho HS đó nghỉ học. Bởi khi gia đình và HS không còn thiết tha việc học, đến trường chỉ quậy phá làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, thì nên loại bỏ, không cần băn khoăn. Tuyệt đối GV không được đánh HS”.

Và cũng có ý kiến phân tích ở góc độ khác, như của BĐ Đỗ Thụy: “Tôi không bênh bên nào, nhưng có những GV cũng “bạo hành tâm lý học đường” để lại hậu quả tâm lý rất nặng nề…”.

Nhìn chung, có khá nhiều ý kiến, lập luận xung quanh đến đề tài “GV và HS hư”. Nhưng tựu chung, đều toát lên thông điệp tích cực như gửi gắm sau của một BĐ tên Thanh: “Tôi mong muốn Bộ GD-ĐT hãy gửi tới các thầy giáo, cô giáo, những người trong ngành giáo dục đọc câu chuyện về cô Phila – một GV người Mỹ – người từng nói rằng: “Hất một đứa trẻ ra xã hội để trở thành một kẻ cướp trong tương lai thì quá dễ. Biến một HS cá biệt trở thành người hữu ích mới là việc của giáo dục”. Từ câu chuyện này giúp tôi có niềm tin hơn khi gắn bó với nghề giáo. Vực được một HS hư thành ngoan mới thấy giá trị của nghề giáo thế nào!”.

Câu nói của một GV chủ nhiệm làm tôi không thể nào quên: “HS cá biệt không sợ, chỉ sợ PH cá biệt”.

Trần Thị Bạch Loan

GV hiện giờ đang bị “bạo hành về tinh thần” nhiều lắm! “Bạo hành” bởi PH, ban giám hiệu và bởi chính cả HS. Mấy ai thực sự đứng ra nói lời công bằng cho thầy, cô giáo đâu ?

An Hoàng

Nếu HS cá biệt thì răn đe; không được thì mời PH lên để thông báo. Nếu gia đình không dạy dỗ được nữa thì trả về cho gia đình. Biết rằng không có GV nào muốn có một HS như vậy nhưng không phải là không có cách…

Đức Trí

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img