Mở bán hơn 7 năm nay, hầu như khách nào đến mua bánh mì ở tiệm củachị Hòa đều có chung một thắc mắc: “Vì sao chủ quán đặt tên là bánh mì Chim Chạy?”. Biết được lý do đằng sau, nhiều người phải gật gù nói rằng đây là tiệm bánh có tên “độc – lạ nhất TP.HCM” này, không lẫn vào đâu được.
Đó là hàng bánh mì Chim Chạy của vợ chồng chị chủ Trương Thị Minh Hòa (29 tuổi), với biển hiệu nổi bật nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM). Ít ai biết, anh chị từng rủ nhau bỏ việc văn phòng để khởi nghiệp với bánh mì, sau bao lần thua vẫn quyết “sống chết” với bánh mì Việt Nam.
Tại sao là bánh mì Chim Chạy?
Nhiều lần đi làm có dịp chạy ngang đường Nguyễn Thị Minh Khai, bao giờ tôi cũng để ý đến một tiệm bánh mì nhỏ xinh với cái tên hết sức độc đáo: “Chim Chạy”. Thường, tôi thấy người Sài Gòn hay chọn tên chủ quán, tên bà này bà nọ để đặt cho thương hiệu bánh mì của mình, dù là gánh hàng rong hay quán lớn. Có thể kể đến như bánh mì Ô Môi Huynh Hoa, bánh mì bà Huynh, bánh mì bà Được, bánh mì Pewpew, bánh mì Như Lan…
Bánh mì Chim Chạy khiến nhiều người ấn tượng, tò mò vì tên “không giống ai” |
Tiệm có 2 điểm bán, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai và chợ Thái Bình (Q.1) |
Thế nên, lúc nào tôi cũng tự hỏi: “Vì sao là bánh mì Chim Chạy?”. Để giải đáp thắc mắc về cái tên độc lạ này, trong một lần mua bánh mì, tôi đã tìm hỏi chị Hòa chủ quán. Nghe xong, chị cười nói, tôi không phải là người đầu tiên hỏi câu này. Bởi, hầu như khách quen nào cũng đều thắc mắc, thiếu điều: “Tôi muốn làm một cái bảng giải thích dán trước quán ghê”, chị chủ cười, nói vui.
Thực ra mọi chuyện bắt đầu từ năm 2015, khi chị và anh Trung Đức (30 tuổi, chồng chị) còn đang yêu nhau. Đang làm việc văn phòng cho một công ty nước ngoài có tiếng sau khi vừa ra trường, thấy môi trường làm việc không hợp với đủ thứ “drama” từ trên trời rơi xuống, họ bỏ việc, rủ nhau khởi nghiệp với bánh mì.
“Năm đó, bánh mì chả cá nóng gây sốt kinh khủng. Đi đâu ở Sài Gòn cũng thấy người ta bán. Tôi thì thấy mình khởi nghiệp nên quyết định bán cái gì đó độc lạ, may ra mới có người để ý. Vậy là suy tính mãi mới chọn bán bánh mì thịt truyền thống với bánh mì thịt… đà điểu cho lạ. Đà điểu là con chim biết chạy chứ không biết bay, vậy là cái tên Chim Chạy ra đời”
Chị Hòa
Từ bỏ việc văn phòng, chị Hòa quyết tâm khởi nghiệp với bánh mì |
Khi khởi nghiệp, chị chủ không có khái niệm về bánh mì |
Lúc đó, chị có được 100 triệu đồng dành dụm từ thời sinh viên, lấy hết để khởi nghiệp. Ngoài vốn, cô gái trẻ khi đó không có một chút khái niệm nào về nấu nướng, buôn bán.
“Mới ra trường sao có nhiều tiền dữ vậy chị?”, tôi hỏi. Chị Hòa cười hiền, nói rằng thời sinh viên chị “mê tiền” lắm, vừa làm vừa học quần quật ngày đêm nên cũng tích cóp được kha khá. Đến khi đi làm, cũng kiếm được thêm chút đỉnh đủ cho việc khởi nghiệp.
Sau nhiều thất bại, nay chủ quán đã có công thức riêng và khách ổn định |
Tiệm có hơn 13 nhân viên |
“Năm đó, bánh mì chả cá nóng gây sốt kinh khủng. Đi đâu ở Sài Gòn cũng thấy người ta bán. Tôi thì thấy mình khởi nghiệp nên quyết định bán cái gì đó độc lạ, may ra mới có người để ý. Vậy là suy tính mãi mới chọn bán bánh mì thịt truyền thống với bánh mì thịt… đà điểu cho lạ. Đà điểu là con chim biết chạy chứ không biết bay, vậy là cái tên Chim Chạy ra đời”, chị giải thích, tôi thì gật gù, hiểu được lý do đằng sau cái tên.
Những lần thua và ngày ăn… 3 ổ bánh mì
Thuở mới khởi nghiệp, anh chị bán bánh ở nhà, trong một con hẻm sâu ở Q.1. Làm quen với bánh mì từ con số 0, họ chật vật với mọi thứ, từ nguồn cung nguyên liệu, công thức làm bánh và khách hàng. 3 tháng đầu, 100 triệu… “bay màu”, vậy mà khách không mấy ưng công thức làm bánh vì quá khô.
Nhận thấy tình hình không ổn, họ nghỉ bán 2 tuần, quyết “làm lại từ đầu” bằng việc đi khắp nơi ăn các thương hiệu bánh mì nổi tiếng. Đó là những ngày chồng chở chị Hòa nhong nhong khắp Sài Gòn, phượt tới Đà Lạt, Nha Trang… ăn không kể hết các loại bánh mì để xem bí quyết của họ là gì mà khách đông dữ vậy.
