Chia sẻ trên trang Womenshealthmag, BS Suzanne Steinbaum, giám đốc sức khỏe tim mạch của phụ nữ tại Viện Tim mạch và Mạch máu tại Bệnh viện Lenox Hill ở New York, đưa ra một lưu ý rằng: Bệnh tim không phải chỉ là những cơn đau tim mà nó còn là những “sai sót” trong tim của bạn, chẳng hạn như tắc nghẽn động mạch.
Khi nhắc tới nạn nhân đau tim, bạn có thể hình dung ra một người đàn ông trung niên thừa cân, nắm chặt bên trái ngực, sau đó ngã xuống sàn. Thế nhưng, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ, chỉ khoảng một nửa phụ nữ nhận thức được rằng bệnh tim là kẻ giết người số 1 đối với phụ nữ. Một lời giải thích cho điều này là nhiều phụ nữ vẫn không biết chính xác bệnh tim nguy hiểm như thế nào đối với mình.
Số phụ nữ tử vong vì bệnh tim nhiều hơn cả vì bệnh ung thư
Theo số liệu của Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ thì ước tính cứ bốn phụ nữ thì có một người chết vì bệnh tim, trong khi đó, số phụ nữ tử vong vì ung thư vú là 1/30 người.
“Trên thực tế, nhiều phụ nữ chết vì bệnh tim và đột quỵ hơn tất cả các bệnh ung thư cộng lại”, Richard Snyder, bác sĩ thực hành gia đình được hội đồng chứng nhận và giám đốc y tế tại Independence Blue Cross ở Philadelphia cho biết.
9 trong số 10 phụ nữ có ít nhất một yếu tố nguy cơ bị bệnh tim
Các bệnh tim tiềm ẩn, thuốc tránh thai, hút thuốc, chế độ ăn uống kém và thiếu tập thể dục đều có thể góp phần gây ra bệnh tim ở phụ nữ – và 90% phụ nữ có ít nhất một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim.
Tuy nhiên, bệnh tim có thể tấn công ở những phụ nữ không có yếu tố nguy cơ. Một nghiên cứu nhỏ được công bố bởi Tổ chức Tim mạch và Đột quỵ ở Canada cho thấy 48% những người tham gia – những người trẻ tuổi không có yếu tố nguy cơ bệnh tim nào – đã có dấu hiệu xơ vữa động mạch (tắc nghẽn động mạch). Đây thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng phát hiện ra một cách dễ dàng để xác định xem bạn có khả năng bị dày lên các mạch máu hay không. Đó là đo vòng eo và hông của bạn. Những người tham gia có dấu hiệu ban đầu của bệnh tim có xu hướng có số đo vòng hông nhỏ hơn hoặc gần bằng vòng eo.
Phụ nữ nên khám sàng lọc định kỳ bệnh tim bắt đầu ở độ tuổi 20
Một cuộc khảo sát quốc gia gần đây do Orlando Health công bố đã tiết lộ rằng 60% phụ nữ nghĩ rằng việc khám sàng lọc tim nên được thực hiện từ 30 tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không phải vậy, việc sàng lọc bệnh tim ở phụ nữ nên bắt đầu từ tuổi 20.
“Các vấn đề về tim bắt đầu phát triển ở thanh thiếu niên và đầu những năm hai mươi tuổi của chúng ta” Maria Carolina Demori, bác sĩ tim mạch tại Viện Tim Mạch Y tế Orlando cho biết. “Nếu chúng ta không hành động và bắt đầu ngăn chặn sự tiến triển của quá trình đó, bệnh sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn”.
Các triệu chứng bệnh tim thực sự khó nhận ra – đặc biệt là ở phụ nữ
Bởi vì các triệu chứng bệnh tim rất khác nhau giữa nam và nữ nên chúng thường bị hiểu sai.
“Ở nam giới, triệu chứng đau tim cổ điển là đau hoặc thấy áp lực ngực bên trái, đôi khi tỏa xuống cánh tay hoặc vào hàm. Mặt khác, phụ nữ có xu hướng có các triệu chứng tinh tế hơn, như mệt mỏi, buồn nôn, khó thở, khó tiêu, đau lưng, thậm chí đau hàm”, BS Richard Snyder nói. “Nếu bạn đang gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số này, tốt nhất bạn nên đến thẳng phòng cấp cứu để tránh những tổn thương tiềm ẩn cho tim của bạn”.
“Khỏe mạnh” không có nghĩa là bạn không có nguy cơ bị bệnh tim
“Một lầm tưởng phổ biến là bệnh tim không ảnh hưởng đến những phụ nữ khỏe mạnh. Nhưng ngay cả khi bạn rất chăm tập thể thao, nguy cơ mắc bệnh tim của bạn vẫn không được loại bỏ 100%”, BS Snyder cho biết.
Rõ ràng, những yếu tố như ăn quá nhiều và lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ bệnh tim, nhưng cho dù bạn gầy mà có lượng cholesterol cao hoặc có thói quen hút thuốc… thì bạn vẫn có nguy cơ bị bệnh tim.
Ngay cả khi bạn không có triệu chứng, bạn vẫn có thể gặp rủi ro vì bệnh tim
Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ, khoảng 64% phụ nữ đột ngột chết vì bệnh tim mạch vành cho biết không có triệu chứng nào trước đó. Điều này có thể là do họ đã bỏ qua một số dấu hiệu nhất định vì cho rằng không có vấn đề gì lớn, ví dụ như khi biểu hiện choáng váng khi đứng lên quá nhanh, khó thở khi tập thể dục và mệt mỏi sau một giấc ngủ đêm tồi tệ.
“Phụ nữ cần chú ý đến trái tim và chú ý xem các hoạt động thường ngày của mình có đột nhiên khó khăn hơn hay không. Nếu có, hãy cân nhắc việc kiểm tra tim”, BS Steinbaum nói.
Kiểm soát lượng hormone có thể phòng ngừa được bệnh tim
“Quản lý hormone của bạn là việc làm quan trọng để giữ cho trái tim của bạn khỏe mạnh”, chuyên gia y học chức năng Westin Childs, D.O có trụ sở tại Arizona cho biết.
Estrogen có tác dụng bảo vệ tim mạch, có nghĩa là nó bảo vệ chống lại bệnh tim. Đó là lý do tại sao nguy cơ mắc bệnh tim của phụ nữ tăng đáng kể sau mãn kinh. Ông nói: “Sự sụt giảm estrogen này được quản lý về mặt di truyền, vì vậy bạn có thể xác định khi nào nguy cơ mắc bệnh tim của bạn tăng lên dựa trên thời điểm mẹ bạn trải qua thời kỳ mãn kinh”.
Ngoài ra, hormone tuyến giáp không hoạt động có thể gây ra sự gia tăng cholesterol, và do đó, dẫn đến tổn thương tim.
Các thói quen hàng ngày như ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc có thể giúp giữ cân bằng nội tiết tố của bạn một cách lâu dài. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc kiểm tra nồng độ hormone để thiết lập các mục tiêu tốt cho sức khỏe tim mạch của mình.
Theo Krissy Brady/WomenHealth
Nguồn: toquoc.vn