Bánh mì được làm nóng, giòn trước khi bán cho khách |
“Thời điểm đó, hầu như ngày nào tôi cũng ăn 3 ổ bánh mì ở 3 thương hiệu khác nhau, thấy rằng sự khác biệt nằm trong bản thân ổ bánh mì không, nước xốt. Bánh mì ngon có lớp vỏ bên ngoài giòn, nhưng bên trong phải ẩm, không khô. Các nguyên liệu phối hợp với nhau cũng phải chất lượng và chỉn chu”, chị nói.
Về nhà, họ bắt tay vào việc chế biến công thức nước xốt, bơ phết bánh mì của riêng mình. Thay vì bán bánh mì thịt đà điểu như ban đầu, chị Hòa quyết định thay đổi, bán bánh mì thịt nướng và bánh mì gà với công thức nước xốt đặc biệt do chính mình và anh Đức sáng chế ra.
Quán có 2 loại bánh mì là bánh mì thịt nướng và bánh mì gà, được sáng tạo dựa trên bánh mì thịt truyền thống |
Phần bánh mì thịt nướng bắt mắt |
Bán trở lại, họ lắng nghe đóng góp của khách, dần dà thay đổi và có được công thức nước xốt hoàn thiện như hôm nay. Và hiện, sau không biết bao nhiêu lần thất bại, họ đã có một lượng khách “ruột” ổn định.
“Bánh mì của tôi không phải là bánh mì ngon nhất ở Sài Gòn, vì khẩu vị của mỗi người mỗi khác, không thể nào nói ngon nhất hay dở nhất. Nhưng chắc chắn, khách ăn sẽ không thấy thất vọng, vì mọi thứ phối hợp với nhau đậm đà, ăn vừa miệng. Mình bán bằng cái tâm, cái tình dành cho khách, và khi ăn khách sẽ cảm nhận được điều đó”, chị nói.
Tình yêu đặc biệt dành cho bánh mì
Ăn thử 2 loại bánh mì đặc trưng của quán, là bánh mì thịt nướng (giá 28.000 đồng) và bánh mì gà (giá 27.000 đồng), tôi bất ngờ vì bánh ngon vượt sự kỳ vọng của tôi.
Bánh mì gà giá 27.000 đồng |
Ở 2 ổ bánh, đúng như lời chị chủ “quảng cáo”, phần bơ thơm, béo ngậy dậy mùi trong ổ bánh mì làm nên hương vị đặc trưng. Thịt nướng không quá khô, ướp đậm đà, thịt tươi phối hợp với các dưa leo, dưa chua, nước xốt, rau mùi… ăn vừa miệng. Loại này, riêng tôi đánh giá 8.5/10, đáng thử qua.
“Nói thiệt, ban đầu mình bán bánh mì vì tiền, hơn là vì yêu loại bánh này. Nhưng càng gắn bó, mình yêu nó lúc nào không hay. Thế nên sau nhiều lần thất bại, mình sống chết cũng gắn bó với nó.
Chị Hòa
Ở tiệm, khách đều đặn ghé mua bánh vào buổi sáng. Trong đó, có chị Quỳnh Phương (27 tuổi, ngụ Q.1). Chị cho biết 2 năm trước, nhờ một người bạn giới thiệu, chị ăn thử bánh mì gà ở đây rồi “dính” luôn cái hương vị đó lúc nào không hay.
“Mình ấn tượng trước hết là tên tiệm, vừa lạ vừa ngộ ngộ. Sau đó là ấn tượng với bánh mì gà, thịt nướng cũng ngon nhưng gà hợp với mình hơn. Hầu như tuần nào cũng ghé mua ăn hết”, vị khách nói.
Còn anh Chánh Hoàng (27 tuổi, ngụ Q.3) cũng tâm sự dù nhà có ngược đường so với tiệm bánh mì, nhưng hầu như tuần nào anh cũng ghé đây mua 2 – 3 lần. Nhân viên thân thiện, làm nhanh với lại ổ bánh mì hợp vị khiến anh chọn gắn bó ở tiệm này lâu dài. “Bánh thơm béo, có hậu ngọt, hợp với khẩu vị dân Sài Gòn như mình”, anh đánh giá.
Trong vô số lựa chọn khởi nghiệp, chị Hòa nói rằng mình quyết định gắn bó với bánh mì là vì đây là món mà khách có thể ăn hằng ngày, và, chị muốn mỗi ngày đều có thể gặp lại những vị khách của mình.
Chị Phương là khách “ruột” của quán |
Chị Hòa giờ đã dành một tình yêu đặc biệt với bánh mì |
Thêm vào đó, chủ tiệm cũng đánh giá bánh mì là loại bánh có sự phối hợp hoàn hảo giữa các loại nguyên liệu, ăn không bị ngán, là niềm tự hào của ẩm thực Việt, và ở đây, chị có thể thỏa sức sáng tạo, làm mới nó như những năm qua chị vẫn đang làm.
“Nói thiệt, ban đầu mình bán bánh mì vì tiền, hơn là vì yêu loại bánh này. Nhưng càng gắn bó, mình yêu nó lúc nào không hay. Thế nên sau nhiều lần thất bại, mình sống chết cũng gắn bó với nó. May mắn là giờ, mọi thứ đâu đã vào đấy. Thời gian tới, vợ chồng mình sẽ không ngừng thay đổi, nâng cao chất lượng cũng như mở thêm nhiều chi nhánh để mang món bánh đặc biệt này tới nhiều người hơn nữa”, chị dự tính.
Nguồn: thanhnien.vn